Chính phủ xây dựng nghị quyết về phòng vệ thương mại

D.Bùi (T/h)

Theo số liệu Bộ Công Thương, chỉ trong 3 quý đầu năm đã có 154 vụ phòng vệ thương mại bị 19 các quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong 9 tháng của năm 2019, Việt Nam đã bị điều tra hơn 154 vụ phòng vệ thương mại.
Trong 9 tháng của năm 2019, Việt Nam đã bị điều tra hơn 154 vụ phòng vệ thương mại.

Trong đó, Mỹ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (30 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ), Ấn Độ (20 vụ), EU (14 vụ)... Những vụ việc bị điều tra nhiều nhất là điều tra chống bán phá giá (87 vụ việc, chiếm hơn 50%), tự vệ (33 vụ), chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (19 vụ) và chống trợ cấp (15 vụ).

Ngược lại, trong thời gian này, Việt Nam khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại chỉ 15 vụ (8 vụ chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh thuế tự vệ). Số vụ khởi xướng điều tra ít là do Việt Nam chủ trương khuyến khích tự do hóa thương mại, nên chỉ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp thật sự cần thiết.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Đề án 824). Bộ Công Thương cũng đang tham mưu Chính phủ xây dựng nghị quyết về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.