Lạng Sơn chú trọng phát triển cánh đồng mẫu lớn

pv.

(Taichinh) - Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang có những bước phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 4%/năm. Việc triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn của tỉnh là một động lực quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Lạng Sơn chú trọng phát triển cánh đồng mẫu lớn.
Lạng Sơn chú trọng phát triển cánh đồng mẫu lớn.

Trong mấy năm gần đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn. Đến nay các mô hình triển khai thí điểm của Tỉnh đều thành công. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: thực hiện chỉ đạo của tỉnh và của ngành, trong thời gian qua Lạng Sơn phấn đấu mỗi huyện thực hiện thí điểm từ 1-2 mô hình và khi đã khẳng định được thành công, cũng như xác định được quy mô cánh đồng lớn trên địa bàn, bước sang năm 2014 Tỉnh nhân rộng cánh đồng mẫu lớn thành cánh đồng lớn.

Với đặc thù của mình Lạng Sơn không giới hạn cánh đồng lớn trong sản xuất lúa mà xác định với các loại cây thế mạnh. Ngành NN&PTNT đã tiến hành khảo sát và lập danh sách các loại cây thế mạnh cho từng địa phương. Việc xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất trên địa bàn cũng khẩn trương được tiến hành.

Trải qua thực tế những năm trước đây, Lạng Sơn đã thu được nhiều kinh nghiệm trong phát triển cánh đồng mẫu lớn. Việc phát triển vùng trồng chè ở Đình Lập được coi là bền vững nhất trong thực hiện mô hình vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn liền với thị trường tiêu thụ. Từ con số 10 ha trồng thử nghiệm cách đây 50 năm, đến nay vùng chè Đình Lập đã lên đến con số 600 ha, trải khắp từ Lâm Ca, Thái Bình đến thị trấn Nông trường. Hơn 1.000 hộ gia đình trên địa bàn 26 thôn bản tham gia trồng chè. Tất cả những diện tích này, cơ bản đã được Công ty Cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn thu mua thông qua hợp đồng tiêu thụ, không chỉ khẳng định được thương hiệu trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Vùng sản xuất cây thuốc lá của huyện Bắc Sơn cũng đã được tỉnh quan tâm phát triển. Căn cứ vào năng lực sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, huyện lựa chọn và ký kết nguyên tắc đầu tư và thu mua sản phẩm trong thời hạn 2-5 năm. Đồng thời phân vùng đầu tư cho doanh nghiệp tại các địa phương. Căn cứ vào vùng đầu tư được giao, các doanh nghiệp ký kết cụ thể phương thức hợp tác sản xuất với từng hộ gia đình, trong đó bao gồm cả cung ứng vật tư, chuyển giao khoa học và tiêu thụ sản phẩm. Mọi quá trình đều có sự giám sát, quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Diện tích thuốc lá của toàn huyện hiện nay đạt khoảng trên 2.600 ha, sản lượng khoảng hơn 6.000 tấn, giá trị tương đương 250 tỷ đồng. Vùng sản xuất này hàng năm đóng góp trên 70% tổng thu ngân sách huyện.

Đó là những ví dụ điển hình về vùng sản xuất nguyên liệu tập trung trên địa bàn tỉnh và có thể coi đây là những cánh đồng lớn điển hình. Trên cánh đồng lớn này có thể nhận thấy rõ nét mối liên kết “4 nhà” và canh tác đồng loạt, dễ dàng áp dụng cơ giới hóa.

Năm 2015 Lạng Sơn tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; kiên trì thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng nông thôn mới, mỗi huyện, thành phố lựa chọn 01 xã điểm để tập trung chỉ đạo, huy động sức dân và đầu tư của nhà nước hoàn thành trong năm 2015, tỉnh sẽ lựa chọn, ưu tiên nguồn lực cho 5 - 6 xã trong 11 xã điểm. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ...