Lực cản trì hoãn doanh nghiệp đổi mới công nghệ?

Trang Anh

(Tài chính) Điều tra Năng lực cạnh tranh và Công nghệ mới đây của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho thấy, tiếp cận tài chính luôn là một trở ngại phổ biến và vốn là lực cản chính khiến doanh nghiệp trì hoãn đầu tư cải tiến công nghệ.

Có tới 90% trong diện được điều tra cho biết, hiện họ chưa có chiến lược cải tiến công nghệ do gặp khó khăn về tài chính. Nguồn: internet.
Có tới 90% trong diện được điều tra cho biết, hiện họ chưa có chiến lược cải tiến công nghệ do gặp khó khăn về tài chính. Nguồn: internet.

Nhiều ưu đãi

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống ưu đãi tài chính cho chuyển giao công nghệ. Một số chính ách ưu đãi mới cũng được thể hiện qua Luật Khoa học công nghệ (KHCN) năm 2013, trong đó quy định, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho việc thực hiện nhiệm vụ KHCN. Các dự án của doanh nghiệp (DN) ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN để tạo ra sản phẩm mới hoặc nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm có thể được hỗ trợ đến 30% tổng vốn đầu tư; hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư cho dự án thực hiện ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư cho dự án thực hiện nhiệm vụ KHCN nghệ cấp quốc gia thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước.

Nhà nước cũng cung cấp một số lợi ích trực tiếp cho DN hoạt động trong các ngành trọng điểm thông qua các chương trình kinh tế - kỹ thuật trọng điểm quốc gia. Các chương trình này cung cấp vốn hỗ trợ trực tiếp cho DN hoạt động trong một số lĩnh vực cụ thể; thậm chí hỗ trợ có thể còn được mở rộng ra các dịch vụ của Nhà nước bao gồm tư vấn, chuyển giao công nghệ hoặc đào tạo. Ngoài ra, các chương trình KHCN trọng điểm cũng được xây dựng thành một phần của kế hoạch 5 năm. 

Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia thành lập theo Quyết định 1342/QĐ-TTg ngày 5/8/2013 với vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng từ NSNN. Quỹ có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp chuyển giao nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 120/2014/TTLT-BTC-BKHCN về hướng dẫn quản lý tài chính đối với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, thì nguồn vốn của Quỹ được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động sau:

Thứ nhất, tài trợ cho các dự án nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của doanh nghiệp; sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới; chuyển giao, hoàn thiện, sáng atoj công nghệ để sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia;

Thứ hai, tài trợ dự án ươm tạo công nghệ;

Thứ ba, tài trợ các đề tài nghiên cứ lập dự án nghiên cứu tiền khả thi, dự án khả thi cho tổ chức doanh nghiệp, cá nhân; đề tài nghiên cứu về tìm kiếm, giải mã công nghệ, khai thác sáng chế, cải tiến kỹ thuật cho phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến;

Thứ tư, tài trợ dự án nhân rộng, phổ biến, giới thiệu và chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ở khu vực nông thôn, miền núi;

Thứ năm, tài trợ dự án đào tạo nhân lực KHCN phục vụ việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ cho DN.

Đồng thời, chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020 mới ban hành năm 2014 còn hỗ trợ các tổ chức, DN một phần chi phí xây dựng thuyết minh dự án và một phần kinh phí thực hiện đối với dự án chuyển giao công nghệ có tính khả thi… Nhìn chung, việc tăng thêm các chính sách mới hỗ trợ DN đã cho thấy sự thúc bách của việc đẩy nhanh chuyển giao và ứng dụng công nghệ ở Việt Nam.

Chưa kể, nguồn vốn tự có của DN để đầu tư đổi mới và chuyển giao công nghệ: DN thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế để lập Quỹ phát triển KHCN của mình. Bên cạnh các ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập DN theo Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập DN năm 2013 cũng cho phép DN sử dụng vốn tự có để đầu tư vào KHCN có thể được giảm tới 10% thuế thu nhập và được khấu hao nhanh đối với trang thiết bị hình thành từ đầu tư công nghệ.

Mặc dù chính sách hỗ trợ cho đổi mới và chuyển giao công nghệ đã khá đầy đủ, Quỹ phát triển KHCN cũng đã đi vào hoạt động nhưng hiệu lực thực thi và kết quả thực hiện chưa có chuyển biến đáng kể. Phần lớn DN vẫn đổi mới, cải tiến công nghệ dựa vào vốn tự có của họ. Các công nghệ chuyển giao chủ yếu thông qua chương trình hợp tác ở cấp bộ và địa phương nên các kết quả thu được mang tính thực tiễn cao, thiếu vắng sự tham gia của DN.

