Doanh nghiệp "cùng đường", đủ chiêu trò để xiết nợ lẫn nhau

Theo VEF

Khó khăn chồng chất, vỡ nợ hàng loạt đã khiến dân kinh doanh không còn tin tưởng lẫn nhau, không tin tưởng vào đối tác, bạn hàng một thời gắn bó với mình. Vì thế, nhiều chiêu trò đã được tung ra để đòi nợ, cứu mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

"Anh em" xiết nợ lẫn nhau

Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí (PXI) vừa gửi công văn giải trình về báo cáo hợp nhất kiểm toán năm 2012 của công ty. Theo đó, PXI chưa trích lập dự phòng cho khoản phải thu Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PSG) trị giá 31,7 tỷ đồng vì chưa ước tính được giá trị.

Trong khi đó, PXI đã xin chủ trương để chuyển đổi phần góp vốn vào dự án Chung cư cao tầng và Dịch vụ Thương mại CT10-11 Văn Phú, Hà Đông của PSG tại CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVR) và một phần đất nền của dự án khu đô thị Hậu Giang do PSG làm chủ đầu tư để thu hồi khoản công nợ nêu trên.

Giải pháp "xiết nợ" nói trên mới chỉ là đề xuất nhưng chắc đã được PXI tính kỹ bởi PXI thừa nhận giá trị khoản phải thu nói trên không phải nhỏ nhưng nhận định PSG lỗ quá lớn, nợ phải trả gấp hơn 60 lần vốn chủ sở hữu, nên khả năng thanh toán hạn chế.

Trên thực tế, không chỉ PXI mà cả giới đầu tư cũng dường rất thất vọng với người khổng lồ PSG sau khi cổ phiếu của DN này bị đưa vào diện kiểm soát với 2 năm lỗ liên tiếp kéo vốn chủ sở hữu xuống chỉ còn 16 tỷ đồng, trong khi vẫn đang nợ trên 1.000 tỷ đồng. Giá cổ phiếu xuống còn khoảng 800 đồng.

Với PXI, dù không thua lỗ trong nhiều năm qua nhưng công ty cũng đang chìm trong khó khăn với nợ ngắn hạn tính tới cuối 2012 gấp hơn 1,7 lần vốn chủ sở hữu, cổ phiếu bị liệt vào diện cảnh báo. Phương hướng "xiết nợ" người anh em cùng ngành dầu khi xem ra khó tránh khỏi.

Trong hơn một năm qua, giới tài chính đã chứng kiến khá nhiều vụ đòi nợ mà người đi đòi là những đại gia có tiếng tăm trên thị trường. Hoàn cảnh kinh tế khủng hoảng đã khiến nhiều chủ nợ có thể cũng đã rơi vào khó khăn, trong khi con nợ nhiều khi chây không chịu thực hiện nghĩa vụ, hoặc một phần cũng do tình hình tài chính căng thẳng, DN đã rơi vào cảnh nợ nần, không có tiền.

Gần đây, Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel đã chính thức tuyên bố sẽ khởi kiện ra tòa với cáo buộc SeaBank không thanh toán bão lãnh cả trăm tỷ đồng trái phiếu đã quá hạn của một DN trong nước sau khi thỏa thuận không thành.

Vụ việc kéo dài đã nhiều tháng và cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Tuy nhiên, các bên liên quan đã có cáo buộc, có tranh cãi qua lại và đây là khởi đầu của quá trình giải quyết hậu quả.

Bên cạnh khoản nợ xấu nói trên, công ty còn có một số khoản nợ quá hạn với một số ngân hàng, công ty tài chính khác. Tuy nhiên, công ty sẽ giám sát chặt chẽ tình hình tài chính của các DN nợ, đồng thời tác động lãnh đạo các cổ đông lớn để đề nghị thu hồi nợ...

Cũng giống như công ty tài chính nói trên, Quỹ đầu tư Hapaco gần đây cũng đã đánh động dư luận về vụ việc mà quỹ này cho rằng ngân hàng SCB đã không hoàn trả được vài trăm tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của quỹ.

Hoặc một số chủ nợ tìm cách đòi nợ lạ lùng như giăng biển, vây trụ sở, cấn trừ cổ phiếu, kiện ra tòa yêu cầu mở thủ tục phá sản như ở trường hợp SHI - Vigecam Trade, Sacombank - Đặng Văn Thành...

Tất cả họ trước đây đều là những doanh nghiệp (DN) máu mặt, những đối tác hữu hảo, thậm chí "anh em" trong cùng một tổng công ty và công ty liên kết nhưng nay thì ra mặt chỉ trích, kiện cáo... cốt sao đòi được tiền.

"Dứt tình" hay do hoàn cảnh?

Chia sẻ với các cổ đông về sự khó khăn trong việc đòi nợ, một đại gia có tiếng trong ngành ngân hàng cho biết, đòi nợ cần rất nhiều giải pháp phải "bách nghệ" mới thành công. Nhưng theo một đại gia khác thì phải có cả bách kế, trăm quan hệ nữa may ra mời đòi được. Việc đòi nợ nhiều khi phải được bàn thảo kỹ lưỡng, lựa chọn phương pháp đúng đắn cho từng đối tượng. Khi phải vận động, khi thì rình rập, hay thậm chí phải đưa ra tòa phát mại tài sản, dùng các loại "võ", theo kiểu "Đông Tây y kết hợp".

Trong trường hợp PXI, dù biện pháp đòi nợ chưa được thực hiện nhưng đây được đánh giá là cách thức hợp lý trong bối cảnh PSG không có khả năng trả nợ bằng tiền mặt. Dù là DN cùng ngành nhưng việc xử lý nợ là đúng đắn và cần thiết, ít nhất đảm bảo cho PXI vượt qua khó khăn.

Còn đối với các ngân hàng, khả năng thu hồi nợ có thể dễ dàng hơn các DN khác bởi các nhà băng có bộ phận công nợ riêng, có kinh nghiệm và được sự hỗ trợ của các bên liên quan.

Với nhiều DN khác, việc thu hồi nợ xem ra khó khăn hơn nhiều. Đây có thể là nguyên nhân khiến các chủ nợ rất "sáng tạo" trong cách thức đòi nợ. Sự sáng tạo đôi khi vượt quá giới hạn và trở thành "dứt tình" hay vi phạm phát luật.

Trong trường hợp Công ty cổ phần Trường Phúc kiện Công ty cổ phần Sỹ Ngàn ra tòa, yêu cầu mở thủ tục phá sản vì cho rằng công ty mất thanh khoản để đòi lại khoản nợ 5 tỷ đồng được xem là một chiêu mới để đòi nợ. Vụ việc được tòa thụ lý và nhanh chóng được dư luận quan tâm.

Đằng sau vụ việc này vẫn còn nhiều vấn đề còn tranh cãi nhưng ít nhất xét về mặt tác động tới dư luận để đạt mục đích của chủ nợ có vẻ như đã khá thành công.

Trong trường hợp SHI - Vigecam Trade hồi cuối năm ngoái, nhiều người cho rằng SHI "giăng biển" cho dù rất hòa nhã nhưng làm ảnh hưởng tới uy tín của bên nợ, không tạo điều kiện cho bên nợ. Ở chiều ngược lại, SHI lại cho rằng, DN đã bị nợ quá lâu và có dấu hiệu chiếm dụng vốn, trong khi đơn vị cũng gặp không ít khó khăn trong bối cảnh hiện nay.