Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhất quán, đồng bộ và liên tục

Theo VIR

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý chi 1.130 tỷ đồng để trợ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong giai đoạn 2011-2015 (khoản tiền này không bao gồm các chương trình đổi mới công nghệ).

Theo Quyết định 1231/2012/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch phát triển SME giai đoạn 2011-2015 vừa được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký ban hành, trong giai đoạn 2011-2015, cả nước thành lập mới 350.000 doanh nghiệp để đạt mục tiêu có 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động (không tính doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm ngừng, tạm nghỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh) vào cuối năm 2015.

Vào năm 2015, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực SME chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc; đầu tư của khu vực SME chiếm 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; khu vực SME đóng góp khoảng 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo thêm khoảng 3,5 - 4 triệu chỗ làm việc mới.

Để đạt được mục tiêu này, quan điểm nhất quán của Chính phủ là coi việc phát triển SME là chiến lược lâu dài, nhất quán và xuyên suốt trong chương trình hành động của Chính phủ, là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế của quốc gia. Nhà nước tạo môi trường pháp luật và các cơ chế, chính sách thuận lợi cho SME thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh nhằm huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Quyết định 1231/2012/QĐ-TTg nhất quán phát triển SME theo phương châm tích cực, vững chắc, nâng cao chất lượng, phát triển về số lượng, đạt hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; phát triển SME phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề truyền thống; chú trọng phát triển SME ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; ưu tiên phát triển và hỗ trợ SME do đồng bào dân tộc, phụ nữ, người tàn tật ... làm chủ doanh nghiệp; chú trọng hỗ trợ phát triển SME đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ, sản xuất một số lĩnh vực có khả năng cạnh tranh cao.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để hỗ trợ kịp thời SME, trong thời gian tới, các cấp, các ngành phải thực hiện 8 nhóm giải pháp, từ việc hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho SME; hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong SME đến hỗ trợ SME phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị cho chủ doanh nghiệp; đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, tăng cường tiếp cận đất đai cho đối với SME.

Ngoài ra, các bộ ngành, địa phương phải có giải pháp cung cấp thông tin hỗ trợ SME và xúc tiến mở rộng thị trường; xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển; quản lý thực hiện Kế hoạch phát triển SME.

Ông Cương cho biết, rút kinh nghiệm thực hiện Kế hoạch phát triển SME lần thứ nhất (2006-2010) và tham khảo kinh nghiệm hỗ trợ SME của nhiều nước trên thế giới, việc hỗ trợ lần này đưa ra nhiều chính sách mang tính trọng tâm hơn, như tập trung vào việc hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm mới; thúc đẩy các liên kết kinh tế, cụm liên kết ngành; triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ về tài chính…

“Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu đạt 600.000 SME vào cuối năm 2015, bên cạnh việc thí điểm xây dựng vườn ươm doanh nghiệp, thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một số lĩnh vực, thành lập Quỹ hỗ trợ SME, các bộ ngành, địa phương phải tăng cường sự phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch hỗ trợ SME”, ông Cương cho biết.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, tăng cường sự phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch hỗ trợ SME giữa các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng mặc dù chỉ là “vấn đề kỹ thuật”, nhưng nhiệm vụ này rất quan trọng. Thực tế triển khai Kế hoạch phát triển SME lần thứ nhất cho thấy, ở địa phương nào sự phối hợp được thực hiện tốt thì SME ở địa phương đó phát triển mạnh hơn cả về chất lượng lẫn số lượng.

Theo Quyết định 1231/2012/QĐ-TTg, ngay từ bây giờ các bộ ngành, địa phương phải bắt tay vào hoàn thiện và đảm bảo tính ổn định khung pháp lý, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng cho SME phát triển; tạo bước đột phá để SME tiếp cận vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; hình thành mạng lưới hệ thống thông tin hỗ trợ để cung cấp thông tin về các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp, các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển SME và các thông tin khác hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nữa mà các bộ ngành, địa phương phải bắt tay vào thực hiện ngay là cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, tăng cường bảo vệ môi trường thông qua việc lập và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tạo điều kiện để phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp có quy mô hợp lý và giá thuê đất phù hợp với khả năng của SME; hỗ trợ di dời SME gây ô nhiễm, tác hại đến môi trường tại khu dân cư và đô thị đến khu công nghiệp, cụm công nghiệp…