Nghiên cứu về hiệu quả sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp

ThS. Vũ Thị Diệp

Việc tính toán hiệu quả sử dụng nguồn lực sẽ giúp doanh nghiệp nhận thức rõ kết quả khai thác hiện tại so với khả năng đáp ứng tối đa của mình, cũng như giúp doanh nghiệp tìm ra nguyên nhân làm ảnh hưởng tới hiệu quả đầu ra. Trên cơ sở nghiên cứu hiệu quả hoạt động doanh nghiệp theo quan điểm sử dụng các biện pháp tài chính trên thế giới, bài viết đề xuất một số khuyến nghị nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận diện được vị trí, tầm nhìn trong hiện tại và tương lai.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nghiên cứu trên thế giới về hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN) được xây dựng, phát triển trên nhiều quan điểm khác nhau nhưng phần lớn tập trung ở 2 quan điểm chính, đó là quan điểm tài chính và quan điểm phi tài chính.

Trên thế giới hiện nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả hoạt động của DN theo hướng sử dụng các biện pháp tài chính, điển hình có thể đề cập tới như: Công trình của Karl, M.Z (1991), xác định danh sách các tỷ lệ tài chính hữu ích sử dụng trong phân tích báo cáo tài chính hàng năm để thấy rõ hiệu quả hoạt động tổng thể của DN. Tác giả lựa chọn 13 chỉ tiêu tài chính chia thành 3 nhóm chính bao gồm tỷ lệ điều hành, tỷ lệ nợ và tỷ lệ chi phí vốn (tỷ lệ chi phí đầu tư).

S, Umit Bititci và cộng sự (1997); Manzoni, J.F (2004) và Walsh C (2006) thì lại nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu suất hoạt động của DN và đưa ra mô hình xây dựng liên kết giữa các chỉ tiêu tài chính với nhau. Chỉ tiêu được đưa ra bao gồm: Nhóm chỉ số thanh khoản, nhóm tỷ lệ khả năng thanh toán, nhóm tỷ lệ hoạt động, nhóm tỷ suất lợi nhuận.

Tương tự, Palepu K.G và cộng sự  (1999) và Henry E.R (2007) đồng quan điểm khi đánh giá hiệu quả hoạt động công ty qua 2 nhóm chỉ tiêu:

- Nhóm chỉ tiêu đánh giá khả năng sử dụng nguồn lực của đơn vị trong quá trình sản xuất kinh doanh: Vòng quay hàng tồn kho, vòng quay vốn lưu động, vòng quay tài sản cố định, vòng quay các khoản phải thu. Trong đó, 2 chỉ tiêu vòng quay hàng tồn kho và vòng quay các khoản phải thu được cho là quan trọng nhất để đánh giá khả năng sử dụng nguồn lực của đơn vị.

- Nhóm chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lợi: ROA, ROE, tỷ suất sinh lợi của doanh thu, tỷ suất lợi nhuận gộp, tỷ suất lợi nhuận ròng. Trong đó, ROE được cho là yếu tố quan trọng nhất.

Ngoài ra, còn có một số công trình khác nghiên cứu hiệu quả hoạt động trong mối quan hệ tác động với các nhân tố được đánh giá bằng các chỉ tiêu tài chính như: Hernández Marín Salvador và cộng sự (2015) chỉ ra rằng, cơ cấu lại không làm ảnh hưởng tới khả năng thanh toán. Hiệu quả và khả năng thanh toán của các ngân hàng sau cơ cấu tốt hơn so với nhóm ngân hàng tiết kiệm. Biến RESTR, TIER, SIZE đều có mối quan hệ tích cực với hiệu quả và khả năng thanh toán.

Ruili Yang và cộng sự (2016) cũng đã nghiên cứu mối quan hệ giữa đầu tư mạo hiểm (vốn liên doanh), đòn bẩy tài chính và hiệu quả DN. Kết quả thực nghiệm cho thấy, vốn liên doanh có mối tương quan tích cực đáng kể đến hiệu suất DN. Đòn bẩy tài chính có sự tương quan tiêu cực đáng kể đến hiệu suất DN, nghĩa là vay nợ đến một mức độ nhất định sẽ gây ức chế hoạt động của DN.

Sự tồn tại của vốn liên doanh sẽ tăng tác động tiêu cực của đòn bẩy đến hiệu suất. Vốn liên doanh được ưu tiên khi đưa ra quyết định tài chính nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các DN, bằng cách đó DN cũng có thêm kinh nghiệm vốn và quản lý. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả khuyến nghị DN nên kiểm soát quy mô nợ, không làm tăng nguy cơ gây ra bởi nợ. 

Đánh giá thực tiễn và vấn đề đặt ra

Nhìn chung, các nghiên cứu trên thế giới đã vận dụng lý thuyết về hiệu quả nhìn nhận ở góc độ so sánh tuyệt đối và tương đối giữa đồng vốn DN bỏ ra với tổng thu nhập (lợi ích) sinh ra từ quá trình hoạt động trong một thời kỳ nhất định. Việc tính toán hiệu quả sử dụng nguồn lực giúp DN nhận thức rõ kết quả khai thác hiện tại so với khả năng đáp ứng tối đa của mình, cũng như tìm ra nguyên nhân làm ảnh hưởng tới hiệu quả đầu ra.

