Nhiều rào cản đối với hoạt động mua bán và sáp nhập ngân hàng tại Việt Nam

Hải An

Chính phủ chủ trương đẩy mạnh xử lý, tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng bằng cách khuyến khích mua bán và sáp nhập các ngân hàng nhỏ, các tổ chức tín dụng nhỏ vào các ngân hàng lớn. Tuy nhiên, hoạt động mua bán và sáp nhập ngân hàng thời gian qua còn gặp những rào cản, hạn chế nhất định.

Từ năm 2011 đến nay, hoạt động mua bán và sáp nhập ngân hàng diễn ra với quy mô tài sản lớn hơn so với thời gian trước
Từ năm 2011 đến nay, hoạt động mua bán và sáp nhập ngân hàng diễn ra với quy mô tài sản lớn hơn so với thời gian trước

Nhu cầu mua bán và sáp nhập gia tăng

Thống kê cho thấy, giai đoạn từ năm 2011 đến nay, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ngân hàng diễn ra với quy mô tài sản lớn hơn và có tính phức tạp hơn so với thời gian trước. Trong năm 2018, đã có nhiều thương vụ được nhận diện như: HDBank nhận sáp nhập PGBank; BIDV được Chính phủ phê chuẩn việc bán 17,65% vốn cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc; Vietcombank được bán 10% cổ phần để tăng vốn điều lệ.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, Vietcombank mới phát hành riêng lẻ thành công hơn 111 triệu cổ phiếu, tương đương 3% vốn điều lệ cho Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC Private Limited và Mizuho Bank Ltd. Tháng 7/2019,  HĐQT BIDV mới ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương giao dịch với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và còn tiếp tục thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định mới có thể hoàn tất được giao dịch trên.

Bên cạnh đó, thương vụ sáp nhập PGBank và HDBank dự kiến cuối năm 2019 mới hoàn thành. Vietcombank tiếp tục xúc tiến phương án bán tiếp 6,5% cổ phần từ nay đến năm 2020.

Ngoài ra, HĐQT SHB cũng đã thông báo với cổ đông đã và đang làm việc với nhiều tổ chức tài chính, kinh tế nước ngoài để tìm kiếm cổ đông chiến lược phù hợp. MB cũng đã trình cổ đông thông qua việc tìm kiếm, triển khai các cơ hội sáp nhập/hợp nhất (nếu có) phù hợp với chiến lược của ngân hàng và chủ trương của Nhà nước về tái cơ cấu tổ chức tín dụng (TCTD).

Trong khi đó, các nhà đầu tư quan tâm đến việc mua lại, tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém của Việt Nam như: Tập đoàn J.Trust (Nhật Bản) đã nghiên cứu, tính toán kỹ các chỉ số tài chính của CBBank và đã gửi bản chào mua lại để tái cơ cấu ngân hàng này đến NHNN Việt Nam.

Đặc biệt, trong Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2 (2016-2020) nêu rõ chủ trương của Chính phủ đẩy mạnh xử lý, tái cơ cấu lại các TCTD bằng cách khuyến khích M&A các ngân hàng nhỏ, các TCTD nhỏ vào các ngân hàng lớn. Qua đó cho thấy, nhu cầu M&A trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam chưa lúc nào giảm.

Nhiều rào cản, hạn chế

Mặc dù đã có những kết quả tích cực, song hoạt động M&A ngân hàng ở Việt Nam hiện nay còn gặp khá nhiều hạn chế, rào cản nhất định: Hoạt động M&A ngân hàng còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực; M&A diễn ra theo xu hướng các ngân hàng “khỏe” tiến hành M&A với TCTD “yếu” và hầu hết theo chỉ đạo của NHNN; Các ngân hàng chưa tự nguyện tham gia; Giá trị giao dịch khi tiến hành M&A nhỏ; Thông tin liên quan đến các thương vụ này chưa được công bố rộng rãi và đầy đủ nên rất khó khăn để các bên liên quan tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm; M&A mới chỉ dừng lại là giải pháp đóng vai trò để cứu vãn các ngân hàng đang trên bờ vực phá sản, tránh sự đổ vỡ hệ thống ngân hàng nhằm thực hiện mục tiêu củng cố, lành mạnh hóa các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, hoạt động M&A ngân hàng diễn ra trên thực tế gặp những khó khăn nhất định trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan như: Quyền lợi giữa các nhóm cổ đông của ngân hàng sáp nhập và ngân hàng bị sáp nhập; Văn hóa doanh nghiệp; hành lang pháp lý…

