Đại học vùng trước bối cảnh tự chủ: Giải pháp tồn tại và phát triển

ThS. Phan Thị Thái Hà - Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên

Tự chủ được coi là xu thế phát triển tất yếu, là điều kiện cần thiết đối với các trường đại học. Theo Tuyên bố Prague của Hiệp hội Đại học Châu Âu (2009), các trường đại học cần được tăng cường tự chủ để có thể phục vụ tốt hơn cho xã hội. Trong các tuyên bố khác nhau, Hiệp hội Đại học châu Âu cũng đều khẳng định vai trò quan trọng của cơ chế tự chủ đối với các tổ chức giáo dục đại học và toàn xã hội nói chung. Tại Việt Nam, tự chủ đại học cũng đang trên lộ trình hoàn thiện mở ra những cơ hội phát triển lớn cho các trường đại học công lập nói chung và các đại học vùng nói riêng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nội dung về tự chủ đại học

Tùy theo nhận thức vai trò của Nhà nước về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, vấn đề tự chủ đại học được mỗi quốc gia hiểu theo nhiều cách khác nhau. Tự chủ đại học được nhìn nhận theo hai khía cạnh: Một là, giáo dục đại học thoát ra khỏi sự kiểm soát, hạn chế của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các ảnh hưởng chính trị; Hai là, các tổ chức giáo dục đại học có quyền tự do đưa ra các quyết định về các thức tổ chức hoạt động cũng như mục tiêu sứ mạng của mình.

Tại Việt Nam, vấn đề tự chủ đại học được nêu rõ trong Điều lệ trường đại học, ban hành theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: “Trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quy hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự”.

Tự chủ đại học được Hiệp hội Đại học châu Âu xác định bao gồm các thành tố sau:

- Tự chủ về học thuật: Các đại học có quyền quyết định về chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy cũng như quyền quyết định về quy mô, phạm vi, mục đích và phương pháp nghiên cứu.

- Tự chủ về tài chính: Các đại học có quyền quyết định trong việc huy động và phân bổ ngân sách, được quyết định mức học phí cũng như tự chủ trong quản lý sử dụng ngân sách của mình.

- Tự chủ về cơ cấu tổ chức: Các đại học có quyền tự thiết lập cơ chế cũng như điều lệ trường đại học, thành lập hội đồng đại học cũng như bầu ra các trung tâm ra quyết định cũng như bổ nhiệm các cá nhân.

- Tự chủ về nhân sự: Các đại học có quyền quyết định và chủ động trong việc tuyển dụng, trả lương và chế độ đãi ngộ với người lao động.

Tại Việt Nam, theo quy định của Luật Giáo dục 2005, trường đại học được quyền tự chủ trong 05 hoạt động:

(1) Xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy, học tập đối với các ngành nghề được phép đào tạo;

(2) Xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, tổ chức quá trình đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng;

(3) Tổ chức bộ máy nhà trường, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đãi ngộ nhà giáo, cán bộ, nhân viên;

(4) Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực;

(5) Hợp tác với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài.

Luật Giáo dục Đại học 2012 tái khẳng định quyền tự chủ của các trường đại học, theo đó, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

Đại học vùng trước bối cảnh tự chủ: Giải pháp tồn tại và phát triển - Ảnh 1Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, quy định cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện trên các mặt: Thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí với đối tượng chính sách; đầu tư, mua sắm; các nội dung tự chủ khác theo quy định của pháp luật.

Đại học vùng và những khó khăn, bất cập trước thềm tự chủ

Nghị định số 43/2006/NĐ – CP ngày 25/4/2006 về Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với sự nghiệp công lập đã khởi đầu một thời kỳ mới - thời kỳ tự chủ của đại học công lập.

Nghị định số 16/2015/NĐ – CP ban hành ngày 14/2/2015 thay thế cho Nghị định số 43/2006/NĐ – CP đã xác định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí nhà nước, tiến tới giao quyền tự chủ tài chính hoàn toàn cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường đại học công lập.

Khi được tự chủ tài chính hoàn toàn, nguồn thu của trường đại học công lập sẽ không còn nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN), hoạt động tài chính của các trường đại học sẽ tương tự như hoạt động tài chính của một doanh nghiệp. Đây vừa là cơ hội phát triển song cũng là thách thức không nhỏ đối với các đại học công lập, trong đó có các đại học vùng.

Thực tế, trải qua hơn 20 năm tồn tại và phát triển, các đại học vùng đã từng bước đạt được nhiều thành tựu, khẳng định vai trò là đại học trọng điểm Quốc gia.

Đại học vùng trước bối cảnh tự chủ: Giải pháp tồn tại và phát triển - Ảnh 2

Tuy nhiên, trước bối cảnh đại học công lập được giao quyền tự chủ, vai trò của đại học vùng ngày càng trở nên mờ nhạt, không phát huy được các thế mạnh của mình. Việc trao quyền tự chủ cao đối với các trường thành viên đã làm suy giảm vai trò của đại học vùng, nguy cơ giải thể đại học vùng ngày càng trở nên rõ nét.

