Gắn kết mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp

ThS. ĐÀO ĐÌNH THI - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt

Phát triển bền vững đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò tích cực trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Đối với Việt Nam, nhằm đóng góp vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, trong thời gian tới cần gắn kết mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Phát triển bền vững - Xu hướng toàn cầu

Những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực của môi trường trong quá trình phát triển kinh tế đã và đang tạo ra mối lo cho nhiều quốc gia và đe dọa về sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế toàn cầu. Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, mặt trái của nền kinh tế phát triển là các vấn đề về thay đổi khí hậu toàn cầu, môi trường bị thoái hóa, cạn kiệt nguồn tài nguyên. Từ đó, các nền kinh tế phải gánh chịu hậu quả từ sự phát triển nhanh chóng dựa trên sự khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên, với nền công nghiệp xả khói bụi và chất độc hại ra môi trường.

Trong bối cảnh đó, phát triển bền vững trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của các quốc gia, hướng đến một nền kinh tế xanh – đảm bảo sự phát triển lâu dài cho thế hệ tương lai bắt đầu từ ý thức bảo vệ môi trường. Chia sẻ về vai trò của doanh nghiệp (DN) đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững diễn ra từ ngày 25-27/9/2015 tại New York (Hoa Kỳ): “DN là một đối tác quan trọng trong việc hiện thực hoá các Mục tiêu phát triển bền vững. Các DN có thể đóng góp vào quá trình này thông qua những hoạt động cốt lõi của họ và Liên Hiệp Quốc kêu gọi các DN trên toàn thế giới đánh giá tác động của mình, đặt ra những mục tiêu tham vọng với quyết tâm mạnh mẽ và công bố kết quả thực hiện một cách minh bạch”.

ThS. Đào Đình Thi - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt:

ThS. Đào Đình Thi - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt: ""Trong nhiều năm qua, Tập đoàn Bảo Việt là một trong những DNNN luôn chú trọng gắn kết mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của DN."

Trong xu hướng chung của thế giới, Việt Nam cũng đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020, chú trọng đến việc cân bằng các yếu tố xã hội, kinh tế, môi trường. DN với vai trò là đại sứ trong việc thay đổi xã hội và kinh tế cũng đang nỗ lực thể hiện rõ những đóng góp trong việc thực hiện mục tiêu chung của quốc gia. Thực tế, việc xây dựng mục tiêu phát triển bền vững cũng mang lại những lợi ích nhất định cho DN khi đóng góp trực tiếp đến giá trị kinh doanh, ví dụ như tạo ra doanh thu, kiểm soát chi phí, quản lý rủi ro và các giá trị dài hạn khác. Do vậy, nhiều DN trong nước đã bắt đầu kết hợp yếu tố bền vững vào hoạt động của mình như là một phần của kế hoạch phát triển chiến lược dài hạn.

Tại Việt Nam, Bảo Việt là DNNN đang thực hiện khá tốt vấn đề này. Thông qua báo cáo phát triển bền vững qua các năm của mình, Bảo Việt đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn 2025 “Giữ vững vị thế Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tiềm lực tài chính mạnh, tăng trưởng hiệu quả và bền vững”, thông qua việc đảm bảo phát triển bền vững, cân đối giữa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường, gắn kết trong hoạt động kinh doanh hàng ngày của DN.

Với việc sớm nhận thức được việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên, sự phát triển mất cân đối trong xã hội tạo ra các ảnh hưởng mang tính hệ thống và tác động ngược trở lại, hạn chế các hoạt động kinh doanh của chính DN, Bảo Việt luôn khẳng định quan điểm không chỉ quan tâm đến mục tiêu thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của DN, mà còn kết hợp với thực hiện các mục tiêu xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan thông qua hoạt động trong hiện tại và tương lai, nhằm đảm bảo thực hiện chiến lược phát triển dài hạn và bền vững của Bảo Việt.

Hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững

Trong nhiều năm qua, Tập đoàn Bảo Việt là một trong những DNNN luôn chú trọng gắn kết mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của DN. Những nỗ lực của Bảo Việt đã được các tổ chức quốc tế công nhận và có thể là những kinh nghiệm quý báu giúp các DN Việt Nam ứng dụng trong hoạt động của mình, cụ thể:

Một là, tăng trưởng bền vững, đóng góp cho ngân sách nhà nước

Trong những năm qua, Tập đoàn Bảo Việt luôn tập trung thực hiện những nhóm giải pháp để khơi thông, tối ưu hóa nguồn lực trong toàn hệ thống, đồng thời luôn theo sát diễn biến thị trường để kịp thời đưa ra những sách lược nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước. Thống kê cho thấy, trong năm 2015, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn ước đạt 20.807 tỷ đồng, tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ 2014; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.465 tỷ đồng, bằng 101,8% kế hoạch; Lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 1.187 tỷ đồng, bằng 104,1% kế hoạch. Lĩnh vực kinh doanh nòng cốt là bảo hiểm cũng đạt được kết quả đáng khích lệ với doanh thu ước đạt 16.514 tỷ đồng, tăng trưởng 17,4%. Doanh thu phí bảo hiểm từ lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 6.471 tỷ đồng, tăng trưởng 5,9%; Lợi nhuận sau thuế đạt 279 tỷ đồng (+11,5%). Trong khi đó, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đạt mức tăng trưởng ấn tượng với tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 10.100 tỷ đồng, tăng trưởng 26,9%; doanh thu khai thác mới đạt 2.309 tỷ đồng, tăng trưởng 23,2% so với cùng kỳ 2014…

