Kênh bán lẻ hiện đại ngày càng được ưa chuộng

Theo congthuong.vn

Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen về xu hướng mua hàng toàn cầu cho thấy, người mua hàng Việt Nam ngày nay đã dần ít đi vào chợ truyền thống. Thay vào đó, ngày càng nhiều người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn nhiều hơn các hình thức bán lẻ hiện đại và tiện lợi.

Người tiêu dùng có xu hướng mua sắm ngày càng nhiều ở kênh bán lẻ hiện đại. Nguồn: congthuong.vn
Người tiêu dùng có xu hướng mua sắm ngày càng nhiều ở kênh bán lẻ hiện đại. Nguồn: congthuong.vn

Các mô hình bán lẻ người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng là cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng bán các sản phẩm chăm sóc cá nhân, cửa hàng thuốc tây hiện đại và cửa hàng tạp hóa thường xuyên hơn. Số lượng lượt đi mua sắm đến các cửa hàng này vào năm 2018 tương đối cao hơn so với những năm trước đây. Đơn cử, nếu cách đây 8 năm, trung bình người tiêu dùng chỉ ghé thăm cửa hàng tiện lợi 1 lần/tháng thì giờ đây, con số này tăng lên gần 4 lần.

Bên cạnh đó, doanh thu của mặt hàng tiêu dùng nhanh tại kênh thương mại hiện đại ở khu vực thành thị đạt mức tăng trưởng lên đến hai con số 11,3% trong quý 2 năm nay, vượt trội hơn so với kênh truyền thống chỉ tăng 1,6%.

Nielsen phân tích, nguyên nhân của việc này trước hết là do khi người mua hàng ở thành thị có ít thời gian hơn, làm việc ở các thành phố đông đúc, phải đối mặt với tắc nghẽn giao thông và sống xa nơi làm việc, họ cần các giải pháp và sản phẩm tiện lợi có thể giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn. Tiếp theo, với mối quan tâm lớn về nền kinh tế và sự ưu tiên hàng đầu cho việc tiết kiệm, người tiêu dùng đã tập trung hơn vào việc giảm thiểu lãng phí. Bằng cách thường xuyên mua ít mặt hàng hơn sẽ giảm số lượng sản phẩm dễ hư hỏng...

Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn rất hấp dẫn các doanh nghiệp khi theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, doanh thu của ngành bán lẻ đạt gần 287 nghìn tỷ đồng trong tháng 10/2018, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 13%; may mặc tăng 12,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 11,6%; phương tiện đi lại tăng 11,6%...

Để chiếm lĩnh thị phần tại thị trường bán lẻ, đặc biệt ở mảng bán lẻ hiện đại, cùng với các vụ mua bán, sáp nhập diễn ra rầm rộ thời gian qua của các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp nội cũng đã và đang nỗ lực giành thị phần trong "miếng bánh" béo bở này. Gần đây nhất, tháng 10/2018, ngành bán lẻ chứng kiến vụ mua bán, sáp nhập quy mô lớn trên thị trường. Theo đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup đã hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart gồm 23 siêu thị từ Công ty Cổ phần Nhất Nam. Mặc dù giá trị thương vụ không được tiết lộ, song động thái này của Vingroup cho thấy quyết tâm không nhỏ của ông lớn này trong cuộc đua giành thị phần với các nhà bán lẻ khác.

Hãng tư vấn A.T. Kearney cũng đánh giá, Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á và là miếng mồi béo bở đối với các nhà đầu tư. Trên thực tế, đã có rất nhiều ông lớn nước ngoài đã đầu tư hoặc đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam. Trước thực trạng đó, ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia ngành bán lẻ cho rằng, việc VinGroup mua lại Fivimart là điều đáng mừng, cho thấy các doanh nghiệp nội đã xắn tay để hợp tác với nhau thành những tập đoàn mạnh. Với 23 điểm bán nằm ở những vị trí đẹp, việc Fivimart về tay VinGroup sẽ giúp tăng sức mạnh cho Vinmart trên thị trường bán lẻ nội địa, giành thêm thị phần để chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.