6 yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng

Mai Anh

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là điều tất yếu đối với cộng đồng doanh nghiệp để tồn tại và phát triển trên thương trường. Để làm được điều đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa được xem là yếu tố sống còn quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Dưới đây là 6 yếu tố then chốt giúp các chủ doanh nghiệp có thể vận dụng để tăng năng suất – chất lượng sản phẩm:

Một là, quản lý thượng nguồn: Để quản lý được chất lượng sản phẩm thì cần phải quản lý được yếu tố mang tên công đoạn. Trong quy trình quản lý công đoạn, việc quản lý thượng nguồn rất quan trọng. Nếu doanh nghiệp không đảm bảo việc quản lý thượng nguồn (công đoạn đầu) sẽ dẫn tới những sự cố nghiêm trọng ở hạ nguồn (công đoạn cuối).

7 yếu tố chủ chốt trong sản xuất doanh nghiệp cần chú trọng gồm: Chất lượng, chi phí, kỳ hạn, năng suất, an toàn, tính kỷ luật và môi trường.

Hai là, quản lý chất lượng: Trong quản lý chất lượng có hai loại dữ liệu thường được sử dụng là dữ liệu số và dữ liệu ngôn ngữ. Doanh nghiệp cần làm rõ mục đích và phải lấy dữ liệu phù hợp với mục đích đã đưa ra ban đầu.

Ba là, chú trọng 7 yếu tố chủ chốt trong sản xuất, gồm:

- Chất lượng: Độ thoả mãn khách hàng, số lượng phàn nàn, tỷ lệ lỗi, tỷ lệ sửa chữa, số lượng thay đổi thiết kế sản phẩm…

- Chi phí: Chi phí tổn thất cơ hội, tỷ lệ hoạt động của thiết bị, công làm lại, lượng tồn kho, kinh phí…

- Kỳ hạn: Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch sản xuất, tỷ lệ giao hàng đúng hạn, số lần trễ hạn, thời gian đổi mã hàng…

- Năng suất: Năng lực sản xuất, thời gian đổi mã hàng, thời gian chạy máy…

- An toàn: Số lượng thiết bị có gắn thiết bị an toàn, quản lý vệ sinh, quản lý an toàn…

- Tính kỷ luật: Tỷ lệ đi làm, số lượng đề án kaizen, kế hoạch đa năng hoá, kế hoạch lấy chứng chỉ nghề…

- Môi trường: Hoạt động 5S, vệ sinh công xưởng, xây dựng môi trường dễ làm việc, những yếu tố khác liên quan đến môi trường.

Bốn là, tập trung vào trọng điểm: Nếu chỉ tập trung vào những vấn đề đơn giản nhìn thấy ngay thì sẽ không thể giải quyết tận gốc vấn đề, theo đó cần xếp những vấn đề khó nhưng có ảnh hướng lớn tới kết quả vào vị trí ưu tiên cao, rồi tiến hành giải quyết lần lượt từ trên xuống dưới.

Năm là, quản lý dựa trên sự thực: Trong quản lý chất lượng, suy nghĩ và phán đoán nên dựa trên sự thực, tránh những suy nghĩ cảm tính, chủ quan.

Sáu là, trực quan hoá: Điều này được định nghĩa là phương pháp biểu thị các loại thông tin một cách trực quan thông qua việc sử dụng biểu đồ hoặc đồ thị nhằm mục đích chia sẻ thông tin để sớm phát hiện cũng như giải quyết vấn đề.