Nâng cao chất lượng cho vay khách hàng cá nhân tại Agribank Ngọc Lặc - Thanh Hóa


Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, gia tăng khả năng cạnh tranh, thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) nói chung và các chi nhánh thành viên nói riêng đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm dịch vụ với nhiều tiện ích, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, trong đó cho vay khách hàng cá nhân là một trong những sản phẩm dịch vụ quan trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nghiên cứu này đánh giá khái quát thực trạng chất lượng cho vay khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa thời gian qua, đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ này trong thời gian tới.

Thực trạng chất lượng cho vay khách hàng cá nhân tại Agribank Ngọc Lặc

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa (Agribank Ngọc Lặc) là đơn vị thành viên của hệ thống Agribank Thanh Hóa, có nhiệm vụ trực tiếp kinh doanh trên địa bàn huyện Ngọc Lặc. Tiềm năng phát triển của kinh tế huyện Ngọc Lặc và nhu cầu vay cá nhân tại đây rất lớn. Hoạt động kinh doanh chủ yếu của Agribank Ngọc Lặc - Thanh Hóa là huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển trở lại cho nền kinh tế của huyện; Lĩnh vực tín dụng chủ yếu là cho vay khách hàng cá nhân (KHCN) chiếm trên 90% tổng dư nợ của Chi nhánh; Lợi nhuận mang lại từ lĩnh vực KHCN chiếm trên 80% tổng lợi nhuận. Tuy nhiên, hoạt động cho vay KHCN của Chi nhánh còn nhiều tiềm năng cần khai thác (Trương Văn Điệp, 2018). 

KHCN của ngân hàng là những người có đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự có nhu cầu vay vốn tại Ngân hàng nhằm phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng. Các khoản vay KHCN bao gồm 2 hình thức: Vay tiêu dùng và vay sản xuất kinh doanh. Chất lượng cho vay được đánh giá ở 3 khía cạnh: Ngân hàng, khách hàng và góc độ kinh tế - xã hội. Trong nghiên cứu này, tác giả chủ yếu đánh giá chất lượng cho vay trên góc độ của ngân hàng Agribank Ngọc Lặc.

Về tổng dư nợ và kết cấu dư nợ: Dư nợ cho vay KHCN của Chi nhánh tập trung chủ yếu vào nợ nhóm 1 gồm các khoản nợ trong hạn và các khoản nợ có thời gian quá hạn dưới 10 ngày.

Với tỷ trọng nợ nhóm 1 luôn chiếm giữ ở mức cao trong suốt 3 năm, các khoản cho vay KHCN được đánh giá là khá tốt, chất lượng khoản vay cao, quan hệ tín dụng giữa các KHCN với Chi nhánh được duy trì tốt. Đây là cơ sở quan trọng để Chi nhánh tiếp tục duy trì và mở rộng mối quan hệ với nhóm khách hàng này. Tỷ trọng nợ xấu của Chi nhánh ở nhóm 3 cao hơn so với nhóm 2 và có xu hướng tăng qua các năm với mức tăng cao nhất vào năm 2016. Đáng kể hơn cả là nợ nhóm 5 gia tăng mạnh. Nguyên nhân là do doanh nghiệp (DN), cá nhân, hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, DN phá sản nhiều và hàng tồn kho tăng cao đã khiến tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nhiều khách hàng lâm vào tình trạng vỡ nợ, phá sản dẫn đến việc mất khả năng thanh toán.

Về tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn: Tỷ lệ nợ quá hạn của Chi nhánh tăng dần qua các năm. Nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, các ngành sản xuất cũng như thương mại dịch vụ đều giảm về lợi nhuận, doanh thu, nguồn trả nợ không được đảm bảo. Ngoài ra, do khả năng thẩm định các phương án/dự án sản xuất kinh doanh, thẩm định khả năng trả nợ của khách hàng chưa tốt, chưa kiểm soát tốt quá trình sử dụng vốn vay làm cho tỷ lệ nợ xấu tăng. Nợ xấu tăng mạnh chủ yếu do nợ quá hạn tồn đọng từ các năm trước. Điều này cho thấy công tác thu hồi nợ xấu hiệu quả chưa cao. Năm 2017, do làm tốt các công tác quản lý nợ xấu, nợ quá hạn nên tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 0,12%.

