Doanh nghiệp Việt: “Chung lưng đấu cật” cùng phát triển

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn đứng vững và phát triển ổn định trong thời kỳ hội nhập đòi hỏi doanh nghiệp (DN) Việt phải liên kết kinh doanh góp phần tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng nhằm cải thiện sức cạnh tranh. Sự liên kết kinh doanh giữa Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) với công ty Vissan và công ty Nutifood là một dẫn chứng tích cực để DN Việt cộng hưởng nguồn lực trong cuộc chiến thương trường thời hội nhập.

DN chủ động lên kế hoạch liên kết với mong muốn tìm nguồn nguyên liệu ổn định, giá cả phù hợp. Nguồn: internet
DN chủ động lên kế hoạch liên kết với mong muốn tìm nguồn nguyên liệu ổn định, giá cả phù hợp. Nguồn: internet
Từ thói quen "mạnh ai nấy chạy”…

Thực tế cho thấy, từ trước đến nay hầu như DN Việt chưa biết liên kết với nhau để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm có tính cạnh tranh cao, giảm chi phí sản xuất. Thói quen "mạnh ai nấy làm làm” buộc các ngành phải nhập nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Cụ thể, ngành gỗ, nhựa, may mặc… nhập 80 - 90% nguyên liệu nước ngoài. Hiện nay có nhiều nguyên phụ liệu trong nước đã sản xuất được nhưng DN không biết đến, cứ theo thói quen nhập từ nước ngoài về. Kết quả, dẫn đến tình trạng nguyên phụ liệu của ta phải xuất đi nước ngoài còn DN trong nước lại nhập ngược nguyên phụ liệu giá cao từ nước ngoài về để gia công bán thành phẩm với giá thấp. 

Nổi tiếng là một nền kinh tế thuần nông song các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp cũng phải nhập khẩu. Đơn cử, Việt Nam đã nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ gần 70 nước với giá trị gần 331 triệu USD và có xu hướng tăng mạnh trong 3 năm lại đây. Điều này gắn liền với thực tế đến nay đã có tới khoảng 30% DN phá sản, gần 50% DN đang hết sức khó khăn, số người nuôi bỏ ao tăng nhiều… Về nguồn thịt gia súc cung cấp trong nước, hàng năm Việt Nam nhập khẩu mấy chục ngàn con bò từ các nước. Năm 2014, cả nước sẽ nhập khoảng 150 ngàn con (trâu, bò) từ Úc. Và dự báo, nếu như hiệp định TPP được ký kết thì nguy cơ gia súc các nước sẽ ồ ạt vào thị trường Việt Nam. 

Rõ ràng, cộng đồng DN Việt rất đông song đến thời điểm này, nếu "điểm mặt” để tìm ra một sản phẩm "made in Viet Nam” 100% hoàn toàn không dễ. Bởi vì, dù cố gắng đến mấy, tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong sản phẩm Việt cũng chỉ dừng lại ở mức 40 – 50%, thậm chí có những mặt hàng chỉ dừng lại ở mức 1 – 4%. Do thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các DN với nhau vô hình chung, thị trường trong nước trở thành "mảnh đất màu mỡ” cho DN nước ngoài "đào xới” để phát sinh lợi nhuận cao. 

… "chung lưng đấu cật” để phát triển

Nhận thức được điểm yếu của nền kinh tế, cơ quan chức năng và các chuyên gia kinh tế không ngừng kêu gọi DN Việt cần liên kết,  hợp tác với nhau để tạo ra những sản phẩm thuần Việt có giá trị cạnh tranh cao. Tuy nhiên, kêu gọi rất nhiều nhưng lối sản xuất kinh doanh theo kiểu "mạnh ai nấy làm” đã "ăn sâu” vào trong các DN. Chính vì thế, mà thời gian qua không có sự liên doanh giữa các DN Việt với nhau nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm có tính cạnh tranh và hội nhập cao. 

 Xác định rõ tầm quan trọng trong việc chủ động nguồn nguyên liệu cũng như hiệu quả từ sự liên kết kinh doanh nhằm tạo ra sản phẩm mang tính cạnh tranh cho DN trong nước mới đây, Tập đoàn HAGL ký kết hợp tác với công ty Vissan, công ty Nutifood về việc cung cấp và bao tiêu nguyên liệu. Trong đó, HAGL sẽ triển khai chăn nuôi bò thịt và bò sữa; công ty Vissan, công ty Nutifood đảm bảo đầu ra cho HAGL bằng cách bao tiêu nguyên liệu. 

Nói về sự hợp tác kinh doanh trên, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL cho rằng: "Đây sẽ là liên doanh mạnh nhất của ba công ty lớn, là tiền đề quan trọng thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển. HAGL có đủ điều kiện, nguồn lực để cung cấp nguyên liệu cho công ty Vissan và Nutifood”. Với 30 ngàn hecta đất, HAGL sẵn sàng trồng cỏ, bắp, cọ dầu… phát triển chăn nuôi bò và thành công chỉ còn là vấn đề thời gian. Dự kiến, tổng số vốn hợp tác kinh doanh của 3 "ông lớn” ở mức 12 ngàn tỷ đồng (vốn của Vissan và Nutifood chiếm 50%).    

Nguyên liệu đầu vào ổn định, giá cả hợp lý giúp DN chủ động sản xuất đồng thời tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Dự báo trước khả năng thành công từ việc hợp tác kinh doanh của "ông lớn” đảm bảo, sản phẩm (thịt bò và sữa tươi) ra thị trường có tính cạnh tranh cao, đặc biệt là vấn đề giá cả. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Nutifood cam kết: "Giá sữa nguyên liệu đầu vào của HAGL thấp thì giá sữa tươi ra thị trường chắc chắn được kéo giảm”. Tương tự, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc công ty Vissan khẳng định: "Theo kế hoạch, với nguồn thịt bò của HAGL thì giá thịt sẽ giảm nhiều so với giá nhập về từ Úc. Đây sẽ là cơ hội chia sẻ và phát triển nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho DN”. 

Theo các chuyên gia kinh tế, thực tiễn kinh tế hiện nay đòi hỏi các DN phải nhận thức về sự liên kết lẫn nhau. Sự liên kết giữa một sân chơi chung góp phần làm nên chuỗi giá trị sản phẩm thuần Việt chất lượng, nhằm cải thiện sức cạnh tranh của DN.