Tây Nguyên: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tiếp sức cho người nông dân

PV.

Sau 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên, hoạt động tín dụng chính sách đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thực tiễn cũng như nhận thức.

Tín dụng chính sách đã và đang góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại các tỉnh vùng Tây Nguyên; đồng thời phát huy được sức mạnh của các tổ chức hội, đoàn thể, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước

Tính đến 31/10/2015, tổng dư nợ toàn vùng Tây Nguyên đạt hơn 16.000 tỷ đồng, chiếm 11,68% tổng dư nợ toàn quốc, với trên 700.000 hộ vay, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 8,96% (cả nước 7,76%).

Tỷ lệ nợ quá hạn của toàn vùng hiện chỉ chiếm 0,40%/tổng dư nợ, thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn toàn hệ thống NHCSXH là 0,41%. Tất cả các chi nhánh trong vùng có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%.

Chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả. Số tổ được xếp loại tốt và khá đã tăng từ 14.933 tổ (tương đương 77,7%) lên 17.444 tổ (tương đương 89,7%). Công tác phối hợp giữa các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn, Trưởng buôn, làng trong việc bình xét cho vay được thực hiện công khai và chất lượng, qua đó nâng cao được trách nhiệm quản lý, giám sát sử dụng vốn vay.

Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Tây Nguyên với NHCSXH, chính quyền các tỉnh trong vùng, NHCSXH đã được quan tâm, hỗ trợ bổ sung nguồn vốn ủy thác để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Tính đến hết tháng 10/2015, ngân sách địa phương đã chuyển 974,5 tỷ đồng sang NHCSXH để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay. Đây là việc làm hết sức thiết thực để tăng sức mạnh của tín dụng chính sách trong toàn vùng.