Doanh nghiệp bảo hiểm: Dồn sức cho dịch vụ bán lẻ

Theo Báo Đầu tư

Hướng mạnh vào sản phẩm phục vụ khách hàng cá nhân, đa dạng hóa các kênh phân phối để tiếp cận gần hơn đến khách hàng là xu hướng chung của ngành bảo hiểm năm 2013.

Doanh nghiệp bảo hiểm: Dồn sức cho dịch vụ bán lẻ
Yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp bảo hiểm tạo sức cạnh tranh chính là kênh phân phối
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2013, ngành Bảo hiểm đặt chỉ tiêu tăng trưởng bảo hiểm phi nhân thọ 12 - 13%. Đây là mức tăng trưởng lạc quan so với mức tăng 11,5% của năm 2012.

Hiện nay, thị phần bảo hiểm phi nhân thọ vẫn chủ yếu nằm trong tay công ty bảo hiểm lớn trong nước như Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm Xăng dầu (Pjico), Bảo hiểm Bưu điện (PTI)... Các (doanh nghiệp) DN bảo hiểm nước ngoài tuy vẫn còn khá lép vế so với các  DN trong nước, nhưng mỗi công ty cũng đều có những ngách thị trường riêng để duy trì sức cạnh tranh.

Chẳng hạn, Công ty Bảo hiểm Liberty (Mỹ) nhắm vào phân khúc bảo hiểm xe ô tô và bảo hiểm sức khỏe tại Việt Nam; Groupama phát triển khá đa dạng các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người, bảo hiểm tài sản và thiệt hại, bảo hiểm vận chuyển hàng hóa, bảo hiểm thân tàu... Trong khi đó, QBE (Australia) đã tìm được chỗ đứng trong các dòng sản phẩm bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt, bảo hiểm rủi ro tài sản, kinh doanh tái bảo hiểm…

Tuy nhiên, quan sát động thái của các DN bảo hiểm thời gian qua cho thấy, xu hướng chung là hướng mạnh tới sản phẩm phục vụ khách hàng cá nhân, nhằm khai thác các phân khúc thị trường vẫn còn tiềm năng mở rộng.

Theo ông Tôn Lâm Tùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), nhìn tổng quát thị trường bảo hiểm Việt Nam, có thể thấy xu hướng chung là các công ty đều đang đẩy mạnh các hoạt động bán lẻ. Phân tích về xu hướng này, ông Tùng cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, vốn đầu tư cho các dự án lớn sẽ không còn nhiều để các DN bảo hiểm có thể khai thác, bán được các hợp đồng bảo hiểm lớn. “Theo đó, bắt buộc các DN đều phải đẩy mạnh các hoạt động bán lẻ”, ông Tùng phân tích.

Ngoài xu hướng chuyển dịch dòng sản phẩm sang hướng “năng nhặt, chặt bị”, một xu hướng khác của thị trường bảo hiểm năm 2013 là đẩy mạnh và đa dạng hóa các kênh phân phối để tiếp cận gần hơn đến khách hàng.

Theo ông Ngô Việt Trung, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện dù đã có hơn 800 sản phẩm bảo hiểm, nhưng sự khác nhau của các sản phẩm chưa nhiều, chủ yếu là sao chép lại của nhau. Do vậy, yếu tố quan trọng để các DN bảo hiểm tạo sức cạnh tranh chính là kênh phân phối.

Trong bối cảnh khó tạo được sự nổi trội trong sản phẩm, nhiều DN bảo hiểm đang chú trọng đầu tư vào kênh phân phối, trong đó, ngoài kênh truyền thống bán bảo hiểm qua đại lý, các kênh được khai thác mạnh thời gian qua là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng. Đồng thời, các kênh bán bảo hiểm sử dụng các phương tiện kỹ thuật bán qua Internet, bán qua điện thoại di động… cũng đã phát triển mạnh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tư vấn về bảo hiểm cho rằng, để có được thế mạnh trên thương trường, DN cần xác định rõ mục tiêu và cần phát huy tối đa mọi nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu.

Ông Ian Cheng, Giám đốc Dịch vụ tư vấn (Công ty Ernst & Young Hồng Kông) cho biết, trên thực tế, một DN bảo hiểm sẽ khó đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc, nên các DN phải định hình rõ đâu là mục tiêu cần được ưu tiên. “Khi xác định mục tiêu là chiếm lĩnh thị phần, có thể DN phải chấp nhận giảm lợi nhuận trong một thời gian”, ông Ian Cheng nhấn mạnh.