Hoạt động kinh doanh chủ yếu của Agribank Ngọc Lặc - Thanh Hóa là huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển trở lại cho nền kinh tế của Huyện; Lĩnh vực tín dụng chủ yếu là cho vay khách hàng cá nhân chiếm trên 90% tổng dư nợ của Chi nhánh; Lợi nhuận mang lại từ lĩnh vực khách hàng cá nhân chiếm trên 80% tổng lợi nhuận.

Nợ xấu trong cho vay đối với KHCN: Căn cứ vào cách đánh giá và chấm điểm của hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ ngân hàng, nhiều khoản vay trong hạn mức nhưng nếu ngân hàng đánh giá là khách hàng có dấu hiệu suy giảm khả năng trả nợ thì vẫn bị xếp hạng là nợ xấu. Số liệu Bảng 3 cho thấy, nợ xấu trong cho vay với KHCN của Chi nhánh tăng dần qua các năm. Nguyên nhân là do cá nhân, hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, DN phá sản nhiều và hàng tồn kho tăng cao; mặt khác, do công tác thẩm định chưa chặt chẽ trong cho vay (cho vay cầm cố giấy tờ có giá, cho vay tín chấp, cho vay ứng tiền bán chứng khoán…). Chi nhánh cũng chưa theo dõi đôn đốc giám sát khách hàng thường xuyên trong cho vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà đất, cho vay mua căn hộ, nhà dự án, cho vay mua ô tô… vì thế, tình hình nợ xấu của chi nhánh có xu hướng tăng lên.

Nâng cao chất lượng cho vay khách hàng cá nhân tại Agribank Ngọc Lặc - Thanh Hóa - Ảnh 1
Nâng cao chất lượng cho vay khách hàng cá nhân tại Agribank Ngọc Lặc - Thanh Hóa - Ảnh 2

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trên nợ quá hạn luôn ở mức cao qua các năm (mặc dù Chi nhánh đã có nhiều giải pháp trong xử lý nợ xấu nhưng khả năng thu hồi các khoản nợ có rủi ro vẫn ở mức thấp). Trung bình trong 100 đồng nợ quá hạn có 70 đồng nợ xấu (đây là chỉ số cao nhất trong các chi nhánh). Các khoản nợ xấu chủ yếu là cho vay sản xuất kinh doanh, khi nền kinh tế có nhiều biến động, hàng hóa khó tiêu thụ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng.

Về tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro: Năm 2014, Chi nhánh trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) 2%, đây là tỷ lệ trích lập thấp nhất trong 4 năm từ 2014 đến năm 2017. Năm 2015, tỷ lệ này tăng thêm 2,3% lên 4,3% và ở mức 5,2% vào năm 2016; 6,1% vào năm 2017. Tỷ lệ trích lập dự phòng tăng lên là do chi nhánh nâng cao tỷ trọng cho vay KHCN, cùng với ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.

Về hệ số khả năng bù đắp rủi ro: Hệ số khả năng bù đắp rủi ro tín dụng là thước đo về khả năng bù đắp mất vốn của ngân hàng đối với nợ xấu. Nếu lớn hơn 1 chứng tỏ trích lập dự pḥòng là đầy đủ và có khả năng bù đắp vốn cho ngân hàng khi xảy ra rủi ro tín dụng. Năm 2014, tỷ lệ này của Agribank Ngọc Lặc ở mức 5 lần, hệ số này cao một phần vì số dư nợ đã xử lý không quá nhiều, nhiều khoản vay ngân hàng tiến hành cơ cấu lại nợ để tạo cơ hội cho khách hàng trả nợ thay vì sử dụng dự phòng để xử lý. Đây là một hành động đúng đắn và kịp thời của Chi nhánh trước tình hình nợ xấu của ngân hàng gia tăng. Mặc dù, đã triển khai quyết liệt giải pháp xử lý nợ xấu nhưng đến năm 2016, hệ số này vẫn ở mức khá cao là 3,82% và năm 2017 đã tăng lên 4,6%.

