Danh sách đen chuyển giá:

Lộ mặt hàng trăm doanh nghiệp

Theo VEF

(Tài chính) Từ lỗ biến thành lãi, từ lãi ít thành lãi khủng, 122 doanh nghiệp FDI đã bị phát hiện chuyển giá. Tổng số tiền bị buộc truy thu hơn 200 tỷ đồng. Khai lỗ nhiều, lợi nhuận của các DN này chỉ tương đương lãi suất trái phiếu kho bạc.

Truy thu hơn 200 tỷ tiền thuế

Cuộc thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng tại các doanh nghiệp FDI, do Tổng cục Thuế chủ trì, vừa có kết quả sơ bộ. Theo đó, tính đến tháng 9 vừa qua, ngành thuế đã nội soi lại toàn bộ kết quả kinh doanh trong 5 năm, từ năm 2007-2012 đối với 122 doanh nghiệp tại 23 tỉnh, thành.

Nhiều doanh nghiệp sau thanh kiểm tra, đã từ lỗ biến thành lãi, từ lãi ít chuyển sang lãi nhiều, lãi lớn. Kết quả, các doanh nghiệp này đã buộc phải điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ tổng số tiền là 2.252 tỷ đồng. Trong đó, giảm lỗ phát sinh 1.870 tỷ đồng, giảm số lỗ được chuyển vào kỳ tính thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra là 335 tỷ đồng.

Qua đó, tổng số tiền thu nhập chịu thuế của các DN này tăng lên là 2.599 tỷ đồng. Trong đó, các DN FDI phải tăng thu nhập chịu thuế của kỳ tính thuế sau thời kỳ thanh tra, kiểm tra, tức từ năm 2013 trở đi là 839 tỷ đồng.

Hầu hết các DN này hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến lương thực thực phẩm, ngoài ra, còn có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng.

Đứng đầu cả nước về số thuế truy thu FDI chuyển giá là Hà Nội với 98 tỷ đồng, TP.HCM với hơn 15 tỷ đồng, Thái Bình hơn 7 tỷ đồng, Quảng Ninh, Lâm Đồng hơn 5 tỷ đồng, Hải Phòng 1,3 tỷ đồng.

Riêng đoàn thanh tra của Tổng cục Thuế thanh tra trực tiếp một doanh nghiệp tại Đồng Nai, số thuế truy thu đã lên tới hơn 78 tỷ đồng.

Trong đó, giá trị giảm lỗ lớn nhất là ở TP.HCM với số lỗ giảm là 362 tỷ đồng. Tổng số thu nhập tăng lên phải chịu thuế lớn nhất là DN FDI ở Hà Nội với hơn 1.223 tỷ đồng.

Thất thu lớn ở khối FDI 

Trước khi thực hiện cuộc thanh kiểm tra trên, Tổng cục Thuế cũng đã có cuộc tổng rà soát kết quả kinh doanh những năm gần đây đối với 5.531 doanh nghiệp FDI, chiếm khoảng gần 60% số doanh nghiệp FDI cả nước đang hoạt động trên cả nước. Qua đó, bức tranh lãi lỗ của các DN này cho thấy nhiều dấu hiệu đáng lo ngại.

Trong 5.531 doanh nghiệp FDI được kiểm tra trên, có tới 3.175 doanh nghiệp có số lỗ luỹ kế đến thời điểm đánh giá, chiếm 57,4%. Đặc biệt, có 529 doanh nghiệp báo cáo lỗ nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu, tập trung vào các ngành: dệt, may, da giày, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, chế biến và bảo quản nông sản, lâm sản, thuỷ sản...

Do nhiều doanh nghiệp báo cáo lỗ nên hiệu quả tài chính rất thấp. Lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2010 của các DN này chỉ đạt 10,26%, năm 2011 là 10,89%, tương đương lãi suất trái phiếu kho bạc.

Cùng với việc thường xuyên kê khai thua lỗ, các DN FDI này còn thường xuyên đề nghị hoàn thuế và không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, cũng hoạt động trong cùng điều kiện môi trường sản xuất kinh doanh như vậy, các doanh nghiệp độc lập khác trong nước vẫn kê khai có lãi và nộp thuế TNDN.

Tính theo địa bàn, nhiều tỉnh, thành phố tuy thu hút vốn FDI khá nhưng tỷ lệ FDI báo lỗ qua các năm cũng luôn luôn trên dưới 50%.

Tại TP.HCM, hiện tượng báo lỗ phổ biến nhất là ở các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công hàng xuất khẩu. Hiện, địa bàn này có 3.281 doanh nghiệp FDI đang hoạt động thì trên 50% số doanh nghiệp kê khai thua lỗ.

Ở Đà Nẵng, tính đến ngày 31/12/2012, trong 157 doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở thành phố này thì đã có 69 doanh nghiệp thường xuyên kê khai thua lỗ. Các DN báo lỗ này hoạt động đa dạng các ngành nghề từ gia công may mặc, giày dép, đồ điện tử, sản phẩm cơ khí, điện tử, gậy đánh bóng chày, cần câu cá đến kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng ăn uống. Dù lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng DN mở rộng quy mô đầu tư ngày càng lớn.

Tại Hải Phòng, tính đến hết năm 2012, trong số 247 doanh nghiệp FDI đang hoạt động thì có 109 doanh nghiệp thường xuyên kê khai thua lỗ, chiếm 44%. Năm 2011 số lỗ của 109 doanh nghiệp này là trên 1.200 tỷ đồng.

Ở nhiều địa phương, số DN FDI báo lỗ còn tăng tỷ lệ thuận theo số DN FDI đăng ký mới.

Chẳng hạn, tại Long An, năm 2006 có 84 doanh nghiệp FDI hoạt động sản xuất kinh doanh thì 49 doanh nghiệp kê khai thua lỗ tổng cộng 167 tỷ đồng. Đến năm 2010, cả tỉnh có 240 doanh nghiệp FDI hoạt động sản thì cũng có tới hơn một nửa kê khai thua lỗ tổng số 577 tỷ đồng. Năm 2011, số doanh nghiệp FDI tăng lên thì số DN lỗ cũng tăng, thua lỗ tổng cộng gần 1.440 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cho biết, dấu hiệu chuyển giá đã diễn ra từ nhiều năm nay. Ngay từ năm 2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 117/2005/TT-BTC hướng dẫn xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên liên kết.

Tuy nhiên, suốt từ năm 2006-2009, Bộ này hầu như chưa xử lý được trường hợp chuyển giá nào. Một số ít trường hợp chuyển giá khi đó bị cơ quan thuế phát hiện, xử lý nhưng doanh nghiệp khiếu kiện ra Toà án và khi Toà án giải quyết thì phần thắng lại thuộc về phía doanh nghiệp. Do vậy, tình trạng chuyển giá ngày càng gia tăng, phức tạp và với mức độ lớn.