Cần hoàn thiện các quy định pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh

Hải An

Để hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, yêu cầu đặt ra là cần thống nhất các quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong các văn bản Luật chuyên ngành, đồng thời nâng các mức xử phạt đối với các hành vi này.

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, tính đến hết năm 2018, đã có gần 400 hồ sơ khiếu nại về các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh (CTKLM), trong đó hơn 200 vụ đã được điều tra, xử lý. Các vụ việc CTKLM diễn ra dưới nhiều hình thức, theo nhiều dạng hành vi vi phạm khác nhau.

Căn cứ theo nhóm hành vi vi phạm, nhóm vụ việc liên quan đến hành vi quảng cáo nhằm CTKLM chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số các vụ việc được điều tra, xử lý (chiếm tới 62%), tiếp theo là các vụ việc liên quan tới hành vi bán hàng đa cấp bất chính (chiếm 17%). Bên cạnh đó là hành vi dèm pha doanh nghiệp (DN) khác, bán hàng đa cấp bất chính. Số vụ việc liên quan tới các dạng hành vi khác như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, gây rối hoạt động của DN khác, xâm phạm bí mật kinh doanh chiếm tỷ lệ thấp.

Để hạn hạn chế hành vi CTKLM trong thời kỳ hội nhập kinh tế, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2019/NĐ-CP (ngày 26/09/2019) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Theo đó, các mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về CTKLM đã được quy định rõ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, để hoàn thiện các quy định pháp luật về CTKLM, vẫn cần thống nhất các quy định về hành vi CTKLM trong các văn bản Luật chuyên ngành, cụ thể hành vi CTKLM trong lĩnh vực sỡ hữu trí tuệ trong Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi quảng cáo nhằm CTKLM trong Luật Quảng cáo, hành vi khuyến mại trong Luật Thương mại…

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, cần xem xét mức xử phạt và hình thức xử phạt đối với các hành vi CTKLM (mức phát tối đa hiện nay là 1 tỷ đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ). Trên thực tế, những hành vi CTKLM có thể mang lại lợi ích khổng lồ cho DN, nhiều hơn rất nhiều so với số tiền phạt họ phải gánh chịu.

Ngoài ra, hiện tại Bộ luật hình sự năm 2015, Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm  2017 đã bước đầu có quy định việc xử lý hình sự đối với một số hành vi CTKLM như tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192, tội đầu cơ (Điều 196), tội quảng cáo gian dối (Điều 197), tội lừa dối khách hàng (Điều 198). Tuy nhiên, còn nhiều hành vi CTKLM mà pháp luật nhiều quốc gia quy định là tội phạm mà Bộ Luật hình sự của Việt Nam chưa quy định, trong đó có hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh, hoạt động tình báo công nghiệp…

Cùng với việc hoàn thiện các quy định pháp luật về CTKLM, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về CTKLM. Đối tượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về CTKLM chủ yếu nên hướng tới là cộng đồng doanh nghiệp. Nội dung tuyên truyền cần giúp các DN nhận diện những hành vi CTKLM và quyền khiếu nại, khởi kiện của DN bị xâm hại, các hình thức chế tài có thể áp dụng đối với DN có hành vi vi phạm.

Ngoài ra, đấu tranh với các hành vi CTKLM là nhiệm vụ khá mới mẻ đối với Việt Nam nhưng lại là lĩnh vực mà nhiều quốc gia trên thế giới có kinh nghiệm. Trong bối cảnh ấy, việc tham khảo, học tập kinh nghiệm nước ngoài trong việc xử lý các vấn đề về cạnh tranh, trong đó có CTKLM là rất cần thiết.