Buýt 2 tầng: “Vết đổ” BRT?

Theo Lưu Thủy/saigondautu.vn

Đầu tư kinh phí lớn, lượng khách đi xe ít, hoạt động kém hiệu quả, gây tắc đường, khách nước ngoài không mặn mà… Tất cả những yếu tố trên đang khiến dư luận e ngại dự án xe buýt 2 tầng dành cho du lịch của TP Hà Nội, sẽ lặp lại “vết đổ” của dự án xe buýt nhanh BRT gần như phá sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Đìu hiu khách
Cuối tháng 5 vừa qua, TP Hà Nội khai trương tuyến xe buýt 2 tầng đầu tiên ở Hà Nội (City Tour 2), với lộ trình đi qua 25 phố với 13 điểm dừng, đưa khách đến 30 điểm tham quan của Thủ đô. Ngoài ra, trên xe có trang bị hệ thống thuyết minh về các địa danh và dịch tự động sang nhiều ngôn ngữ khác nhau để phục vụ khách du lịch.
Đánh giá lại hoạt động của xe buýt 2 tầng sau gần 6 tháng hoạt động, Sở GTVT TP Hà Nội đã thừa nhận chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Cụ thể, cuối tháng 10 vừa qua, trong báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội dẫn lại thông tin của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết, lượng hành khách tuyến City Tour này còn thấp, trong tháng 7 vừa qua trung bình chỉ đạt 6,9 hành khách mỗi lượt.
Nguyên nhân vắng khách được nêu rõ: “Hà Nội với tiềm năng du lịch lớn, tuyến City Tour 1 với số lượng xe ít (3 xe), giãn cách chạy xe lớn (30 phút/lượt xe), nên chưa thu hút được nhiều người dân và du khách”.
Ngoài ra, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội dù là đơn vị chủ lực của TP trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, nhưng chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch nên đã liên kết với Công ty Ảnh Việt – là một doanh nghiệp lữ hành để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, điều hành dẫn đến mức phí cao.
Tuy nhiên, đáng chú ý là dù tuyến 1 đưa vào khai thác từ cuối tháng 5 đã tỏ rõ kém hiệu quả, nhưng mới đây Sở GTVT Hà Nội vẫn quyết định tiếp tục đưa vào khai thác tuyến 2. Trong khi đó, theo ghi nhận thực tế, xe buýt 2 tầng hiện nay rất vắng khách, cá biệt có những xe chỉ 3 – 4 khách, trong khi sức chứa mỗi xe lên tới 80 hành khách và chi phí mỗi xe buýt lên tới 6 tỷ đồng.

Du khách nước ngoài không mặn mà
 Trao đổi với ĐTTC, TS. Vũ Thế Long, Ủy viên Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội cho biết, ở thủ đô các nước châu Âu, xe buýt 2 tầng khá phổ biến, ngoài phục vụ khách du lịch nước ngoài đây còn là phương tiện công cộng dùng để đi lại của một bộ phận người dân. Do đó, việc TP Hà Nội đưa xe buýt 2 tầng vào sử dụng cũng không phải là mới, mà là học theo một số nước châu Âu. Tuy nhiên, TS. Long cho rằng, dù học hỏi các nước khác cũng cần phải xét đến đặc thù của Thủ đô Hà Nôi. 
“Tôi thường xuyên làm hướng dẫn viên du lịch cho các du khách Tây khi đến Hà Nội, nhưng chủ yếu họ thích đi bộ dạo các phố cổ, hoặc họ chọn phương tiện xe xích lô chứ không mấy khi họ đi xe buýt 2 tầng. Thực tế khi đi xe buýt 2 tầng du khách có thể ngắm nhìn các đường phố Hà Nội từ trên cao, song bất cập ở đây là đường phố Hà Nội nhỏ hẹp, xe buýt không đi được hết các tuyến phố, trong khi đó lại thường vướng dây điện, cây cối che khuất tầm quan sát, và đặc thù thời tiết Hà Nội mưa nắng thất thường nên có thể không hấp dẫn được du khách” - TS. Long nhận xét.
TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng: “Với lượng khách chưa đầy 7 người/lượt, đã cho thấy xe buýt 2 tầng hoạt động không có hiệu quả. Kinh phí đầu tư cho xe buýt 2 tầng rất lớn, khách đi xe như thế là quá thưa thớt, xét về hiệu quả kinh tế là không thể chấp nhận được”.