Hơn 4 năm sau sự cố môi trường, Formosa bây giờ ra sao?
Sau một thời gian tập trung khắc phục sự cố môi trường, đến nay, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã đưa vào sản xuất ổn định cả 2 lò cao, hoàn thành 27 hạng mục liên quan, được Bộ TN&MT cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường ổn định, phát triển bền vững.
Hướng tới sản xuất mới bền vững
Kể từ khi xảy ra sự cố môi trường biển (tháng 4/2016), trên cơ sở hệ thống hạ tầng bảo vệ môi trường vốn có, FHS đã đầu tư thêm gần 500 triệu USD để xây dựng và đưa vào vận hành các hệ thống nâng cấp, bảo vệ môi trường và công nghệ sản xuất. Đến nay, chất lượng đầu ra của nước thải và khí thải tất cả đều được kiểm soát chặt chẽ 24/24 bằng hệ thống quan trắc tự động và liên tục, đồng thời kết nối trực tiếp về các Cơ quan chức năng để giám sát, theo dõi.
Sau hơn 2 năm vận hành chính thức, kết quả môi trườn cho thấy, chất lượng đầu ra của nước thải và khí thải đều phù hợp với tiêu chuẩn kiểm soát quốc gia, đang dần phấn đấu, sẽ đạt tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường đối với các nước tiên tiến trên thế giới.
Đối với cả 27 hạng mục có liên quan từ Lò cao số 1 và số 2 đều đã được Bộ TN&MT cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu, cho phép đưa công trình đi vào sử dụng, cả 2 Lò cao chính thức đi vào vận hành thương mại ổn định, hiệu quả.
Một kỹ sư về môi trường FHS cho biết, năm 2015, FHS hoàn thành xây dựng các Xưởng xử lý nước thải sinh hoạt, sinh hóa và công nghiệp. Năm 2016, sau khi cùng phối hợp với Bộ TN&MT, các chuyên gia và nhà khoa học, FHS đã tiến hành bổ sung xây dựng hệ thống hồ sinh học sau công đoạn xử lý nước thải, nhằm tối ưu hóa chất lượng nước thải.
Hệ thống hồ sinh học bao gồm chuỗi các hồ sự cố nước thải công nghiệp/sinh hoạt, hồ sau xử lý, bãi ngập thủy sinh và bể nuôi cá, chiếm tổng diện tích khoảng 10 ha, tổng dung tích chứa nước khoảng 126.000 m3. Kể từ sau khi vận hành hệ thống vào tháng 8/2017, năng lực xử lý cũng như dung lượng chứa ứng phó sự cố nước thải đã được nâng cao.
Cũng theo kỹ sư này, khi xưởng xử lý nước thải hoạt động bình thường, nước thải sinh hóa và công nghiệp sau xử lý đạt chuẩn sẽ được chuyển đến hồ sau xử lý để tiến hành điều tiết hoãn xung lượng nước và chất lượng nước, sau đó được đưa về bãi ngập thủy sinh để tiếp tục xử lý làm sạch.
Nếu trường hợp có phát sinh sự cố khẩn cấp, nước thải sẽ được bơm trở về hồ sự cố tạm thời lưu giữ tại chổ, để có thời gian ứng phó xử lý nước thải bất thường, đợi sau khi hệ thống xử lý hoạt động ổn định trở lại, lúc đó nước thải sẽ được tiếp tục bơm về Xưởng xử lý nước thải, để tiến hành xử lý lại. Vì thế, chất lượng nước thải được kiểm soát một cách nghiêm ngặt, yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn kiểm soát mới được xả thải.
Bên cạnh đó, các loại thực vật thủy sinh tại bãi ngập thủy sinh như lau sậy, cỏ nến, thủy trúc… cũng có chức năng lắng lọc và phân giải nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn, để tối ưu hóa chất lượng nước. Nước thải công nghiệp sau xử lý an toàn được dẫn về bể nuôi cá để nuôi các loại cá truyền thống Việt Nam như rô phi, cá chép, cá diêu hồng…, hoạt động sinh trưởng của các loài quần thể cá phát triển ở đây rất tốt.
Công khai, tự động hóa
Để bảo đảm an toàn môi trường sau thải, FHS đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục nước thải từ 3 Xưởng xử lý nước thải (sinh hoạt/sinh hóa/công nghiệp) và Trạm quan trắc online ra biển, các dữ liệu quan trắc đều được kết nối đồng bộ về Bộ TN&MT, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh để theo dõi và quản lý, đến nay đều hoạt động bình thường và phù hợp với tiêu chuẩn kiểm soát.
Ngoài ra, FHS cũng đã xây dựng biện pháp ứng phó sự cố khẩn cấp về nước thải, nước thải đầu ra của 3 Xưởng xử lý nước thải và Trạm quan trắc online ra biển đều được kiểm soát với giá trị thấp hơn 80% so với giá trị theo quy định pháp luật.
Khi giá trị quan trắc nước thải đạt 80% giá trị kiểm soát tiêu chuẩn, hệ thống sẽ tự động cảnh báo và dừng xả thải, nước thải sau đó sẽ được điều tiết trở về hồ sự cố đề lưu chứa tạm thời, sau khi hoàn thành xử lý và lấy mẫu thủ công để phân tích chất lượng nước đạt tiêu chuẩn thì mới tiếp tục xả thải, đảm bảo nước thải phải tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến môi trường mới thải.
Một cán bộ phụ trách thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho rằng, kết quả quan trắc những năm qua cho thấy, chất lượng nước thải đầu ra của FHS không những phù hợp với tiêu chuẩn kiểm soát nước thải theo quy định của pháp luật, mà còn đáp ứng được với Quy chuẩn kiểm soát nước mặt.
Vì thế, từ năm 2018 đến nay, FHS đã nâng tầm hệ thống hồ sinh học và khu vực cây xanh xung quanh, thành công viên sinh thái, quản lý theo hướng công viên hóa để tăng cường diện tích xanh, trồng thêm nhiều loại cây xanh như phi lao, vông nem, xoan… nuôi thả thêm nhiều loài cá như rô phi, chép, diêu hồng… tại hồ sinh học, để mục tiêu thực hiện xây dựng môi trường an toàn, trong lành, thân thiện.