Doanh nghiệp đang trong "vòng xoáy" 6 ràng buộc

Theo infonet.vn

(Tài chính) Hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều "dự cảm" năm 2013 đã "dễ thở" hơn, và hy vọng thị trường ấm lên năm tới, song vẫn còn 6 ràng buộc níu chân...

Doanh nghiệp đang trong "vòng xoáy" 6 ràng buộc
Tiếp cận vốn khó khăn vẫn là rào cản với các DN. Nguồn: internet

Báo cáo về động thái DN Việt Nam năm 2013 vừa được Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 26/12 cho thấy, hầu hết các DN đều cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh năm 2014 sẽ khởi sắc hơn.

Theo kết quả khảo sát Báo cáo động thái DN Việt Na 2013 của VCCI, có tới 50,7% DN sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm 2014; 42,5% DN sẽ mở rộng kinh doanh, 6,7% DN có thể giảm quy mô và chỉ có 0,1% DN có thể sẽ phải ngừng hoạt động.

Lợi nhuận sụt giảm, kinh doanh vẫn chưa thoát đáy

Năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn đối với DN. Tuy tổng số DN đăng ký thành lập mới đạt 76.955 (tăng 10% so với năm 2012), nhưng xét về số vốn đăng ký chỉ là 398,7 nghìn giảm 14,7%. Số DN giải thể và ngừng họat động 60.737 DN tăng 11,9%.  Như vậy, DN đăng ký thành lập mới năm 2013 có quy mô vốn nhỏ hơn năm 2012.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI bình luận, hầu hết các DN đều chung cảm nhận là năm 2013 kinh doanh tốt hơn năm 2012 và năm 2014 chắc chắn sẽ khởi sắc hơn. Biểu hiện ở chỉ số động thái tổng hợp của tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh thực thấy năm 2013 đạt – 8 điểm (cao hơn rất nhiều so với năm 2012 là – 21 điểm). Đáng lưu ý, là doanh số bán hàng có sự đột biến mạnh, từ điểm âm (-4) lên điểm dương (+10), cùng với đó là sự cải thiện về năng suất lao động đạt tới 14 điểm.

Chỉ số về lương đặt hàng cũng có sự tiến bộ, trùng khớp với những chuyển biến tốt dần lên của chỉ số mua sắm PMI do HSBC công bố. Đáng nói, năng suất lao động bình quân được cải thiện rất nhiều so với năm 2012, bởi tại thời điểm DN thu hẹp sản xuất thì lượng lớn lao động có tay nghề sẵn có ngoài thị trường.

“Qua quá trình cắt giảm lao động DN đã chắt lọc được lao động có tay nghề, loại bỏ được lao động không có tay nghề. Đây là thời điểm tốt nhất để DN có thể tuyển dụng được lao động có tay nghề mà không cần đào tạo lại”- Tổng thư ký VCCI tin tưởng.

Tuy nhiên, điều khiến Tổng thư ký VCCI vẫn chạnh lòng, là dù có niềm tin nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của các DN vẫn chưa thực sự thoát khỏi vùng đáy. Cùng với đó, lợi nhuận của DN lại không được cải thiện, nếu không muốn nói là rất xấu. Chỉ số lợi nhuận bình quân trên một đơn vị sản phẩm tiếp tục xu hướng giảm mạnh nhất trong các chỉ tiêu đánh giá kết quả tình hình sản xuất kinh doanh.

Lợi nhuận bị giảm mạnh là nguyên chính gây lên sự ảm đạm của chỉ số động thái tổng hợp của tình hình sản xuất kinh doanh. Theo đó số lượng DN giải thể, ngừng kinh doanh tăng 7,6%. Tính bình quân thời gian ngừng hoạt động của DN 2,5 tháng. Số tháng DN phải ngừng hoạt động ít nhất là 1 tháng và nhiều nhất là 6 tháng.

Vốn vẫn “rời xa” DN

Về vốn vay và lãi suất, trong số các doanh nghiệp trả lời khảo sát trong năm 2013 thì 65,2% DN cho biết có nhu cầu vay vốn từ ngân hàng, trong khi tỷ lệ này năm 2012 là 57,3%. Dù DN mong muốn được vay vốn từ ngân hàng (ngân hàng) nhưng thực tế việc tiếp cận vốn vay của DN 2013 chưa cải thiện, khó khăn hơn năm 2012.

Có 34,8% DN không vay vốn, trong số đó 40,5% lượt DN cho rằng lãi suất vẫn rất cao, kinh doanh không đủ hiệu quả để trả lãi. 21,1% cho rằng do thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; 18,6% do đã tìm được kênh huy động vốn khác; 19,1% do nguyên nhân khác và chỉ có 2,7% do DN đang có nợ xấu tại ngân hàng nên không thể vay được vốn.

Nhìn nhận về mức lãi suất đang phải vay từ ngân hàng chỉ 32,7% DN cho rằng họ đang phải vay lãi suất ở mức 12%/năm, trong khi con số này năm 2012 là 74,9%. Có 4,3% DN cho rằng mức lãi vay hiện nay là hợp lý trong thời điểm hiện tại; 36,7% số DN thấy có thể chiu được trong thời gian lâu dài. Nghĩa là vẫn tồn tại 63,3% số DN sẽ gặp khó khăn nếu phải chịu mức lãi vay cao trong dài hạn.

Nguyên  nhân chủ yếu do tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng lên cao nên các ngân hàng đã kiểm soát chặt chẽ, khắt khe hơn tín dụng năm 2012. Nên nếu DN muốn vay vốn thì phải chứng minh được đầy đủ điều kiện ngân hàng yêu cầu.

“Dù lãi suất giảm 2-3% so với năm 2012 nhưng mức độ tiếp cận vốn lại khó khăn hơn. Vì thế, nếu có kế hoạch mở rộng kinh doanh, DN nên lưu ý không nên kinh doanh theo xu thế và theo đám đông ở những lĩnh vực không phải sở trường”- bà Hằng khuyên.

Thừa nhận sự dù lãi giảm nhưng vốn vẫn “rời xa” DN, ông Tạ Đình Xuyên – Giám đốc Trung tâm thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, hiện DN đang nằm trong vòng xoáy gồm 6 yếu tố ràng buộc như: đầu tư, vốn lãi suất cao, hàng tồn kho, nợ xấu…

Đơn cử trường hợp “bí” đầu ra đối với thị trường bất động sản, ông Xuyên dẫn chứng, thị trường bất động sản vẫn chưa thể giải tỏa, có những lúc tồn kho tới 40%. Hiện nay nhiều DN đã hạ giá xuống một nửa nhưng vẫn chẳng có ai mua, nhiều dự án vẫn bỏ hoang để đấy.

“Nếu DN cứ đẩy mạnh sản xuất mà không có thị trường tiêu thụ thì bất ổn.  Chỉ có giải quyết được yếu tố thị trường thì mới đẩy được hàng tồn kho, nợ xấu…” – ông Xuyên nói.

Với vai trò là cơ quan hỗ trợ DN, bà Hằng khuyến nghị, trong năm 2014 các DN cần tập trung nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường bao gồm cả thị trường đầu vào, đầu ra, đặc biệt là tìm kiếm và mở rộng thị trường mới. Đồng thời, DN cũng cần tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ DN mình, trong đó tập trung nguồn lực nhiều hơn cho việc nâng cao chất lượng nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ…

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc liên kết các DN, xây dựng và thiết lập hệ thống phân phối hiệu quả, đặc biệt là giữa các DN cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sẽ hướng tới hiệu quả hơn là DN kinh doanh đơn lẻ.