Trồng cây mắc ca: Nên tập trung vào chất lượng sản phẩm

Linh Trang

(Tài chính) Tại buổi gặp gỡ báo chí vừa tổ chức, TS. Nguyễn Trí Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Phát triển nông lâm nghiệp Thành Tây cho biết, hiện tại mắc ca chưa phải là cây tỷ đô nên không cần thiết bàn cãi nhiều về về diện tích trồng 10.000 hay 20.000 ha mà quan trọng hơn là tập trung vào chất lượng sản phẩm.

Theo các chuyên gia, Việt Nam nên tập trung vào chất lượng sản phẩm mắc ca theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo các chuyên gia, Việt Nam nên tập trung vào chất lượng sản phẩm mắc ca theo tiêu chuẩn quốc tế.
10.000 ha hay 20.000 ha không quan trọng
Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc, không cần thiết bàn cãi nhiều về diện tích trồng 10.000 ha hay 200.000 ha, vấn đề quan trọng là tập trung vào chất lượng sản phẩm. Ông cũng cho rằng, định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về trồng 10.000 ha mắc ca tới năm 2020 tại những vùng đã khảo nghiệm thành công là chủ trương rất đúng đắn. Và nếu đạt được điều đó thì Việt Nam đã đứng trong Top 5 quốc gia có diện tích trồng cây mắc ca lớn nhất thế giới.

“Tâm lý của người Việt thường hay nôn nóng, như vậy rất dễ “đốt cháy giai đoạn”, có thể dẫn tới thiệt hại nặng nề. Mặc dù cây mắc ca đã du nhập vào nước ta được 20 năm, nhưng trong quá trình khảo nghiệm cho ra kết quả khác nhau. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa thu thập đầy đủ những cứ liệu để phê duyệt quy hoạch tổng thể vùng trồng mắc ca với diện tích bao nhiêu là phù hợp”, ông Ngọc nói thêm.

Trước khá nhiều câu hỏi của giới truyền thông hỏi ông liệu cây mắc ca có phải là cây tỷ đô? Ông Ngoc khẳng định, thời điểm hiện tại mắc ca chưa phải là cây tỷ đô, mà đó là hoài bão của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn và những người làm nông nghiệp muốn vươn tới, dựa trên tiềm năng, lợi thế của quốc gia.

Theo thống kê, các cơ sở cung ứng giống uy tín có vườn cây đầu dòng đạt tiêu chuẩn chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trồng mới 1.000 ha/năm (với mật độ 350 cây/ha). Vì thế, muốn phát triển “nóng” diện tích mắc ca cũng gặp khá nhiều khó khăn. Trong số hơn 2.000 ha mắc ca Việt Nam đang có, nhiều chuyên gia khoa học nhận định rằng, có đến quá nửa diện tích được trồng bằng cây thực sinh.

Thách thức về chất lượng sản phẩm
Dẫn chứng về các sản phẩm mắc ca của một số nước như Australia, Mỹ và Nam Phi bán với giá cao, ông Lê Tùng Anh, Giám đốc Dự án chế biến mắc ca của Công ty Cổ phần Thương mại, đầu tư và phát triển công nghệ Quốc tế (IDT) cho biết, giá trị của mắc ca thấp hay cao được quy định bởi các yếu tố như: hàm lượng các dưỡng chất có trong nhân; độ ẩm của hạt mắc ca phải từ 15% trở xuống; tỷ lệ nhân/quả đạt tối thiểu 33% và nhiều yếu tố khác.

Lo ngại về chất lượng mắc ca của Việt Nam, ông Lê Tùng Anh cho rằng, nếu Việt Nam  không có một bộ giống tốt và đưa ra được những gói kỹ thuật chăm sóc từng giống mắc ca cho nông dân thì khó có thể đạt hàm lượng chất dinh dưỡng đúng chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, nông dân Tây Nguyên vẫn có tập quán bảo quản nông sản bằng cách phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Như vậy rất nguy hiểm vì không thể kiểm soát được nhiệt độ ổn định, dẫn đến hiện tượng chảy dầu ở bên trong, như vậy chỉ có thể dùng để ép thành dầu ăn với giá trị thấp.

Hiện tại, quả mắc ca ở Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ ngay tại các vùng trồng, chủ yếu phục vụ làm giống. Do đó, giá cả vẫn chưa được áp theo cơ chế thị trường. Nếu muốn trở thành một quốc gia xuất khẩu mắc ca lớn trên thế giới, thì trước hết phải tạo ra được sản phẩm mắc ca đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều đó không phải điều dễ dàng.

Nên đầu tư nhà máy chế biến mắc ca
Còn về vấn đề có nên đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mắc ca ở thời điểm này hay không? Ông Lê Tùng Anh khẳng định, đầu tư một xưởng sơ chế mắc ca không cần nhiều tiền, nhưng hoàn toàn sai. Trên thế giới, mô hình thành công nhất là của MPC, Công ty hàng đầu của Australia về chế biến mắc ca. Họ đã phải đầu tư khoảng 60 triệu USD xây dựng một nhà máy sơ chế hạt mắc ca với công suất chỉ 11.000 tấn/năm. Để đạt được độ ẩm 10% của hạt mắc ca, phải mất thời gian sấy lên tới 4 tuần, nhiệt độ ổn định ở mức 40 độ C.

Cùng với đó, để có nguồn nguyên liệu ổn định, họ đầu tư vốn cho các nông trại và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các nông trại. Hợp đồng này rất chặt chẽ và được pháp luật bảo vệ nên không bên nào muốn vi phạm. Hiện tại, MPC có quan hệ hợp đồng với 750 nông trại khắp Australia.

Tham khảo mô hình “khép kín” của Australia, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, nếu thay đổi cách nghĩ, cách làm của cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền thì mới đảm bảo cho mô hình này hoạt động. Cùng với đó, cần sự vào cuộc của các bên liên quan để nhanh chóng xác định mô hình hiệu quả cho từng địa phương.

Theo tính toán của IDT, với quy mô mắc ca như hiện nay, chúng ta nên đầu tư các xưởng sơ chế mắc ca nhỏ ở ngay vùng nguyên liệu, với công suất từ 5 - 10 tấn/năm. Đồng thời, nên khuyến khích xây dựng nhà máy ở gần thị trường tiêu thụ.  Ví dụ như các đô thị lớn để bảo đảm rằng, sản phẩm mắc ca sau khi ra lò sẽ được vận chuyển nhanh nhất, trong điều kiện tốt nhất đến nơi có nhu cầu để đảm bảo chất lượng cao…/.