Doanh nghiệp nhỏ, bước tiến lớn

Theo Chinhphu.vn

Theo thống kê mới nhất, cả nước hiện có trên 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới 98% số lượng doanh nghiệp với số vốn đăng ký lên gần 2.313.857 tỷ đồng (tương đương 121 tỷ USD).

“Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đoàn kết, năng động và sáng tạo, vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước” là chủ đề của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết Đại hội sẽ được tổ chức trong hai ngày 10 và 11/1/2011 tại Hà Nội, tập hợp khoảng 350 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong toàn quốc.

Phát triển mạnh mẽ sau 25 năm đổi mới

So với thời điểm mới thành lập (năm 2005) với vỏn vẹn 300 hội viên, đến nay, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tập hợp được tới 20.000 hội viên và là một trong những hiệp hội có số lượng hội viên đông đảo nhất nước, có mạng lưới ở 41 tỉnh thành; nhiều chi nhánh ở nước ngoài; một cơ quan ngôn luận và một viện nghiên cứu. Dự kiến, trong 5 năm tới, Hiệp hội phấn đấu đưa số hội viên lên tới 100.000.

Ngoài 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả nước còn có khoảng 3 triệu hộ kinh doanh thương mại.

Dĩ nhiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam có quy mô rất… nhỏ. Doanh nghiệp vừa có số vốn từ 20 - 100 tỷ đồng (tương đương 1 - 5 triệu USD) sử dụng cao nhất 300 lao động; còn doanh nghiệp nhỏ chỉ có vốn nhiều nhất 20 tỷ đồng, sử dụng nhiều nhất 200 lao động… Dù vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt ở khu vực tư nhân có hiệu quả đầu tư khá cao so với các khu vực khác.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp hơn 40% GDP cả nước. Nếu tính cả 133.000 HTX, trang trại và các hộ kinh doanh cá thể thì khu vực này đóng góp vào tăng trưởng tới 60% GDP.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn giúp tạo ra hơn một triệu việc làm mới mỗi năm cho số lao động phần lớn chưa qua đào tạo; góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội… Hiện các doanh nghiệp này sử dụng trên 50% lao động xã hội.

Sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 25 năm đổi mới là hết sức to lớn.

Vẫn cần được khuyến khích phát triển

Trong khi bùng nổ về số lượng, "sức khỏe" và tính hiệu quả của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đặt ra nhiều vấn đề. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khối doanh nghiệp này "có lớn nhưng không mạnh".

Các doanh nghiệp phát triển rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn, nhất là sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời. Phần lớn có vốn (vốn tự có, vốn điều lệ...) rất ít, huy động bên ngoài hạn chế, không đủ điều kiện tiếp cận thị trường vốn, năng lực tự huy động không có... Vốn là khó khăn lớn nhất và cũng là điểm yếu nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về trình độ công nghệ, do phần lớn là các cơ sở thủ công "đi lên" hoặc có tiếp cận được khoa học, công nghệ nước ngoài thì cũng thuộc thế hệ lạc hậu.

Một trong những điểm yếu khác của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là mối liên kết rất hạn chế. Điều này thể hiện cả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh lẫn năng lực tạo dựng một tiếng nói chung có thể mang lại lợi ích chung cho cộng đồng. Ngoài ra, khả năng quản lý, nhận biết về kinh doanh, văn hóa kinh doanh, trình độ xúc tiến và quảng bá thương mại cũng như lao động hoạt động trong khu vực này... cũng rất hạn chế.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2009/NĐ-CP về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, khối doanh nghiệp này được sự hỗ trợ từ tài chính, thông tin, đào tạo nhân lực đến chính sách hỗ trợ để sử dụng khoa học công nghệ...

Sau đó, tháng 5/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 22/NQ-CP triển khai thực hiện Nghị định số 56/2009/NĐ-CP.

Những hỗ trợ này đã tạo động lực mới cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, theo ông Cao Sỹ Kiêm, các định hướng chung cần phải được cụ thể hóa nhanh hơn nữa, đồng thời với việc đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách các thủ tục hành chính… để chính sách này có tác động mạnh mẽ, sâu rộng hơn.