Nâng cao năng lực quản trị tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

PV.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 98% tổng số danh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, sử dụng tới 51% lao động xã hội, đóng góp hơn 40% GDP cho đất nước. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp này cũng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn từ việc quản trị tài chính chính doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khó khăn trong quản trị tài chính

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam hiện chiếm khoảng 98% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước, trong đó số DNNVV chỉ chiếm 2,2%, DN nhỏ chiến 29,6% và còn lại 68,2% là siêu nhỏ. Hàng năm, các DNNVV đã tạo ra hơn một triệu lao động mới; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cho đất nước.

DNNVV đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. DNNVV là nơi tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo…

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghê hiện nay, các DNNVV Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, buộc phải ngừng hoạt động, phá sản. Bên cạnh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thiếu thông tin, thế và lực yếu... thì sự yếu kém trong công tác quản trị tài chính là nguyên nhân quan trọng.

Thực tế, hiện nay, DNNVV chưa nhận thức đúng đắn vai trò quan trọng của quản trị tài chính. Thiếu tư duy và tầm nhìn trong lập kế hoạch cho hoạt động tài chính, khả năng kiểm soát tài chính DN còn yếu và thụ động. Cùng với đó, các lãnh đạo DN chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tác dụng tích cực của quản trị tài chính nên chưa quan tâm đúng mức việc lập các kế hoạch tài chính.

Đa phần quản lý DNNVV xuất phát  từ các xưởng sản xuất nhỏ, các tổ nhóm sản xuất, các hộ gia đình nên các chủ DN này thường quản trị DN theo cảm tính, sự thuận tiện, dựa trên cơ sở về quan hệ cá nhân và sự tin tưởng. Khi DN còn nhỏ, giám đốc có thể kiểm soát mọi việc thì có thể không có nhiều vấn đề nảy sinh. Nhưng khi DN lớn dần, phương pháp quản trị tài chính này trở nên khủng hoảng dẫn đến kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, phá sản trong khi bến bờ thành công ngay trước mặt và nếu có kế hoạch và kế sách tài chính tốt.

Bên cạnh đó, khả năng huy động vốn của DNNVV còn rất hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn tự có thường chiếm khoảng 50 - 70%, sau đó là huy động từ bạn bè người thân và các tổ chức tín dụng. Tiềm lực tài chính hạn hẹp, kinh nghiệm và trình độ quản lý tài chính hạn chế, các DNNVV khó có được niềm tin của nhà đầu tư nên ít tham gia các thị trường tài chính như thị trường chứng khoán, cho thuê tài chính.

Để tháo gỡ khó khăn…

Để tháo gỡ khó khăn cho DNNVV trong lĩnh vực quản trị tài chính, Nhà nước cần hỗ trợ cộng đồng DN này trong việc tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ quản trị DN nói chung và quản trị tài chính nói riêng.

Mặt khác, để DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi thủ tục, hồ sơ vay cần phải đơn giản, quy trình rõ ràng, tài sản thế chấp phải theo giá thị trường và nâng mức cho vay tối đa trên giá trị tài sản thế chấp.

Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích ngân hàng thương mại thành lập những kênh tài chính riêng cho các DNNVV và tăng mức dư nợ cho loại hình DN này; khuyến khích các ngân hàng thương mại thành lập phòng tín dụng dành cho DNNVV nhằm tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, cần có các kênh tín dụng linh hoạt khác như cho vay trên cơ sở dòng tiền hay bảo lãnh của bên thứ ba.

Đặc biệt, bản thân các DNNVV cần tự nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là năng lực quản trị tài chính là một trong những yếu tố then chốt để DN tồn tại và kinh doanh hiệu quả trong thời đại của toàn cầu hóa và công nghệ hóa tài chính.