Doanh nghiệp chật vật mùa kinh doanh cuối năm

Theo TBKTSG

Mùa kinh doanh cuối năm nay có hàng loạt khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối phó, từ nguyên liệu dồn dập tăng giá, vay vốn khó khăn, cho đến tình hình thiếu điện gay gắt khiến doanh nghiệp bị động trong sản xuất….

Với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến gỗ, thủy sản, dệt may, mùa sản xuất cuối năm thường được trông đợi và chuẩn bị kỹ càng đón nhận đơn hàng tấp nập, nhưng cùng với đó là nỗi lo từ giá nguyên liệu leo thang.

Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Kiến Phúc ở Đồng Nai than, cách đây hơn 2 ngày, hàng loạt xưởng cưa xẻ thường cung cấp gỗ thanh cho công ty đã thông báo nguồn gỗ cao su đấu thầu từ các lâm trường hiện đã hết và chưa biết đến khi nào có lại. Trong khi đó, các loại gỗ rừng trồng tương tự như keo, tràm hiện đã có giá đến 3,2 triệu đồng một khối.

“Giá gỗ cao su hiện nay đã vượt trên 5 triệu đồng một khối loại dày 26mm, tăng đến 2 triệu đồng một khối so với năm ngoái, chẳng thua kém gỗ cứng nhập khẩu. Đã vậy, doanh nghiệp cũng không có gỗ để làm!”, bà cho biết. Hiện tại, doanh nghiệp đang sử dụng nguồn gỗ còn lại trong kho, còn đối với những đơn hàng từ nay cho đến tết, bà cho biết nếu tình hình không cải thiện sẽ tìm cách thương lượng, mua lại của các doanh nghiệp khác.

Có lẽ cũng chưa có năm nào khó khăn nhiều với các doanh nghiệp ngành sợi dệt như năm nay, khi giá bông nhập khẩu tăng vọt, cùng với tỷ giá ngoại tệ tăng. Giá bông giao dịch kỳ hạn trên thị trường New York thứ Sáu vừa qua đã vượt 1,1 đô la Mỹ/pound (1pound = 0,45kg), cao chưa từng có trong lịch sử, tăng đến 50% so với cùng kỳ.

Tháng 10 cũng là cao điểm xuất khẩu thủy sản, tuy nhiên, giá cá tra và tôm nguyên liệu, theo nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu các tỉnh ĐBSCL cho biết đang ở mức cao, như giá cá tra có lúc trên 18.000 đồng. Giá cá nguyên liệu tăng cộng với giá cám, thức ăn chăn nuôi và các loại vật tư thủy sản khác như thuốc thú y, bao bì lệ thuộc vào nhập khẩu đã đưa giá thành cá tra thịt trắng xuất khẩu tăng lên gần 4 đô la Mỹ/kg.

Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Công ty Agifish An Giang cho biết, để hạn chế rủi ro và đảm bảo ổn định đầu vào cho sản xuất trong bối cảnh giá cá nguyên liệu ít có khả năng giảm, công ty tuần qua đã phải ký hợp đồng với các công ty chuyên cung cấp cá nguyên liệu từ nay đến cuối năm với mức giá 18.200 đồng/kg chưa kể các khoản hỗ trợ thức ăn cho người chăn nuôi.

Chính vì vậy, với các doanh nghiệp của các ngành từ thủy sản, gỗ cho đến dệt may, da giày..., xuất khẩu thu về ngoại tệ thì việc hưởng lợi từ tỷ giá tiền đồng với đô la Mỹ tăng hơn 5% trong năm vẫn chưa đủ bù lại cho tăng chi phí của các yếu tố nằm trong giá thành, từ nguyên nhiên liệu cho đến các loại vật tư, máy móc sản xuất, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, chưa tính đến trả lãi cho các khoản vay của ngân hàng.

Hàng loạt chi phí đầu vào tăng giá, nhưng để tăng giá đầu ra không phải là việc đơn giản, đặc biệt với doanh nghiệp xuất khẩu, từ ngành hàng nông lâm thủy hải sản cho đến hàng công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử vì phần lớn đều gia công sản phẩm cho nước ngoài. Tăng giá đồng nghĩa với nguy cơ bị khách hàng rời bỏ.

“Bài toán kinh doanh từ nay đến cuối năm thật sự rất nan giải” một doanh nghiệp trăn trở.

Một khó khăn nữa trong năm nay là tình hình thiếu điện được dự báo sẽ gay gắt từ nay cho đến mùa khô năm sau, nhiều doanh nghiệp đang phải chuẩn bị sẵn máy phát điện để duy trì sản xuất. Việc đầu tư và sử dụng máy phát điện thường xuyên cũng đồng nghĩa chi phí sản xuất vốn đã cao sẽ tiếp tục đội lên cao.

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty may Sài Gòn 3 cho biết, với 6 xí nghiệp may hiện nay, tương ứng với công ty phải mua 6 máy phát điện công suất lớn (từ 30kW trở lên, giá trên 110 triệu đồng/máy). Và tất nhiên, việc chi tiền cho trang thiết bị lẫn cho việc vận hành máy phát điện sẽ lại được đưa thêm vào gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Bà Thanh, Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Kiến Phúc cho biết, với tình hình giá nguyên liệu luôn ở xu hướng tăng trong mùa cao điểm, doanh nghiệp phải tính đến việc mua trữ nguyên liệu, gấp đôi hoặc hơn, so với mức bình thường. Nhưng đồng vốn phần lớn nằm trong lưu thông, sản xuất hoặc khách hàng chưa thanh toán nên nhiều doanh nghiệp thường phải đi vay. Trừ các doanh nghiệp lớn, có uy tín thì còn lại đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn dưới 10 tỉ đồng, con đường đi vay thường rất gập ghềnh.

Các tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần nhiều vốn để mua nguyên nhiên liệu sản xuất hoặc để mở rộng, nâng cấp thiết bị, nhà xưởng, tăng công suất. Tuy nhiên, việc vay vốn thông qua các kênh, chủ yếu là ngân hàng của doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại nhiều khi làm doanh nghiệp lỡ mất cơ hội kinh doanh hoăc đình trệ sản xuất.