Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt khó

Theo Tuệ Diễm/hanoimoi.com.vn

TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Từ đầu năm 2020 đến nay đã có nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19. Trước thực tế này, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp du lịch tồn tại và phát triển.

TP. Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội Du lịch năm 2020 để giúp doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
TP. Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội Du lịch năm 2020 để giúp doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Doanh thu sụt giảm

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh bị sụt giảm nghiêm trọng. Tính đến tháng 7/2020, khách du lịch đến thành phố chỉ đạt 9,4 triệu lượt người, giảm 54,7% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu đạt hơn 34.000 tỷ đồng, giảm 49,6% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, du khách quốc tế đến thành phố chỉ đạt 1,3 triệu lượt người (giảm 70%); tổng doanh thu ước đạt 28.400 tỷ đồng (giảm 58%); 1.300 doanh nghiệp lữ hành của TP. Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, do lượng khách sụt giảm mạnh khiến doanh thu của các doanh nghiệp du lịch giảm sút nghiêm trọng. Đơn cử như Công ty cổ phần Du lịch Phú Thọ (quận 11, TP. Hồ Chí Minh) vừa công bố doanh thu quý II-2020 sụt giảm 87%, xuống còn 12 tỷ đồng, lỗ gộp hơn 144 tỷ đồng. Các đơn vị lữ hành như Vietravel, Saigontourist... dự báo có thể lỗ từ 1.700 đến 2.200 tỷ đồng.

Quyền Tổng Giám đốc Vietravel Trần Đoàn Thế Duy chia sẻ: “Do mất hẳn mảng kinh doanh lữ hành quốc tế, nên chúng tôi gặp phải nhiều khó khăn. Dù đã chuyển đổi 100% nhân lực qua phục vụ du lịch nội địa, nhưng doanh thu năm 2020 cũng chỉ ước bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019”.

Không chỉ các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành bị ảnh hưởng, sự sụt giảm nguồn du khách cũng khiến “chuỗi” đi kèm phục vụ ngành Du lịch như dịch vụ lưu trú, ăn uống, khu vui chơi, giải trí, mua sắm... gặp khó. Bà Trần Kim Thu, tiểu thương chợ Bến Thành, cho biết: “Chợ Bến Thành vốn đông khách du lịch mua sắm, nhưng nhiều tháng nay nay vắng vẻ nên không ít tiểu thương phải đóng quầy hàng”.

Theo Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ: “Ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đang rất khó khăn. Đặc biệt, các ca nhiễm Covid-19 mới xuất hiện tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi càng khiến doanh nghiệp du lịch đối mặt với nhiều thách thức”.

Tập trung các giải pháp

Ngành Du lịch được coi là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh. Bởi vậy, xác định giúp doanh nghiệp tồn tại là giúp người lao động có việc làm và giúp tăng thêm nguồn thu, thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh gói 2.700 tỷ đồng đã được HĐND thành phố thông qua, thành phố Hồ Chí Minh cũng đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ để giúp doanh nghiệp du lịch có nguồn vốn khôi phục, chặn nguy cơ phá sản.

Hiện Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã làm việc với các ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh, cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết: Hiện nay, có 14 doanh nghiệp du lịch đã nhận gói hỗ trợ vay từ Ngân hàng Nhà nước. Sở cũng đã chuyển danh sách 50 doanh nghiệp cần hỗ trợ sang cho ngân hàng xét duyệt.

Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch tại TP. Hồ Chí Minh đã ký quỹ hoạt động tại ngân hàng với số tiền 471,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở Du lịch thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh có thể cho doanh nghiệp không có tài sản thế chấp được vay vốn, dựa trên số tiền ký quỹ của doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour Trần Bảo Thu thông tin: “Chúng tôi đang phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh ngắn hạn để nỗ lực rút ngắn giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19. Điều mà doanh nghiệp du lịch cần nhất lúc này là được hỗ trợ vốn để tồn tại; hỗ trợ chính sách để kích cầu du lịch, mở rộng thị trường, tạo nguồn khách”.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm, từ nay đến hết năm 2020, thành phố sẽ tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp, với nhiều giải pháp cụ thể.

Thứ nhất là hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch.

Thứ hai là chuẩn bị các chính sách thúc đẩy du lịch phát triển ngay sau khi dịch bệnh kết thúc; triển khai chương trình kích cầu du lịch; chuẩn bị kế hoạch tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm du lịch.

Thứ ba là hoàn thành và công bố chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030.

Thứ tư là thúc đẩy kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ; hướng tới hợp tác với các tỉnh Trung Bộ và Bắc Bộ.

"Thành phố sẽ tổ chức các hội nghị kết nối du lịch như hội nghị kết nối du lịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc dự kiến vào tháng 8/2020 tới đây. Mục tiêu nhằm góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp sớm khôi phục và phát triển hoạt động kinh doanh du lịch...", ông Lê Thanh Liêm thông tin.