Chỉ tiêu lợi nhuận cho vay KHCN: Mục tiêu hoạt động của các ngân hàng thương mại cũng như các DN là vì tối đa hóa lợi nhuận. Hiệu quả hoạt động cho vay KHCN của Chi nhánh chưa thể đạt hiệu quả cao, nếu lợi nhuận do hoạt động này mang lại thấp.

Để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, công cụ quan trọng nhất của Agribank Ngọc Lặc là sản phẩm cho vay cá nhân. Agribank Ngọc Lặc cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường để thu hút khách hàng, đồng thời cần cải tiến và làm mới sản phẩm bằng cách sáng tạo dịch vụ mới cho khách hàng cũ.

Phân tích lợi nhuận cho vay KHCN trong 3 năm từ 2015-2017 của Chi nhánh cho thấy, từ 2014-2016, tỷ trọng lợi nhuận trong cho vay KHCN/dư nợ cho vay KHCN của Agribank Ngọc Lặc giảm dần từ 9,97% năm 2014, xuống xuống 8,597% và có chiều hướng phục hồi từ năm 2017, lên mức 9,57%. Điều này cho thấy, cứ 100 đồng dư nợ cho vay KHCN mang lại 9,97 đồng lợi nhuận cho chi nhánh vào năm 2014; 8,927 đồng vào năm 2015, 8,597 đồng vào năm 2016 và 9,57 đồng năm 2017.

Nâng cao chất lượng cho vay khách hàng cá nhân tại Agribank Ngọc Lặc - Thanh Hóa - Ảnh 3
Nâng cao chất lượng cho vay khách hàng cá nhân tại Agribank Ngọc Lặc - Thanh Hóa - Ảnh 4

Con số này chứng tỏ hoạt động cho vay đối với KHCN đã mang lại hiệu quả cho ngân hàng. Để tiếp tục phát triển hoạt động này song song với tìm kiếm dự án khả thi, hiệu quả để đầu tư, Chi nhánh cần tích cực huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư, bởi đây là nguồn vốn ổn định và mang lại hiệu quả cao khi sử dụng để tài trợ cho các khoản vay.

Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay khách hàng cá nhân

Thực trạng chất lượng cho vay khách hàng cá nhân tại Agribank Ngọc Lặc cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại hạn chế cần khắc phục. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm giúp Agribank Ngọc Lặc nâng cao chất lượng cho vay KHCN, cụ thể:

Thứ nhất, thực hiện tốt quy trình thực hiện cho vay KHCN. Theo đó, cán bộ tín dụng phải theo sát quy trình, nhất là khâu thẩm định. Các cán bộ tín dụng cũng cần linh hoạt trong việc áp dụng quy trình này vào từng trường hợp cụ thể. Tuân thủ quy trình chặt chẽ là cần thiết nhưng linh hoạt là điều kiện quan trọng để có quyết định cho vay đúng đắn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, đảm bảo an toàn, sinh lời cho ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng.

Thứ hai, đa dạng hóa danh mục sản phẩm cho vay KHCN. Để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, công cụ quan trọng nhất của ngân hàng là sản phẩm cho vay cá nhân. Agribank Ngọc Lặc phải đa dạng hóa sản phẩm để thu hút khách hàng, đồng thời cải tiến và làm mới sản phẩm bằng cách sáng tạo dịch vụ mới cho khách hàng cũ (du lịch, chữa bệnh ở nước ngoài...). Cùng với đó, triển khai cung cấp các gói sản phẩm, sản phẩm tích hợp như: cho vay tiêu dùng bằng nhiều hình thức qua điện thoại, qua internet (các dịch vụ homebanking...), qua thẻ tín dụng… Đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm phụ trợ, có nhiều tiềm năng, nhất là khu vực dịch vụ ngân hàng bán lẻ, tài trợ dự án, tài trợ thương mại, dịch vụ thanh toán và chuyển tiền.