Ngoài ra, khi bán cổ phần chưa có những đơn vị tư vấn độc lập để tính toán giá trên cơ sở thị trường, dẫn đến sự thiếu thống nhất giữa các bên tham gia; Tiến độ bán vốn cho đối tác ngoại của nhóm NHTM có vốn nhà nước cũng gặp vướng mắc, đòi hỏi phải đảm bảo không làm thất thoát vốn nhà nước.

Điển hình như, trong các thương vụ M&A của ngân hàng có vốn nhà nước, đối tác nước ngoài thường đưa ra mức giá thấp hơn giá cổ phiếu trên thị trường, nên ngân hàng phải trình và chờ Chính phủ và NHNN phê duyệt. Thời gian giữa hợp đồng ghi nhớ và hợp đồng chính thức cách khá xa do phải chờ phê duyệt, từ đó có thể tiếp tục xuất hiện chênh lệch giữa giá cổ phiếu trên hợp đồng và giá trên thị trường, dẫn đến những khó khăn mới nếu thực hiện cam kết ban đầu, nên  mất nhiều thời gian mới hoàn tất được một giao dịch….

Nhìn chung, M&A trong lĩnh vực ngân hàng đang theo xu thế tìm kiếm đối tác chiến lược với việc bán khoảng 15-20% vốn là hợp lý. Tuy nhiên, xu thế này cũng đang  gặp rào cản về tỷ lệ sở hữu. Nói cách khác, việc tăng trần sở hữu tại các NHTM vẫn chưa được thực hiện là rào cản lớn nhất...

Tạo điều kiện thúc đẩy mua bán và sáp nhập các ngân hàng

Để hiện thực hóa mục tiêu xử lý, tái cơ cấu lại các TCTD mà Chính phủ đề ra, đồng thời, góp phần tăng hiệu quả hoạt động M&A ngân hàng tại Việt Nam, theo các chuyên gia, trong thời gian tới cần tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động M&A ngân hàng; Nâng cao vai trò quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành của NHNN đối với hoạt động M&A ngân hàng; gắn quá trình M&A ngân hàng với quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Bên cạnh đó, cần ban hành quy định, quy trình chuẩn về định giá tài sản trong hoạt động ngân hàng, đồng thời xây dựng quy định chuẩn lựa chọn các tổ chức có uy tín, chuẩn mực nghề nghiệp để thực hiện việc định giá tài sản ngân hàng; Xem xét nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tham gia M&A với các ngân hàng trong nước...

Cùng với các giải pháp trên, Nhà nước cũng cần đồng bộ các giải pháp khác như: Quy định ràng buộc trách nhiệm của ngân hàng tham gia M&A đối với quyền lợi của người lao động và cổ đông của ngân hàng; có các quy định tăng cường giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các bên tham gia M&A; tăng cường đào tạo nâng cao trình độ nhận thức của các nhà quản trị và các nhà quản lý trong lĩnh vực này...

Về phía các NHTM, các NHTM Việt Nam cần thay đổi tư duy, nhận thức về M&A, coi M&A là giải pháp quan trọng thực hiện tái cơ cấu ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.

Hoạt động M&A ngân hàng đã diễn ra thời gian qua chủ yếu theo định hướng và sắp xếp của NHNN. Để tăng tính hiệu quả, sự thành công của M&A ngân hàng đòi hỏi chính các NHTM tham gia hoạt động này tự nguyện trên nguyên tắc các bên cùng có lợi nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

Các NHTM cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề quan trọng trong cách thức, quy trình thực hiện M&A, đó là: Cần chú trọng đến việc xác định mục tiêu khi thực hiện M&A; Cần phân tích kỹ đối tác và cẩn trọng trong quá trình đàm phán khi tìm kiếm ngân hàng mục tiêu; Lựa chọn phương pháp định giá phù hợp...