Khai mạc Hội thảo đào tạo IPAF lần thứ 6 tại Hà Nội

Hà Anh

Sáng ngày 27/5/2019, tại Hà Nội, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) phối hợp với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo đào tạo Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 6 nhằm chia sẻ, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ các đơn vị là thành viên IPAF.

Tham dự Hội thảo có ông Lê Hoàng Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên DATC, ông Reiner Martin - Chuyên gia kinh tế cao cấp/Phó Trưởng Ban Liên kết tài chính vĩ mô (Ngân hàng Trung ương châu Âu), ông Jubkyu Lee - Chuyên gia kinh tế vĩ mô Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và đại diện các nước thành viên IPAF.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, cho biết, kể từ khi IPAF được thành lập đến nay, các thành viên IPAF đã tổ chức 5 chương trình Hội thảo đào tạo tại các quốc gia Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Mông Cổ.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Thông qua các chương trình Hội thảo đào tạo, các chuyên gia quốc tế, tổ chức thành viên IPAF đã có những cơ hội chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tế, hữu ích trong lĩnh vực quản lý tài chính, mua bán, xử lý nợ xấu. Qua đó, đánh giá, đề xuất những giải pháp phù hợp trong công tác quản lý tài sản xấu với các nhà hoạch định chính sách của từng quốc gia, khu vực, qua đó nhằm đảm bảo ổn định tình hình tài chính – kinh tế vĩ mô.

Theo ông Lê Hoàng Hải, Hội thảo đào tạo IPAF lần này với chủ đề “Khuôn khổ hoạt động và pháp lý trong hoạt động mua bán, xử lý nợ nhằm tăng cường ổn định tài chính khu vực” tập trung bàn thảo trong lĩnh vực quản lý tài sản xấu; từ đó hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách của từng quốc gia, khu vực đưa ra những giải pháp cần thiết đảm bảo sự ổn định tài chính – kinh tế.

Ông Lê Hoàng Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên DATC phát biểu tại Hội thảo.
Ông Lê Hoàng Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên DATC phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, ông Jubkyu Lee - Chuyên gia kinh tế vĩ mô ADB cho biết, Hội thảo đào tạo IPAF lần thứ 6 có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, do chịu tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, nguy cơ xung đột vũ trang xảy ra đe dọa sự ổn định tài chính - kinh tế của từng quốc gia và khu vực, trong đó có khu vực châu Á.

“Trong bối cảnh đó, Hội thảo đào tạo IPAF lần thứ 6 được tổ chức để đại diện các nước thành viên IPAF chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế quản lý nợ, việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ công cụ của Chính phủ sang hoạt động theo cơ chế thị trường; đồng thời, chia sẻ về quá trình hoạt động và những thách thức trong xử lý nợ xấu và định hướng hoạt động trong thời gian tới của từng thành viên IPAF”, ông Jubkyu Lee nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ của Hội thảo đào tạo IPAF lần thứ 6 diễn ra từ ngày 27 - 28/5/2019, các chuyên gia quốc tế đến từ ADB, đại điện thành viên IPAF tập trung bàn thảo các nội dung như: Tổng quan sự ổn định tài chính kinh tế khu vực châu Á; Vai trò của các Công ty xử lý nợ (AMC) trong việc tăng cường sự ổn định, bền vững tài chính khu vực; Khuôn khổ hoạt động và pháp lý của các AMC công; Chiến lược phát triển thị trường mua bán, xử lý nợ tại châu Á và Việt Nam…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Trước đó, tháng 11/2018, với vai trò là Chủ tịch luân phiên của Diễn đàn IPAF, DATC chủ trì, phối hợp với ADB tổ chức Hội nghị thường niên và Hội nghị quốc tế Diễn đàn IPAF lần thứ 4 với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện” tại TP. Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự của hàng trăm khách mời đến từ các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức tín dụng, tổ chức xử lý nợ, chuyên gia trong nước và quốc tế.

IPAF được thành lập từ tháng 5/2013 tại TP. Seoul - Hàn Quốc với các công ty mua bán nợ của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Kazakhstan. Sau 6 năm hình thành và phát triển, tính đến nay, IPAF đã có 13 nước thành viên, gồm 9 thành viên chính thức và 4 thành viên liên kết.

Trong đó, thành viên chính thức là những AMC công do Nhà nước làm chủ sở hữu và được Chính phủ sử dụng như là công cụ kinh tế để xử lý nợ/tài sản xấu. Thành viên liên kết là những tổ chức liên quan không nhất thiết phải hoạt động dưới hình thức AMC.