Thứ ba, xây dựng quy trình thẩm định và cho vay hợp lý. Để nâng cao chất lượng thẩm định hiệu quả đầu tư dự án, Agribank Ngọc Lặc cần triển khai các biện pháp sau: 

- Đối với các khoản tín dụng mới, thuộc ngành nghề mới công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp, cần có cơ chế thuê chuyên gia tư vấn để hỗ trợ công tác thẩm định, qua đó cán bộ thẩm định học hỏi kinh nghiệm; Tăng cường năng lực phân tích khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nhận xét đánh doanh thu vào giá thành của dự án, phân tích tính khả thi, logic của các số liệu do chủ đầu tư cung cấp, có sự so sánh số liệu của dự án được thẩm định với các dự án có liên quan đang triển khai đầu tư, so sánh sản phẩm của dự án với sản phẩm thay thế khi có biến động của thị trường;

- Về đánh giá tư cách khách hàng: Cán bộ quan hệ khách hàng cần làm rõ mục đích vay của khách hàng, có phù hợp với chính sách tín dụng hiện hành không xem xét về lịch sử đi vay và trả nợ đối với khách hàng. Đối với khách hàng mới cần phải thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác như Trung tâm thông tin tín dụng…

- Về xác minh thu nhập của cá nhân vay tiền: Cán bộ tín dụng phải xác định được nguồn trả nợ của cá nhân vay tiền như luồng tiền từ doanh thu bán hàng hay từ thu nhập, tiền từ bán thanh lý tài sản…; cần phân tích tình hình tài chính của dự án mà khách hàng vay vốn thông qua các tỷ số tài chính

- Các biện pháp bảo đảm tiền vay là điều kiện tiên quyết để ngân hàng cấp tín dụng và là nguồn tài sản thứ hai có thể dùng để trả nợ vay cho ngân hàng có đáp ứng được tiêu chuẩn quy định của Chi nhánh.

Nâng cao chất lượng cho vay khách hàng cá nhân tại Agribank Ngọc Lặc - Thanh Hóa - Ảnh 5
Nâng cao chất lượng cho vay khách hàng cá nhân tại Agribank Ngọc Lặc - Thanh Hóa - Ảnh 6

Thứ tư, xây dựng chính sách kiểm soát hoạt động cho vay KHCN. Sau khi giải ngân cho khách hàng, cán bộ tín dụng phải thường xuyên theo dõi hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng nhằm đánh giá tiến độ thực hiện phương án vay vốn. Đồng thời, tận dụng triệt để những lần gặp gỡ KHCN để thu thập thông tin. Trong trường hợp khách hàng bị lỗ lớn không thể tiếp tục duy trì hoạt động và cam kết xử lý tài sản để trả nợ thì ngân hàng có thể cho phép khách hàng sử dụng số tiền sau khi bán tài sản để trả nợ trong một thời gian chấp nhận được. Việc này nhằm hạn chế sự thiệt hại cho khách hàng do phải bán ngay tài sản ở mức giá quá thấp và không thể trả nợ ngân hàng. Các biện pháp mang tính thương lượng trên chỉ áp dụng đối với những khách hàng thực sự có tiền nhưng thiếu biện pháp trả nợ.

Thứ năm, nâng cao chất lượng cán bộ tín dụng. Cán bộ tín dụng cần phải có sự hiểu biết về thị trường và lĩnh vực chuyên môn mà khách hàng của mình đang hoạt động sản xuất kinh doanh, vì nó liên quan trực tiếp đến chất lượng của từng khoản vay. Vì vậy, ngân hàng nên có sự chuyên môn hoá trong cán bộ tín dụng, phân công mỗi cán bộ tín dụng phụ trách một mảng cho vay nhất định được chia theo ngành.