Tuy nhiên, cần xem xét đánh giá hiệu quả hoạt động DN cùng với các chỉ tiêu khác như: Môi trường kinh doanh, đối thủ cạnh tranh, thị phần, nhà cung cấp, sự hài lòng của khác hàng, quy trình hoạt động nội bộ… Tất cả các chỉ tiêu trên sẽ cho phép DN phân tích được vị trí, tầm nhìn của mình trong hiện tại và tương lai.

Thực tế, khi phân tích hiệu quả hoạt động hiện nay các DN chỉ tập trung vào việc xem xét các chỉ tiêu tài chính phản ánh góc độ kinh tế. Các chỉ tiêu sử dụng không đầy đủ, cho nên khó có thể đánh giá được các khía cạnh hoạt động kinh tế của DN. Do vậy, các biện pháp tài chính khi vận dụng DN nên phân loại thành các nhóm sau:

Nhóm thứ nhất, hiệu quả sử dụng chi phí: Nhóm chỉ tiêu phân tích khả năng sử dụng chi phí như hiệu quả sử dụng lao động, chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công, chi phí sản xuất chung, giá thành/đơn vị sản phẩm, chi phí gián tiếp/đơn vị sản phẩm.

Nhóm thứ hai, hiệu suất và hiệu năng hoạt động: Nhóm chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng, quản lý tài sản của DN (hiệu suất sử dụng tổng tài sản, hiệu suất sử dụng vốn lưu động, hiệu suất sử dụng tài sản cố định, vòng quay của tài sản, vòng quay nợ phải thu, thời gian nắm giữ hàng tồn kho …); đo lường hiệu quả quản lý về hoạt động của công ty như công suất tài sản, giá bán trung bình, doanh thu/kỳ…

Nhóm thứ ba, hiệu quả trong thanh toán: Nhóm chỉ tiêu phân tích khả năng thanh toán ngắn hạn (khả năng thanh toán tức thời, khả năng thanh toán nhanh, khả năng thanh toán hiện hành…), nhóm chỉ tiêu phân tích khả năng thanh toán các khoản nợ dài hạn.

Nhóm thứ tư, hiệu quả hoạt động và đầu tư của DN: Đo lường hiệu suất tổng thể về khả năng của DN để tạo ra thu nhập, thu nhập/ chi phí của nhà đầu tư, lợi nhuận/doanh thu và các khoản đầu tư.

Nhóm thứ năm, hiệu quả hoạt động trong ngành: Tốc độ tăng trưởng thị phần, tổng giá trị xuất nhập khẩu trong ngành, giá trị sản xuất/tổng giá trị sản xuất của ngành…

Tựu chung, việc vận dụng các công cụ vào phân tích hiệu quả hoạt động phải linh hoạt theo đặc điểm của lĩnh vực kinh doanh và điều kiện của DN. Hiện nay, các DN có quy mô lớn thì thường có xu hướng tập trung đầu tư cho công tác đánh giá hiệu quả và xây dựng chiến lược. Các bước tiến hành phân tích bao gồm các giai đoạn chuẩn bị phân tích, tiến hành phân tích và kết thúc ra báo cáo phải tuân thủ chặt chẽ và sử dụng số liệu kế toán chính xác, phù hợp.

Đối với hầu hết các DN có quy mô vừa và nhỏ, công tác phân tích hiệu quả hoạt động hiện nay ít được chú trọng, chẳng hạn như không có bộ phận phân tích báo cáo riêng, chỉ thực hiện tính toán một số nhóm chỉ tiêu như khả năng thanh toán, khả năng sinh  lời. Vì vậy, những công trình nghiên cứu thực nghiệm về phân tích hiệu quả hoạt động không chỉ giúp cho các DN trên thế giới nói chung và DN Việt Nam nói riêng xây dựng, vận dụng hệ thống chỉ tiêu tài chính phù hợp, toàn diện; đồng thời, nhận diện được vị trí, tầm nhìn của mình trong hiện tại và tương lai.        

Tài liệu tham khảo:

1. A.J, Singh; Raymond, S.Schmidgall. (2002), “Analysis of financial ratios commonly used by US lodging financial executives”, Journal of Leisure Property, Aug 2002, 2, page. 201 – 213;

2. Epstein, M.J và Manzoni, J.F. (2004), “Performance measurement and management control: superior organizational performance”, Elsevier Ltd;

3. Karl, M.Z. (1991), “Proposed Financial Ratios for Use in Analysis of Municipal Annual Financial Reports”, The Government Accountants Journal, 40.3, page 79;

4. Palepu K.G; Healy P.M; Bernard V.L. (1999), “Business analysis valuation using financial statements”, USA South – Wester Educational Publishing;

5. Walsh C. (2006), “Key management rations: The clearest guide to the critical numbers that drive your business”, Great Britain.