Kết quả kinh doanh khả quan đã góp phần đưa Bảo Việt duy trì vị trí là một trong những DN có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước trong 5 năm qua (2011-2015). Với đặc thù là DN cổ phần với hơn 70% vốn Nhà nước, Công ty mẹ - Tập đoàn Bảo Việt ngoài việc nộp thuế, còn nộp vào ngân sách nhà nước số cổ tức từ kết quả hoạt động kinh doanh của mình. Chỉ tính riêng năm 2015 vừa qua, toàn Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt (bao gồm công ty mẹ và các đơn vị thành viên) đã kê khai và nộp cho ngân sách Nhà nước gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế là gần 1.000 tỷ đồng và nộp cổ tức về cho Nhà nước (Bộ Tài chính và SCIC) là 505 tỷ đồng. Tính chung trong giai đoạn 2011-2015, tổng số tiền thuế và cổ tức Bảo Việt đã nộp vào ngân sách nhà nước lên đến gần 9.000 tỷ đồng.

Hai là, đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội

Trong những năm qua, cùng với việc tập trung phát triển, mở rộng kinh doanh, Tập đoàn Bảo Việt luôn hướng đến mục tiêu đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội. Điều này thể hiện qua các hoạt động sau:

- Phát triển sản phẩm vì cộng đồng: Với đặc thù sản phẩm bảo hiểm mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự sẻ chia của DN và khách hàng, Bảo Việt đã tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ cho cộng đồng thông qua việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho khách hàng có thu nhập thấp nhằm chia sẻ các gánh nặng tài chính khi gặp rủi ro về sức khỏe, tài sản... Bảo Việt đã thực hiện thành công mục tiêu bảo vệ, giúp khoảng hơn 10 triệu khách hàng tiếp cận các sản phẩm tài chính thông qua các dịch vụ bảo hiểm-tài chính.

- Tạo công ăn việc làm, đóng góp cho sự phát triển địa phương: Với mạng lưới hoạt động gồm 168 chi nhánh và 700 điểm giao dịch, Bảo Việt hiện có 7.000 người lao động cùng 90.930 đại lý, tư vấn viên trên toàn hệ thống. Thông qua các chính sách tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và các chính sách đãi ngộ với lao động, Bảo Việt góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Năm 2015, Bảo Việt đã tuyển dụng thêm 395 cán bộ trong đó, số lượng cán bộ nữ chiếm 43%.

- Thực hiện trách nhiệm xã hội DN: Bảo Việt đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội thông qua việc tập trung đầu tư vào các lĩnh vực cụ thể bao gồm: Xóa đói giảm nghèo; Đầu tư cho giáo dục và thế hệ trẻ; Tri ân anh hùng liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng; Khắc phục hậu quả thiên tai và các hoạt động khác. Trong hoạt động xóa đói giảm nghèo tập trung hỗ trợ điều kiện sống cơ bản cho người dân, tính đến nay, Bảo Việt đã đầu tư hơn 150 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, trong đó, tập trung thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo theo chương trình 30A của chính phủ tại Quế Phong (Nghệ An) và Pắc Nặm (Bắc Kạn) và một số địa phương khó khăn khác nằm ngoài cam kết của chương trình 30A như Nam Định, Quảng Trị, Phú Yên, Kiên Giang, Bến Tre… Bảo Việt cũng đã triển khai các chương trình đầu tư cho giáo dục như: 10 năm đồng hành cùng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam trong chương trình Học bổng An sinh Giáo dục cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập tốt; Hợp tác với các trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Học viện Tài chính trong công tác nghiên cứu, đào tạo và trao học bổng cho các em sinh viên ưu tú...

Ba là, chung tay bảo vệ môi trường

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững, trong những năm qua, Tập đoàn Bảo Việt luôn chú trọng triển khai các hoạt động này nhằm nâng cao ý thức của cán bộ nhân viên đối với sự thay đổi của môi trường.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững, trong những năm qua, Tập đoàn Bảo Việt luôn chú trọng triển khai các hoạt động này nhằm nâng cao ý thức của cán bộ nhân viên đối với sự thay đổi của môi trường.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững, trong những năm qua, Tập đoàn Bảo Việt luôn chú trọng triển khai các hoạt động này nhằm nâng cao ý thức của cán bộ nhân viên đối với sự thay đổi của môi trường.

