Làm ăn 2013: Ẩn số sức mua

Theo Sài Gòn Tiếp thị

2012 là một năm đầy biến động của thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đuối sức sau giai đoạn kinh tế khủng hoảng kéo dài, việc kinh doanh lao đao bởi sức mua suy giảm, chi phí tăng khó lường. Bức tranh chung của doanh nghiệp đề cập cho năm 2013: Thận trọng và phòng thủ.

Ngân hàng: "Phòng thủ" để tồn tại

Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết năm nay đã không đạt kế hoạch đề ra. Năm 2013 sẽ là một năm tiếp tục khó khăn đối với hệ thống ngân hàng thương mại, vì thế mục tiêu là phòng thủ để tồn tại, phát triển thận trọng và tập trung vào khối khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phát biểu tại đại hội cổ đông bất thường ngân hàng thương mại Á Châu (ACB), tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn cho biết, doanh nghiệp này chịu khoản lỗ hơn 1.700 tỉ đồng từ việc phải đóng trạng thái vàng theo quy định của ngân hàng Nhà nước (NHNN) hồi quý 3. Lợi nhuận năm 2012 ước 1.200 tỉ đồng, chỉ số an toàn vốn 11% đã cao hơn mức năm 2011 là 9%; nhu cầu tăng vốn trong năm nay đã không còn.

Theo ông Toàn, năm 2013 ACB sẽ thận trọng trong tăng trưởng tín dụng. Hoạt động vay và cho vay trên thị trường liên ngân hàng sẽ khó khăn, thay vào đó hoạt động cấp tín dụng bằng ngoại tệ sẽ là con đường mở. ACB sẽ tập trung khôi phục lại quy mô huy động vốn, dự kiến tăng trưởng 20 – 30%, tăng trưởng tín dụng 15 – 20%. Ông Toàn nói: “Lợi nhuận năm 2013 sẽ không cao như kế hoạch đề ra trước đây bởi một số lĩnh vực lợi thế đã không còn, chúng tôi sẽ tập trung vào mảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, và hai mảng này tiếp tục đóng góp lớn cho doanh thu của ACB”.

Bà Cao Thị Thuý Nga, phó tổng giám đốc ngân hàng Quân đội (MB) cũng nhận định năm 2013 sẽ còn khó khăn hơn. Chính phủ quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, vì vậy sẽ còn nhiều thách thức cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Trong khó khăn đó lợi nhuận sẽ khó có thể cao, MB đề ra mức tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng lợi nhuận là 15%, đã là mức đột phá so với năm 2012.

Chi phí đè lên doanh nghiệp

Ngay từ tháng 9, DHL Vietnam đã công bố mức tăng giá chuyển phát bình quân tại Việt Nam năm 2013 là 4,9%. Ông Christopher Ong, tổng giám đốc DHL, cho biết một trong những thách thức chính công ty phải đối mặt là tình hình giá cả leo thang, lạm phát dẫn đến chi phí lương, nhiên liệu và giá tiêu dùng tăng cao. DHL phải tập trung nâng cao năng suất để giảm chi phí trong hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ hệ thống siêu thị Citimart cho biết kể từ khi thành lập năm 1994 đến nay, thì năm 2012 Citimart có mức tăng trưởng thấp nhất, khoảng 10% so với mức trung bình trên 25%/năm. Nguyên nhân chính là do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút. “Một hộp sữa cao cấp mắc đến mấy người có tiền vẫn mua đều đặn, nhưng chai dầu ăn dù giá đã thấp, nhưng người lao động vẫn chờ khuyến mãi. Có thể thấy tầng lớp thu nhập từ thấp và trung bình đang bị ảnh hưởng nhiều nhất”, bà Hoa nói, và cho biết năm 2013 sẽ thay đổi cách vận hành và cơ cấu hàng hoá cho toàn bộ hệ thống 28 siêu thị Citimart, như dồn chi phí marketing vào việc giảm giá hàng tiêu dùng thiết yếu, tăng cường hàng tươi sống dù mức lãi nhóm hàng này gần như không có nhưng để đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Theo ông Lê Quang Hùng, chủ tịch HĐQT công ty may Garmex Sài Gòn, năm 2012 doanh thu đạt hơn 1.000 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 60 tỉ nhưng có quá nhiều yếu tố bất lợi cho ngành dệt may bởi chi phí đầu vào tăng liên tục, đầu ra thì không thể tăng giá bán mà lượng tiêu thụ lại giảm. Khách hàng từ châu Âu chiếm 60% sản lượng thì trong năm đã giảm một nửa; tiêu thụ nội địa dự kiến trên 200 tỉ đồng rút cục chỉ bán được hơn 100 tỉ đồng… Năm 2013, Garmex lên kế hoạch tăng trưởng chỉ 10%, tức doanh thu đạt khoảng 1.100 tỉ đồng nhưng lợi nhuận không tăng thêm. Ông Hùng nói: “Ngay từ đầu năm doanh nghiệp đã phải chuẩn bị cho chi phí đầu vào tăng, từ giá điện, lương cơ bản tăng. Chỉ riêng chi phí bảo hiểm xã hội, y tế, công đoàn, Garmex phải chi thêm sáu tỉ đồng trong năm 2013, chưa kể giá xăng dầu, nguyên phụ liệu chưa ổn định”.

