Mua, bán nợ và tài sản tồn đọng: Để doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích!

Châu Giang

TCTC Online - Năm 2003 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) để xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng, góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều người dân cũng như nhiều doanh nghiệp vẫn còn xa lạ với “mua – bán nợ” và chưa hiểu hết lợi ích và phương thức hoạt động của việc mua, bán nợ và tài sản tồn đọng.

Quá trình Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đã trải qua 17 năm. Trong giai đoạn thực hiện thí điểm, Nhà nước đã chọn các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, kinh doanh có lãi và tự nguyện CPH và bước đầu đã cho kết quả. Từ đó, chủ trương đẩy mạnh và coi việc CPH Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn là khâu quan trọng để tạo bước chuyển cơ bản, nhằm nâng cao hiệu quả doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa đã phải đối mặt với các khoản nợ và tài sản tồn đọng tại doanh nghiệp do đó đã làm chậm tiến trình cổ phần hóa. Để xử lý vấn đề này, năm 2003 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) để xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng, góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều người dân cũng như nhiều doanh nghiệp vẫn còn xa lạ với “mua – bán nợ” và chưa hiểu hết lợi ích và phương thức hoạt động của việc mua, bán nợ và tài sản tồn đọng.

Mua, bán nợ là gì?

Hoạt động mua bán nợ đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Thái Lan... cũng đã có hoạt động mua bán nợ kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Ở Việt Nam, Chính phủ đã có một số biện pháp xử lý nợ tồn động từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng chưa đạt kết quả tốt do thiếu cơ chế và cách làm còn mang tính hành chính.

Mua, bán nợ là hoạt động kinh tế để trao đổi và chuyển giao phần tài sản, đặc biệt là các “khoản nợ phải thu” từ đối tượng này sang đối tượng khác. Thực chất, đó là việc chuyển nhượng lại “quyền thu hồi nợ” từ một “khoản nợ phải thu” của bên bán nợ (chủ nợ) đối với khách nợ sang cho bên mua nợ để bên mua nợ trở thành chủ nợ mới của bên khách nợ. Thông thường, để mua lại một khoản nợ, theo quy trình, DATC sẽ mua khoản nợ (có thế chấp) sau đó xử lý tài sản đó thông qua định giá và bán đấu giá công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong trường hợp DATC bán những tài sản này ra ngoài thị trường cao hơn khoản nợ thì số tiền chênh lệch sẽ được hoàn lại cho doanh nghiệp (bên nợ). Trường hợp doanh nghiệp không có tài sản thế chấp thì phương thức mua, bán sẽ được công ty mua nợ tính toán kỹ hơn, nhằm dự phòng những phương án rủi ro. Các cách xử lý có thể tiến hành như đòi, giãn nợ hoặc cũng có thể chuyển nợ thành vốn góp. Ngoài ra nếu doanh nghiệp có phương án làm ăn hiệu quả nhưng vì thiếu vốn DATC sẽ đầu tư vào đơn vị đó để họ tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, sau đó sẽ thu hồi nợ. Như vậy, doanh nghiệp nợ sẽ có nhiều lợi ích, mà tài sản Nhà nước thì không bị chảy ra ngoài.

Theo số liệu thống kê và ước tính của các tổ chức quốc tế cho thấy nợ tồn đọng đang tích tụ trong nền kinh tế nước ta với quy mô lớn (khoảng vài tỷ đô-la Mỹ). Điều đó cho thấy thị trường nợ tồn đọng đang có tiềm năng và việc xử lý nợ tồn đọng là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế.

Thông qua hoạt động mua, bán nợ giúp các doanh nghiệp giải phóng được lượng “vốn chết” trở lại thành vốn hoạt động, làm trong sạch tình hình tài chính để cổ phần hóa, tăng giá trị doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh để phát triển. Nhiệm vụ chính của Công ty là mua các khoản nợ và tài sản tồn đọng của các doanh nghiệp (kể cả quyền sử dụng đất) để bảo đảm cho các khoản nợ bằng các hình thức: Thỏa thuận trực tiếp, đấu giá hoặc theo chỉ định của các cấp có thẩm quyền. Theo quy định, những tài sản nợ đọng được bán dưới 3 hình thức: Công ty tự bán công khai; bán qua trung tâm bán đấu giá và bán cho công ty mua, bán nợ của Nhà nước.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù việc mua bán nợ và tài sản tồn đọng đem lại rất nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và chủ nợ nhưng đến nay hoạt động này vẫn chưa thực sự được doanh nghiệp quan tâm và tiếp cận. Nhiều giám đốc doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân chính khiến họ “ngại” tiếp xúc với công ty mua bán nợ là do: thông qua việc mua, bán nợ, các thông tin tài chính của doanh nghiệp sẽ được công bố rộng rãi và điều này sẽ ảnh hưởng không tốt cho công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt doanh nghiệp là khách nợ, sẽ bị các đối tác cắt bỏ các hợp đồng...

Theo các chuyên gia tài chính, để tạo ra môi trường pháp lý chặt chẽ và nâng cao năng lực hoạt động cho các bên trong quá trình xử lý nợ và tài sản tồn đọng, các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý bằng một hệ thống các cơ chế chính sách đầy đủ, đồng bộ và rõ ràng; xác định rõ trách nhiệm của ban giám đốc doanh nghiệp trong việc xử lý nợ; có chế tài đủ mạnh nếu giám đốc doanh nghiệp không tự xử lý được nợ tồn đọng, hay cố tình để công nợ tồn đọng dây dưa, kéo dài; bắt buộc doanh nghiệp phải xử lý nợ nếu không sẽ tiến hành giải thể, phá sản theo đúng quy định của pháp luật…