Hàng loạt chiến dịch chung tay bảo vệ môi trường đã được Bảo Việt triển khai thời gian qua như: Baoviet - GoGreen, hành động vì môi trường với nhiều hoạt động có ý nghĩa gồm thi vẽ tranh vì môi trường của con em cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống nhằm gửi gắm thông điệp “Mỗi chúng ta cùng đóng góp một bàn tay, chung sức vì một môi trường không còn ô nhiễm, khói bụi, Hãy cùng chung tay để biến giấc mơ của con em chúng ta thành hiện thực”…; Phát động chương trình 5S - Xây dựng môi trường trong sạch nơi làm việc, bảo đảm hệ thống hồ sơ, tài liệu được “Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn sóc - Sẵn sàng”, lưu trữ một cách khoa học giúp hiệu quả công việc, tránh được những lãng phí không cần thiết về giấy tờ, vật phẩm văn phòng tiêu thụ…

Một số kiến nghị

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chiến lược phát triển bền vững với các mục tiêu cụ thể sẽ giúp cho DN định hình rõ nét hơn các hành động cần triển khai để hoàn thành mục tiêu. Việc đánh giá kết quả hoạt động cần được thực hiện thông qua Báo cáo phát triển bền vững của DN bởi mục đích báo cáo phát triển bền vững là lượng hóa các kết quả hoạt động triển khai của chiến lược phát triển bền vững của DN. Nói cách khác, Báo cáo phát triển bền vững là sự rà soát lại chiến lược bền vững của DN cũng như nhìn nhận và đánh giá lại các hoạt động đã thực hiện trong năm.

Thông qua việc thực hiện báo cáo bền vững, DN cũng nhìn nhận và đánh giá được những đóng góp về mặt xã hội và môi trường, từ đó giúp DN cân bằng được các yếu tố trong những hoạt động sắp tới vì mục tiêu phát triển bền vững của DN và xã hội. Trong thời gian tới, nhằm gắn kết mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của DN, cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, để phát triển bền vững có thể triển khai tại DN, cần có sự cam kết và tham gia của lãnh đạo DN thông qua việc gắn kết các vấn đề bền vững trong chiến lược kinh doanh một cách hài hòa, phù hợp với mô hình kinh doanh của từng DN. Sự nhận thức đúng đắn và vào cuộc mạnh mẽ của các nhà quản trị sẽ là yếu tố tiên quyết giúp DN gắn kết mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của mình.

Hai là, nghiêm túc thực hiện xây dựng nội dung phát triển bền vững theo quy định của pháp luật. Cụ thể, nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường trách nhiệm của DN đại chúng đối với môi trường và xã hội tiến tới xây dựng một nền tài chính xanh, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, ngày 6/10/2015, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 155/2015/TT-BTC trong đó yêu cầu các công ty đại chúng phải công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững. Nội dung phát triển bền vững được đưa vào báo cáo thường niên, hoặc lập riêng thành báo cáo phát triển bền vững. Như vậy, xây dựng nội dung phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc đối với các công ty đại chúng kể từ ngày 1/1/2016.

Ba là, việc đánh giá hiệu quả hoạt động thông qua báo cáo phát triển bền vững sẽ giúp DN có những đánh giá và điều chỉnh kịp thời, phù hợp với định hướng và chiến lược kinh doanh của DN, đồng thời giúp DN nâng cao uy tín với đối tác, khách hàng, cổ đông… Do vậy, các DN cần hướng đến việc xây dựng báo cáo phát triển hàng năm. Đối với Tập đoàn Bảo Việt, Báo cáo phát triển bền vững hàng năm được xây dựng dựa theo các tiêu chí của Tổ chức Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu. Hệ thống báo cáo này đã giúp Bảo Việt xây dựng các chỉ tiêu KPIs cụ thể trong từng lĩnh vực phát triển, hợp tác đảm bảo hài hòa lợi ích các bên liên quan, thực hiện theo dõi đánh giá và thực hiện truyền thông một cách có hệ thống. Đặc biệt, Tập đoàn Bảo Việt cũng là DN Việt Nam đầu tiên có báo cáo phát triển bền vững được kiểm toán độc lập, dù pháp luật không yêu cầu loại báo cáo này phải được kiểm toán.

Bốn là, với xu hướng mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay của đất nước, cơ hội hợp tác của cộng đồng DN ngày càng rộng mở hơn, do vậy các DN cần tích cực chủ động nghiên cứu học tập các mô hình phát triển bền vững trên thế giới để áp dụng thực tế tại DN mình, qua đó góp phần thực hiện tốt việc gắn kết mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”;

2. Chính phủ, Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012. ”Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”;

3. Tập đoàn Bảo Việt, Báo cáo Phát triển bền vững năm 2015.

4. Phan Hằng, Vì sao doanh nghiệp cần lập báo cáo phát triển bền vững?, Tin nhanh Chứng khoán (2015).