70% doanh nghiệp châu Âu đang kinh doanh tốt tại Việt Nam

Theo Hoài Nam/baoquocte.vn

Kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) thực hiện vào quý II/2018 cho thấy sự lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp thành viên khi đánh giá tình hình kinh doanh tại Việt Nam. Sự lạc quan này được thể hiện qua 6 bậc tăng của chỉ số BCI so với quý I/2018.

Việt Nam đang là điểm đến thương mại và đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư châu Âu cũng như quốc tế. (Nguồn: EuroCham)
Việt Nam đang là điểm đến thương mại và đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư châu Âu cũng như quốc tế. (Nguồn: EuroCham)

Đây cũng là đánh giá tích cực nhất từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu trong 18 tháng qua và chỉ thấp hơn 2 bậc so với mức cao nhất từng đạt trong quý 3/2016.

Qua phản hồi, cộng đồng doanh nghiệp thành viên EuroCham cũng lạc quan về triển vọng kinh doanh, căn cứ vào các khía cạnh khác nhau như kế hoạch đầu tư, dự đoán doanh thu hay kế hoạch tuyển dụng và tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Có 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát phản hồi kết quả kinh doanh quý vừa rồi là tích cực. Cụ thể, 65% phản hồi “Tốt”, 12% phản hồi “Xuât sắc”. Khi khảo sát doanh nghiệp về dự đoán tình hình kinh doanh sắp tới, 64% phản hồi “Tốt’ và 15% phản hồi “Xuất sắc”.

Các thành viên EuroCham cũng rất lạc quan về triển vọng kinh tế vĩ mô, khi khảo sát về kỳ vọng kinh tế vĩ mô trong quý tới, 57% phản hồi “Ổn định và cải thiện”, 34% “Không thay đổi”, chỉ có 10% “Suy thoái”. Trong khi đó, hơn phân nửa (57%) doanh nghiệp phản hồi rằng sẽ “tăng đáng kể” và “tăng nhẹ” lượng nhân lực.

Các chỉ số này tương ứng với dự định tăng mức đầu tư, khi 61% doanh nghiệp phản hồi “tăng đáng kể” và “tăng nhẹ”. Hơn 2/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát (76%) dự đoán rằng kết quả kinh doanh của họ, thể hiện qua số lượng đơn hàng và doanh thu, sẽ “tăng nhẹ” và “tăng đáng kể”.

Đây cũng là lần đầu tiên EuroCham khảo sát cộng đồng doanh nghiệp thành viên về đề tài Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR). Gần như tất cả doanh nghiệp nhận định rằng CSR quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam. Các động lực chính để các doanh nghiệp hướng tới CSR bao gồm “Uy tín thương hiệu” và “Quan ngại liên quan đến khách hàng/Môi trường”.

Đồng chủ tịch EuroCham ông Nicolas Audier cho biết, những chỉ số này một lần nữa cho thấy các doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu vẫn tin tưởng vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

“Sư kiện EuroCham đạt mốc 1.000 thành viên - trở thành một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất ở châu Á đã củng cố thông điệp tích cực này và cho thấy Việt Nam đang là điểm đến thương mại và đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư châu Âu cũng như quốc tế”, ông Nicolas Audier nhấn mạnh.

Cùng theo ông Nicolas Audier, những thông tin tích cực về niềm tin của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quan hệ Việt Nam - EU trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) được mong đợi sẽ sớm được phê chuẩn.

“Chúng tôi hy vọng thông điệp tích cực này từ EuroCham và các thành viên sẽ truyền cảm hứng cho Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và thương mại và tăng cường mở cửa thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nicolas Audier nhận định.