Doanh nghiệp cần minh bạch tài chính để “đón” tín dụng

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Tài chính doanh nghiệp (DN) đóng vai trò số 1 trong tiếp cận nguồn vốn, do đó để tiếp cận được các nguồn vốn vay, doanh nghiệp cần rõ ràng, minh bạch các báo cáo tài chính.

Để tiếp cận được các nguồn vốn vay, DN cần rõ ràng, minh bạch các báo cáo tài chính. Nguồn: internet
Để tiếp cận được các nguồn vốn vay, DN cần rõ ràng, minh bạch các báo cáo tài chính. Nguồn: internet

Ngày 26/12 tại TP. Hồ Chí Minh, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức hội thảo “Ngân hàng đẩy tăng trưởng tín dụng và cơ hội của DN năm 2014”.

Đánh giá về hoạt động của các DN vừa và nhỏ, ông Cao Sĩ Kiêm cho biết, hiện nay số lượng DN vừa và nhỏ (DNVVN) chiếm tỷ lệ cao, trên 95% tổng số DN và đóng góp 45-50% hàng tiêu dùng, xuất khẩu, trong đó trên 90% số DNVVN phải dựa vào nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay còn không ít DN đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn này. Vướng mắc lớn nhất để tiếp cận vốn tín dụng hiện nay đối với các DNVVN chính là điều kiện vay vốn.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Cao Sĩ Kiêm, về phía ngân hàng cần phân loại đối tượng vay, làm rõ yếu tố khách quan, chủ quan vướng mắc trong quan hệ vay vốn để dòng vốn đến đúng địa chỉ.

Về phía DN, cần tự kiểm điểm, đánh giá lại quá trình sản xuất kinh doanh, những mặt mạnh, mặt yếu, những tồn tại yếu kém để rút ra bài học, từ đó xây dựng điều chỉnh chiến lược kinh doanh mới, khai thác một cách có hiệu quả những chính sách và biện pháp của Chính phủ. Qua đó đáp ứng tiêu chí và tiêu chuẩn những quy định về chuẩn vay theo nguyên tắc thị trường để tiếp cận vốn ngân hàng.

Cùng quan điểm trên, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, cùng các chuyên gia kinh tế cho rằng, tài chính DN đóng vai trò số 1 trong tiếp cận nguồn vốn, do đó để tiếp cận được các nguồn vốn vay, DN cần rõ ràng, minh bạch các báo cáo tài chính; liên tục đánh giá lại hoạt động của DN mình để từ đó có thể điều chỉnh phù hợp với cơ chế thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết, trong năm 2013, NHNN đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế như giảm lãi suất, gia hạn thời gian giãn nợ, hoãn nợ; tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, kiềm chế lạm phát.

Theo báo cáo của Vụ Tín dụng, tính đến ngày 17/12/2013, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế đã đạt 3.375.783 tỷ đồng, tăng 9,22% so với cuối năm 2012. Trong đó, cơ cấu tín dụng được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên, cụ thể:

Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đến ngày 30/11, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn (chưa bao gồm dư nợ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội) đạt khoảng 657.000 tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm cuối năm 2012. Dự kiến tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực này trong năm 2013 tăng 18% so với năm 2012.

Đối với các DNVVN, đến cuối tháng 11/2013, dư nợ cho vay ước đạt 855.929 tỷ đồng, tăng 0,75% so với cuối năm 2012. Dự báo mức tăng trưởng cả năm 2013 cho lĩnh vực này tăng khoảng 1% so với năm 2012.

Tính đến hết tháng 11/2013 các lĩnh vực như DN ứng dụng công nghệ cao, dư nợ cho vay đạt khoảng 15.375 tỷ đồng, tăng 24,51% so với cuối năm 2012. Xuất khẩu, dư nợ cho vay đạt khoảng 158.422 tỷ đồng, tăng 3,32% so với cuối năm 2012. Công nghiệp hỗ trợ, dư nợ cho vay đạt khoảng 96.220 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cuối năm 2012.

Trong năm 2014, NHNN xác định mục tiêu tín dụng tăng khoảng 12-14% và được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý. Để “đón” nguồn tín dụng từ các ngân hàng trong năm 2014, các DN cần kiểm điểm, đánh giá lại quá trình sản xuất kinh doanh, lên phương án kinh doanh hợp lý.