Ở góc độ sản phẩm tiêu dùng nhanh, ông Nguyễn Đặng Hiến, tổng giám đốc công ty nước giải khát Tân Quang Minh (Bidrico), cho đến thời điểm này bức tranh tổng thể của kinh tế vẫn chưa cho thấy những nét khởi sắc cho thị trường năm 2013, đời sống tiêu dùng có thể chưa hết khó khăn vì thế sức mua khó tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn. “Mục tiêu Bidrico là ổn định phát triển, không nhắm đến việc mở rộng tràn lan hay tăng trưởng quá mạnh, trụ vững qua được năm 2013 sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt ở những năm tới”, ông Hiến cho biết.

Bài học về quản trị rủi ro

Tập đoàn Hoa Sen (HSG) năm 2012 đã đạt được kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu 10.088 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 368 tỉ đồng và xuất khẩu 180 triệu USD. Theo chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ, kinh nghiệm lớn nhất HSG đạt được trong giai đoạn khủng hoảng kéo dài là về quản trị rủi ro. Năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi đầu tại Mỹ vì các vấn đề bất động sản, HSG nhận thấy các khó khăn tương tự ở Việt Nam và quyết định rút lui khỏi thị trường này. Việc mở rộng kinh doanh luôn xoay quanh ngành cốt lõi là tôn thép, tỷ trọng đầu tư ngoài ngành trên tổng vốn chủ sở hữu chỉ dưới 10%.

Ông Vũ chia sẻ, chúng tôi cũng học được phương châm “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, khi quản lý tốt dòng tiền thì việc kinh doanh lưu động và phát triển. “Nhờ hình dung được những rủi ro phải đối mặt qua từng giai đoạn để đề ra giải pháp ngắn hạn để phục vụ cho chiến lược dài hạn. Một khi dự báo được, nếu gặp khó khăn doanh nghiệp sẽ không bị lúng túng”, ông Vũ nói.

Ông Nguyễn Thế Phương, phó tổng giám đốc FPT cho biết, kết thúc 11 tháng, doanh thu của FPT vượt mức 1 tỉ USD và lợi nhuận trước thuế đạt 2.149 tỉ đồng, dù không đạt kế hoạch đề ra đầu năm, nhưng FPT là một trong số ít doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh khả quan. Theo ông Phương, thực hiện tập trung đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ và hướng tới thị trường đại chúng bên cạnh thị trường chính phủ và doanh nghiệp, đồng thời thoái vốn khỏi các khoản đầu tư vào các ngành bất động sản, tài chính và ngân hàng, đơn vị từng dẫn đầu ngành công nghệ thông tin về giá trị vốn hoá thị trường vào năm 2006 “giảm thiểu được tác động tiêu cực của thị trường bất động sản và tài chính đồng thời phân bổ lại nguồn lực tốt hơn cho các dự án kinh doanh cốt lõi”. Theo ông Phương, kết quả trên nhờ vào việc FPT tập trung quản trị rủi ro và quản lý tốt dòng tiền. Ông Phương nói: “Chúng tôi cố gắng tăng vòng quay công nợ và hàng tồn kho nhằm giảm các rủi ro từ biến động tỷ giá và hàng tồn kho; các chi phí đầu tư trong thời điểm khó khăn, cũng được cân nhắc kỹ”.

Còn theo ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty thuỷ sản Hùng Vương, sau nhiều năm đối mặt với khủng hoảng, khó khăn là chung cho tất cả doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp nào có đủ tiềm lực tài chính, tận dụng được thời cơ thì vẫn phát triển. Mặc dù dự báo năm 2013 nền kinh tế sẽ còn khó khăn nhưng Hùng Vương vẫn lên kế hoạch tăng doanh số, lợi nhuận bởi nắm bắt cơ hội giá con giống còn khá rẻ, nguyên liệu thức ăn cũng không cao để tập trung đầu tư nuôi trồng, ổn định nguyên liệu. “Điều này có thể mang đến giá thành sản phẩm xuất khẩu thấp hơn 5 – 10% so với 2012, từ đó cho phép chúng tôi có nhiều lựa chọn đàm phán ký hợp đồng”, ông Minh nói.