Ngân hàng Nhà nước đã chọn giải pháp đỡ xấu hơn

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Đây là bình luận của TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia của Ngân hàng Sumitomo chi nhánh Singapore về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần.

Lần đầu tiên, NHNN tham gia tái cơ cấu một ngân hàng thương mại bằng cách tham gia góp vốn mua cổ phần. Nguồn: internet
Lần đầu tiên, NHNN tham gia tái cơ cấu một ngân hàng thương mại bằng cách tham gia góp vốn mua cổ phần. Nguồn: internet

Lần đầu tiên, NHNN tham gia tái cơ cấu một ngân hàng thương mại bằng cách tham gia góp vốn mua cổ phần cho dù việc này đã có quy định trong Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20.9.2013. Với quyết định này, NHNN sẽ trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB.

VNCB - tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trustbank). Tháng 5.2013, khi Tập đoàn Thiên Thanh và nhóm cổ đông mới tham gia, Trustbank đổi tên thành VNCB. Khi đó, Trustbank nằm trong diện phải tái cơ cấu của NHNN, vì vậy, việc tham gia của Thiên Thanh cũng nằm trong chủ trương tái cơ cấu ngân hàng yếu. Hơn một năm sau đó, tháng 7.2014, ông Phạm Công Danh và ông Phan Thành Mai, là Chủ tịch và Tổng giám đốc của VNCB bị khởi tố trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Vậy nên những khó khăn từ 2011 đến nay của ngân hàng này đã không thể giải quyết được dù có cổ đông mới tham gia và vì vậy, NHNN buộc phải chọn cách nắm 100% vốn để tái cơ cấu ngân hàng này.

Trong thông cáo báo chí của mình, NHNN khẳng định, với việc NHNN nắm quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tham gia quản trị, điều hành VNCB, VNCB có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Đồng thời, các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNCB sẽ tiếp tục được bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Bình luận về việc NHNN quyết định đứng ra quốc hữu hóa VNCB, Ts Phan Minh Ngọc, chuyên gia của Ngân hàng Sumitomo chi nhánh Singapore, cho rằng đây là giải pháp đỡ xấu hơn khi pháp luật về bảo hiểm tiền gửi chưa được sửa đổi và cho đến nay ở Việt Nam chưa từng có chuyện ngân hàng phá sản. Theo quy định hiện hành về chi trả bảo hiểm tiền gửi, khi một ngân hàng phá sản thì người gửi tiền chỉ được bồi thường ở mức tối đa là 50 triệu đồng bất kể gửi bao nhiêu tiền. Mức bảo hiểm này, theo Ts Phan Minh Ngọc, là quá ít, gây thiệt hại lớn cho không ít người gửi tiền khi VNCB bị cho phá sản. Nghiêm trọng hơn, nếu NHNN để VNCB phá sản, có thể sẽ tạo một tiền lệ để dân chúng thấy rằng những ngân hàng yếu kém khác cũng có thể theo vết xe đổ đó, để rồi một nỗi sợ hãi mang tính dây chuyền sẽ được kích hoạt trong cộng đồng những người đang gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và thúc giục họ đổ xô rút tiền ra sớm để bảo toàn tài sản của mình. Nếu không kiểm soát kịp thời thì nạn dịch đổ xô rút tiền sẽ lây lan rộng, kéo theo nhiều ngân hàng khác vốn đang khỏe mạnh cũng lâm vào khủng hoảng thanh khoản, đe dọa đến tính ổn định của toàn hệ thống ngân hàng.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cũng khẳng định, quốc hữu hóa là một động thái khôn khéo để ngân hàng tự phục hồi. Khi ngân hàng phát triển ổn định trở lại, NHNN triển khai sáp nhập vào một ngân hàng khác để giảm đầu mối và cũng không loại trừ việc bán cho một ngân hàng khác thu hồi vốn nhà nước về.

Tuy nhiên, đó là kịch bản lạc quan. Trong trường hợp xấu hơn, ngân hàng này sẽ từ từ biến mất, và tuy không ảnh hưởng đến hệ thống nhưng ngân sách nhà nước – tức tiền thuế của nhân dân – sẽ bị mất một khoản không nhỏ.

Theo nhận định của một số chuyên gia tài chính, khi NHNN quốc hữu hóa VNCB, việc tái cơ cấu ngân hàng này có chiều hướng khả quan. Người ta cũng nhớ lại rằng, cách đây hơn chục năm, Vietcombank đã từng đóng vai trò hỗ trợ cho một ngân hàng yếu kém (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank). Đến nay, Eximbank đã trở thành một trong những ngân hàng lớn. Mặc dù Vietcombank đã thất bại trong giai đoạn đầu hỗ trợ VNCB – chủ yếu vì không đủ nguồn lực tài chính, nhưng nay, NHNN đã là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB và có thể cung cấp một lượng vốn dồi dào vào ngân hàng này. Kinh nghiệm quản trị, điều hành của Vietcombank cùng sự hậu thuẫn của NHNN sẽ mang đến khả năng hồi phục tích cực cho VNCB.