“Nhận diện” khó khăn của doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng

PV.

(Tài chính) Theo số liệu thống kê, trong năm 2013 có khoảng 60.700 doanh nghiệp (DN) phải giải thể, ngừng hoạt động, tăng 11,9% so với 2012 và tăng 12,5% so với 2011. Cần vốn để duy trì hoạt động kinh doanh thế nhưng hầu hết các DN không thể tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng. Ngoài những nhân tố khách quan như lãi suất cho vay cao dẫn đến tình trạng trên thì không thể phủ nhận là cũng có những nguyên nhân chủ quan từ chính các DN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo phản ánh của các tổ chức tín dụng, hiện nay nguồn tiền trong hệ thống ngân hàng đang dư thừa, tuy nhiên, dù DN “đói vốn” nhưng ngân hàng vẫn quyết “ôm tiền”…

Tài sản bảo đảm không “đảm bảo”

Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện vay vốn ngân hàng, ngoài các tiêu chí định lượng, định tính về kết quả kinh doanh và khả năng sinh lời, DN cần có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít DN khi vay vốn cũng không đảm bảo thực hiện được tiêu chí này. Có thể kể đến một số nguyên nhân chính như sau:

Một là, hiện nay, do chi phí để đăng ký giấy phép quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản cố định lớn, cùng với nhiều thủ tục hành chính rườm rà đang là rào cản lớn đối với DN khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Chính vì lý do đó, nếu có nhu cầu vay vốn, DN không có đủ hoặc không có những giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản cố theo quy định nên ngân hàng không thể tiến hành cho DN vay vốn.

Hai là, đối với những hồ sơ vay vốn nhưng thiếu tài sản bảo đảm, ngân hàng thương mại sẽ đề nghị thế chấp tài sản của bên thứ ba nhưng không được đại diện DN hoặc người có liên quan đến DN đồng ý. Điều này là bất hợp lý và gây khó khăn cho ngân hàng bởi nền kinh tế thị trường luôn tiềm ẩn những biến động khó lường trước. Trong khi đó, ngân hàng cũng là một DN kinh doanh tiền tệ, luôn phải tính đến lợi nhuận và rủi ro. Chính vì vậy, DN cần nguyên túc chấp hành những quy định của pháp luật về thủ tục vay vốn để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp dự án bất động sản được chủ đầu tư thế chấp để vay vốn tại các ngân hàng thương mại, sau đó lại được chính ngân hàng cho khách hàng vay tiền để mua các căn hộ của chính dự án bất động sản đó. Như vậy, ngân hàng đã giải ngân vốn 2 lần cho cùng một tài sản đảm bảo, nếu có rủi ro xảy ra thì thiệt hại kinh tế là rất lớn.

Báo cáo tài chính thiếu minh bạch

Theo đánh giá của các cán bộ tín dụng, báo cáo tài chính của các DN thường thiếu minh bạch và không thống nhất. Trong khi đó, khi quyết định việc cho một DN vay vốn thì ngân hàng thường quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng sinh lời của DN. Chính vì vậy, để làm đẹp thủ tục xin vay vốn, không ít DN đã chỉnh sửa báo cáo tài chính theo đúng tiêu chuẩn quy định do ngân hàng đặt ra. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của ngân hàng, đồng thời làm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng gia tăng.

Tuy nhiên, do chế độ xử phạt đối với các báo cáo tài chính chưa thật sự mang tính răn đe nên hiện nay nhiều DN vẫn đang lựa chọn cách tô đẹp báo cáo tài chính như một lựa chọn dễ dàng và đơn giản mà không nghĩ đến những hệ lụy của tổng thể kinh tế.

Thêm vào đó, các chuẩn mực kế toán hiện hành của Việt Nam chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán theo thông lệ quốc tế. Trong khi đó, việc phân loại khách hàng DN để cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay lại đang dựa theo chuẩn mực quốc tế. Đây cũng chính là một rào cản lớn khiến cho nguồn cung – cầu của nguồn vốn chưa thể gặp nhau.

Tìm đủ cách để trốn thuế

Bên cạnh nhiều DN dù hoạt động kinh doanh không hiệu quả nhưng đang cố “vẽ” ra báo cáo tài chính khả quan, có năng lực quản trị tốt thì một số DN lại cố tình thực hiện hành vi gian lận thuế, trốn thuế nhằm đạt được lợi ích kinh tế riêng như hạch toán tăng chi phí không thực tế, gian lận thuế giá trị gia tăng… Điều này gây ra sự bất công đối với đa số những DN làm ăn chân chính, đang đóng góp không nhỏ cho sự phát triển và tăng trưởng bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề nan giải đối với DN khi có nhu cầu vay vốn, với một kết quả kinh doanh kém hiệu quả, khi thực hiện phân loại khách hàng, ngân hàng không thể thực hiện cho vay vốn bởi lo ngại nợ xấu của ngân hàng tăng cao.

Chính vì lý do đó, để đảm bảo tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong cộng đồng DN cũng như nâng cao khả năng vay vốn ngân hàng, DN cần phải đề cao ý thức tự giác kê khai và hoạch toán đúng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Năng lực quản trị DN yếu kém

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để làm nên sự thành công của một DN là năng lực quản trị của DN đó. Đây cũng là một trong những yếu tố để ngân hàng mở rộng cánh cửa cho vay đối với DN. Thế nhưng, phần lớn các DN ở Việt Nam đều trưởng thành và phát triển từ kinh nghiệm thực mà không được đào tạo bài bản nên dẫn thiếu những kỹ năng cần thiết để xử lý khi có những tình huống bất ngờ phát sinh.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang từng bước hội nhập và phát triển với nền kinh tế thế giới, điều này không chỉ mang đến nhiều cơ hội và còn là thách thức không nhỏ đối với các DN trong nước. Chính vì vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình, DN Việt Nam cần không ngừng trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn; cơ cấu hệ thống tổ chức; xây dựng chiến lược kinh doanh mới… Chính sự chuyên nghiệp và chủ động của DN trong việc lựa chọn chiến lược phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh là một trong yếu tố quan trọng để ngân hàng thương mại quyết định cho DN vay vốn.

Để tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh, DN cần nhanh chóng khắc phục những vấn đề trên. Có như vậy, nền kinh tế Việt Nam mới thực sự được thúc đẩy và phát triển bền vững, đem lại những giá trị lợi ích cho cả DN và ngân hàng.