Cơ hội việc làm trong lĩnh vực ngân hàng

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nếu như cách đây 3 – 4 năm, các ngân hàng đua nhau mở chi nhánh, tuyển nhân viên thì nay việc tuyển dụng rất ít. Thế nhưng, khảo sát về xu hướng kinh doanh quý I/2014 của Ngân hàng Nhà nước cho biết, 40% ngân hàng nói họ đang thiếu người và chắc chắn sẽ tuyển thêm.

40% ngân hàng thiếu người và có nhu cầu tuyển dụng. Nguồn: vnecdn.net
40% ngân hàng thiếu người và có nhu cầu tuyển dụng. Nguồn: vnecdn.net

Vấn đề tuyển dụng lao động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đang được quan tâm vì những năm trước, nhu cầu tuyển dụng rất lớn, các nhân viên ngân hàng liên tục nhảy việc để tìm kiếm vị trí cao hơn. Nhưng, thời các ngân hàng ra đời và mở rộng mạng lưới ồ ạt đã qua. Trong năm 2013, theo nhận định của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, khoảng 60% sinh viên thuộc các nhóm ngành tài chính - ngân hàng ra trường khó tìm được việc làm và làm ngành nghề khác. Đó là chưa kể các ngân hàng mạnh tay điều chuyển hoặc sa thải nhân viên không phải là ít. Tất nhiên, cũng có những ngân hàng vẫn tuyển dụng khá mạnh.

Trả lời khảo sát của Ngân hàng Nhà nước về xu hướng kinh doanh quý I năm nay, các tổ chức tín dụng cho biết, các yếu tố nội tại và nhân tố khách quan thuộc môi trường kinh doanh của ngành tài chính – ngân hàng đều diễn biến thuận lợi hơn trong quý cuối của năm 2013. Nhu cầu sử dụng dịch vụ tại các tổ chức tín dụng của khách hàng đang tiếp tục phục hồi, có xu hướng tăng nhẹ trong những tháng cuối năm 2013 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong năm 2014, đặc biệt là nhu cầu gửi tiền và vay vốn. Các tổ chức tín dụng cũng dự báo mức độ rủi ro của các nhóm khách hàng không thay đổi nhiều trong quý I nhưng có chiều hướng giảm dần trong năm 2014.

Hầu hết các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn từ nền kinh tế và dư nợ tín dụng của đơn vị mình trong năm 2014 sẽ tăng so với năm 2013 với mức tăng phổ biến từ 10 - 20%. Với những nhận định lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, hầu hết các tổ chức tín dụng cho biết dự kiến sẽ gia tăng lực lượng lao động để sẵn sàng nắm bắt thời cơ mới. Trong khi 60% tổ chức tín dụng đánh giá nguồn nhân lực tại thời điểm hiện tại vừa đủ đáp ứng nhu cầu, 40% còn lại cho biết đang thiếu lao động.

Một số chuyên gia cho biết, năm nay, các ngân hàng sẽ tiếp tục sa thải nhân viên, đặc biệt một số ngân hàng nhỏ do không đạt kết quả kinh doanh như mục tiêu đề ra, phải thu hẹp quy mô. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các ngân hàng không tuyển thêm, đặc biệt là nhân lực cấp cao.

Giám đốc Trường đào tạo nhân lực, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Cấn Văn Lực phân tích, thông tin 40% ngân hàng thiếu người và có nhu cầu tuyển dụng có thể đúng. Có thể các ngân hàng sẽ tuyển thêm 2- 3% lao động so với lực lượng hiện tại, song vẫn có tình trạng các ngân hàng sa thải nhân viên. Do đó, theo ông Cấn Văn Lực, thời điểm này nhu cầu tuyển dụng vẫn có, nhưng sinh viên tài chính ngân hàng mới ra trường phải kiên trì tìm việc hơn, trong hồ sơ phải thể hiện được tính nổi trội, nhất là một số hoạt động xã hội, các kỹ năng nổi bật. Vì những đặc điểm này hiện nay cán bộ nhân viên ngân hàng còn đang thiếu.

Rõ ràng, đây là khó khăn với nhiều sinh viên mới ra trường. Hầu hết các ngân hàng khi đăng tin tuyển dụng hiện nay đều nhấn mạnh đến chữ kinh nghiệm. Theo Giám đốc Trường đào tạo nhân lực Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Nguyễn Thị Mùi, ngân hàng này tiếp tục tuyển dụng, nhất là những vị trí phục vụ việc đón đầu các luồng vốn đầu tư nước ngoài từ Nhật, hay Hàn Quốc.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng không hề dễ dàng, có vài chục hồ sơ nộp dự thi, nhưng chỉ có 6 ứng viên tham gia thi tuyển. Một số vị trí cần nhân lực có chất lượng, là nhân viên, chưa cần vị trí lãnh đạo, nhưng vẫn khó tuyển. Ví dụ cần tuyển nhân viên am hiểu tài chính ngân hàng, nhưng số lượng tuyển lại rất ít. Bên cạnh đó, lĩnh vực tài chính ngân hàng phát sinh nghiệp vụ mới, như các dịch vụ phái sinh, thì nước ta chưa đào tạo, phải cầm tay chỉ việc 3 đến 6 tháng mới có thể làm được việc. 

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu gợi ý, trong quá trình học, sinh viên nên tìm những cơ sở, công ty kiểm toán, ngân hàng, cơ sở tài chính để có kinh nghiệm. Sau khi hoàn thành chương trình học, không bắt buộc phải vào ngay ngân hàng làm việc, mà có thể xin tuyển dụng vào các công ty bảo hiểm, kế toán, tài chính trước. Bên cạnh đó, không nên quá đặt nặng vấn đề thu nhập phải xứng đáng, mà có thể chấp nhận mức lương tương đối thấp để được trải nghiệm trong ngành nghề mình thích, sau đó mới tìm vị trí có lương thích hợp hơn.