Hiện nay, các đại học vùng đang thực hiện tổ chức và hoạt động theo Thông tư số 08/2014/TT – BGDĐT và Nghị định số 16/2015/NĐ – CP, tuy nhiên, quyền hạn của đại học vùng trong bối cảnh tự chủ chưa được đề cập tới một cách đầy đủ và rõ ràng, điều này đã dẫn tới nhiều bất cập trong vận hành hệ thống.

Theo lộ trình, các đại học công lập sẽ dần được trao quyền tự chủ hoàn toàn, không còn nguồn từ NSNN, Nghị định số 16/2015/NĐ – CP cho phép các trường đại học công lập (bao gồm cả Đại học vùng và các đơn vị thành viên) tiến tới tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính song Thông tư số 08/2014/TT – BGDĐT về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên đã không còn phù hợp với tình hình mới.

Theo Thông tư số 08/2014/TT – BGDĐT, đại học vùng có nhiệm vụ báo cáo và trình Bộ Giáo dục phê duyệt các vấn đề liên quan tới đề án nhân sự, hoạt động đào tạo và quản lý tài chính của các cơ sở giáo dục đại học thành viên và của hệ thống, điều này vô hình chung biến đại học vùng thành một bước quản lý trung gian trong thời kỳ tự chủ đại học, đặc biệt là khi các trường thành viên được giao tự chủ hoàn toàn thì vai trò “trung gian” này ngày càng trở nên thừa thãi.

Việc giải thể đại học vùng sẽ trở thành một tất yếu nếu không giải quyết vấn đề tự chủ của đại học vùng và các đơn vị thành viên. Với những đơn vị có bề dày lịch sử thì việc giải thể đại học vùng sẽ là một cơ hội lớn để phát triển nhưng ngược lại, với các cơ sở giáo dục đại học còn non trẻ thì đây quả thực là một khó khăn không nhỏ. Bên cạnh đó, đại học vùng giải thể sẽ gây lãng phí nguồn lực cũng như những sự xáo trộn khác trong quản lý nhân sự.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát triển các đại học vùng

Theo Thông báo số 38/TB-VPCP ngày 24/01/2018 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Đại học Huế, các đại học vùng gồm Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng sẽ được mở rộng cơ chế hoạt động, tăng tính chủ động trong điều hành quản lý các hoạt động thực hiện lộ trình tự chủ đại học, được áp dụng cơ chế tương tự như hai Đại học Quốc gia.

Thông báo này đã mở ra một thời kỳ phát triển mới đối với các đại học vùng, đồng thời đòi hỏi cần phải có những biến chuyển cần thiết trong cơ chế hoạt động, cơ cấu tổ chức cũng như cách thức quản lý, đảm bảo được sự phát triển của từng thành viên vừa tạo sự thống nhất trong hệ thống.

Đại học vùng trước bối cảnh tự chủ: Giải pháp tồn tại và phát triển - Ảnh 3

Thứ nhất, đại học vùng cần được giao quyền tự chủ cao hơn và toàn diện hơn so với các trường thành viên thông qua việc sớm ban hành các văn bản pháp quy quy định một cách cụ thể về quyền tự chủ đại học, phù hợp với đặc điểm tổ chức cũng như chức năng, nhiệm vụ của các đại học vùng. Các văn bản pháp quy được ban hành cần có sự thống nhất cao nhằm đảm bảo trọn vẹn quyền tự chủ cho các trường đại học.

Thứ hai, đại học vùng sau khi đạt được quyền tự chủ cần thực hiện tái cấu trúc nhằm hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phân bổ lại nguồn lực nhằm phát huy được thế mạnh của mình. Thực hiện phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc phù hợp với năng lực, điều kiện và hiệu quả hoạt động của từng đơn vị.

Thứ ba, đẩy mạnh liên thông, liên kết giữa các đơn vị, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát huy lợi thế chuyên môn hóa, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… trong khuôn khổ quản lý và điều phối của đại học vùng.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng đào tạo cũng như cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn lực chất lượng cao;

Thứ năm, nâng cao khả năng tự chủ tài chính thông qua tăng nguồn thu ngoài ngân sách và kiểm soát chi hiệu quả.

Tự chủ đại học là một xu thế tất yếu trong sự phát triển của các trường đại học công lập, trong đó có các đại học vùng. Trước những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện thí điểm tự chủ đại học, đại học vùng cần được sớm trao quyền tự chủ một cách toàn diện bằng những văn bản pháp quy có tính thống nhất cao.

Đồng thời, bản thân các đại học vùng cần có cuộc cải cách nội bộ về cơ cấu tổ chức, phân bổ nguồn lực cũng như đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm phát huy tối ưu các tiềm năng trong thời kỳ mới - thời kỳ tự chủ đại học.       

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Giáo dục và Đào  tạo (2005), Luật Giáo dục đại học;

2. Bộ Giáo dục và Đào  tạo (2012), Luật Giáo dục đại học;

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở đại học thành viên;

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Thông tư số 08/2014/TT-BGD ngày 20/3/2014 về Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và cơ sở giáo dục đại học thành viên;

5. Chính phủ (2006), Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 về Quy định quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính  đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

6. Chính phủ (2015), Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

7. Thủ tướng chính phủ (2003), Quyết định số 153/2003/QĐ – TTg ngày 30/7/2003 về việc ban hành “Điều lệ trường đại học”;

8. European University Association (2011), University Autonomy in Europe II: The scorecard.