Vẫn vướng về vốn!

Thời gian qua, chuyển giao công nghệ qua các dự án FDI vào Việt Nam đã tích cực hơn và có thể sẽ tích cực hơn trong những năm tới với dòng vốn FDI của một số quốc gia Đông Nam Á như Hàn Quốc và Nhật Bản. Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, thông qua các chương trình hợp tác công nghiệp hỗ trợ giữa Việt Nam – Hàn Quốc, năm 2015 Hàn Quốc có thể chuyển giao cho Việt Nam 100 công nghệ thuộc 4 lĩnh vực, bao gồm cơ khí chế tạo, dệt may – da giày, ô tô và điện – điện tử… Năm 2014 cũng ghi nhận chuyển giao công nghệ của Nhật Bản ở ngành Thủy sản như công nghệ đánh bắt cá ngừ đại dương. Các DN Việt Nam cũng đã nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết phải đổi mới, cải tiến công nghệ.

Tuy nhiên, mặc dù có những điểm mới chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ nhưng kết quả thực hiện vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Trở ngại khiến cho khoảng cách thực tế và chính sách chưa thu hẹp lại được vẫn là ở khâu “tài chính”. Báo cáo điều tra Năng lực cạnh tranh và công nghiệp ở cấp độ DN tại Việt Nam do CIEM thực hiện cho thấy, các trở ngại của doanh nghiệp phải đối mặt trải dài từ vấn đề về tài chính, nguồn nhân lực cho đến các vấn đề mang tính chất vĩ mô như sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, trong đó vấn đề tài chính được nhấn mạnh như là trở ngại chính mà DN gặp phải. DN không có khả năng đầu tư cho cải tiến công nghệ bởi những hạn chế về tín dụng hoặc không đủ vốn tự có. “Có tới 90% trong tổng số 8.000 DN được điều tra (trong thời gian 4 năm) cho biết, hiện họ chưa có chiến lược cải tiến công nghệ do gặp khó khăn về tài chính”, ông John Rand và Finn Tarp, Trường Đại học Copenhagen (UoC- Đan Mạch) nhìn nhận.

Báo cáo điều tra cũng cho biết một trong những lý do gây cản trở DN đầu tư công nghệ là do môi trường kinh doanh và điều kiện sản xuất kinh doanh của DN vẫn ở trong tình trạng khó khăn. “Phần lớn các DN Việt Nam dựa vào vốn chủ sở hữu để cải tiến công nghệ điều đó cho thấy khả năng đầu tư của DN bị hạn chế nguồn vốn có sẵn ví dụ như lợi nhuận giữ lại”, báo cáo nêu rõ.

Đánh giá của Ngân hàng thế giới về khu vực DN nhỏ và vừa cũng khẳng định, những trở ngại về tài chính thường diễn ra tại các nước đang phát triển, cả theo lý thuyết và dựa trên bằng chứng thực nghiệm, những khó khăn về tài chính thường rơi vào các DN quy mô nhỏ và vừa.

Thực tế, 98% DN nhỏ và vừa hoạt động hiện nay phần lớn gặp khó khăn về vốn. Hầu hết các DN chỉ có 25% vốn tự có, còn lại phải huy động ngoài với lãi suất cao nên khó có điều kiện để đầu tư công nghệ hoặc có đầu tư thì nguồn vốn cũng ít ỏi. Những năm gần đây, chi phí sản xuất đầu vào của DN tăng, lợi nhuận bị eo hẹp nên khó khăn trong đầu tư công nghệ càng lớn hơn.

Trong khi, tỷ lệ chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với DN trong nước còn thấp. Phần lớn công nghệ chuyển giao còn ở mức độ trung bình, một số ở mức thấp, lạc hậu; việc ứng dụng công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài còn yếu, hoạt động nghiên cứu - phát triển còn yếu; khả năng tiếp thu công nghệ nước ngoài của doanh nghiệp cũng còn hạn chế; hiệu lực thực thi chính sách đổi mới chuyển giao công nghệ còn thấp…

“Nếu doanh nghiệp không tăng được doanh thu thì sẽ khó có điều kiện đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ DN nhỏ và vừa về vấn đề này. “Đổi mới khoa học công nghệ sẽ giúp DN nhỏ và vừa tránh được nguy cơ giải thể, phá sản”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.