Giảm tổn thất thủy sản sau thu hoạch: Cấp thiết ứng dụng khoa học công nghệ

PV.

Để tăng hiệu quả khai thác và giảm tổn thất xuống trong khai thác thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, muốn kéo giảm tổn thất trong và sau khai thác, nhất thiết cần phải giới thiệu các ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm tổn thất trong khai thác thủy sản
Cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm tổn thất trong khai thác thủy sản

Chia sẻ với báo chí về vấn đề làm thế nào để giảm tổn thất sau thu hoạch, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, muốn kéo giảm tổn thất trong và sau khai thác, nhất thiết cần phải giới thiệu các ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2015, trung bình cả nước có khoảng 30% trên tổng sản lượng thủy sản trong và sau khai thác bị thất thoát, hư hỏng, nghĩa là có gần một triệu tấn thuỷ sản bị hư hỏng, thất thoát trong tổng sản lượng trên 3 triệu tấn thủy sản được khai thác năm 2015. Đến nay, sản lượng thủy sản khai thác bị hao hụt vẫn lớn, thậm chí còn cao hơn so với trước.
Nguyên nhân do đó công nghệ còn nhiều hạn chế như công suất máy nhỏ, thiết bị lạc lậu, năng suất khai thác và công nghệ bảo quản sau khai thác thấp… số lượng tàu khai thác, đánh bắt cá trên biển nhiều, nhưng chủ yếu lại là tàu có công suất nhỏ, bảo quản sản phẩm sau khai thác còn lạc hậu như áp dụng phương pháp bảo quản bằng nước đá xay hoặc bằng phương pháp ướp muối truyền thống, cho nên, độ lạnh không đủ ở mức cần thiết cho việc duy trì và bảo quản sản phẩm dẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Mặc dù hiện nay, ở nước ta, một số công nghệ tiên tiến trong khai thác hải sản đã được ứng dụng tại các nước tiên tiến trên thế giới như: công nghệ dự báo ngư trường, công nghệ đóng tàu, vật liệu vỏ tàu; Công nghệ khai thác; Công nghệ bảo quản sau thu hoạch cũng như những tiến bộ công nghệ về thông tin liên lạc…tuy nhiên, thực tế các tiến bộ ứng dụng khoa học công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế. Trước tiên do thông tin về tiến bộ khoa học công nghệ chậm được phổ biến và ít có mô hình thực tiễn để ngư dân làm theo. Ngoài ra, đây là những mô hình mới cần đầu tư về vốn và thời gian nên ngư dân cũng thận trọng. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng chưa tiêp cận được với ngư dân. …
Theo Thứ trưởng Vũ Văm Tám, mục tiêu của ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản là nâng cao giá trị gia tăng, giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, khai thác chọn lọc nhằm phát triển bền vững, không chạy theo sản lượng, khắc phục tình trạng tổn thất trong khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Vì vậy, để đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác hải sản trong thời gian tới, trong thời gian sớm nhất, Tổng cục Thủy sản tập hợp, biên tập các tài liệu về tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản, gửi cho các địa phương để phổ biến truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo, đài, thông tin trên trang thông tin điện của tổng cục để ngư dân có thể tiếp cận một cách nhanh chóng và tốt nhất.
Sớm xây dựng và trình Bộ ban hành kế hoạch ứng dụng tiến bộ khoa học trong khai thác thủy sản; lựa chọn những tiến bộ sát với yêu cầu thực tế để triển khai ứng dụng. Thường xuyên nghiên cứu đánh giá hiệu quả và tác động của công nghệ mới để tránh triển khai những nghề gây xâm hại nguồn lợi.
Tổng cục Thủy sản cần rà soát các chính sách hiện có để giúp ngư dân tiếp cận được chính sách một cách thuận lợi nhất như Nghị định 67, Nghị định 89, Quyết định 68... Rà soát chương trình đào tạo, tập huấn cho ngư dân, phối hợp với các trường bổ sung nội dung về đào tạo ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào khung chương trình đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng. Các doanh nghiệp phối hợp với các trung tâm, viện, trường để đào tạo, hướng dẫn sử dụng công nghệ mới.
Các địa phương tập trung xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng tiến bộ phù hợp địa phương, triển khai tốt các chính sách nhà nước đã ban hành; Cập nhật các tiến bộ công nghệ để hướng dẫn cho ngư dân, ưu tiên hướng dẫn trực tiếp trên tàu cá.
Tung tâm khuyến nông quốc gia cần tập trung cho các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học trong khai thác thủy sản. Viện Nghiên cứu Hải sản tổng hợp và cập nhật các ứng dụng tiên tiến trên thế giới, khu vực để có thể chuyển giao, nhân rộng ra các địa phương. Triển khai trình diễn công nghệ khai thác, bảo quản cá ngừ tiên tiến, công nghệ khai thác bằng lưới vây đuôi.
Các doanh nghiệp cần cung cấp những thông tin cần thiết như hiệu quả, giá cả của từng ứng dụng công nghệ mới để ngư dân có thể lựa chọn một cách phù hợp.