Thêm nhiều ngân hàng ngoại sắp vào Việt Nam

Theo baodautu.vn

(Taichinh) - TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV, chuyên gia kinh tế nhận xét, cuối năm 2015, đầu năm 2016, sẽ có thêm nhiều ngân hàng nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam, nhất là khi mức độ mở cửa theo cam kết có thể lên tới 70%, thay vì 30% như hiện nay.

 Thêm nhiều ngân hàng ngoại sắp vào Việt Nam  - Ảnh 1

TS. Cấn Văn Lực
Phóng viên: Cuối năm nay, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành, mức độ mở cửa ngành ngân hàng theo cam kết hội nhập AEC như thế nào và liệu có làn sóng ngân hàng ngoại tràn vào Việt Nam không, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Việc ngân hàng của các nước khu vực đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn là chắc chắn. Theo lộ trình cam kết hội nhập, sắp tới, Việt Nam sẽ phải mở cửa lên đến 70% cho sở hữu nước ngoài vào ngành ngân hàng. Hiện tại, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30% (nếu cao hơn phải được chấp thuận của Chính phủ), đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán là 49%.

Cho nên, theo tôi, năm 2016, sẽ có thêm nhiều ngân hàng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Việc mở cửa với mức độ lớn hơn sẽ tạo nhiều cơ hội cho ngân hàng trong nước tìm nhà đầu tư, đối tác chiến lược, song cũng đặt ra không ít thách thức. Vì thế, ngân hàng trong nước cần có biện pháp ứng phó.

Về mặt lý thuyết, mức độ mở cửa ngành ngân hàng lên tới 70% từ cuối năm nay, song trên thực tế, dường như Ngân hàng Nhà nước chưa có ý định nới thêm “room” cho nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực này?

Xét về lộ trình cam kết chung, thì phải mở cửa 70%, song ASEAN cho phép có ngoại lệ (ASEAN Minus X), một số nước kém phát triển hơn thì được phép có lộ trình hội nhập dài hơn. Vì vậy, cuối năm nay, Việt Nam có thể chưa phải mở cửa ngay ở mức 70% đối với ngân hàng, mà có thể chọn phương án mở cửa 40%, 50% hoặc 60%, điều này tùy thuộc vào kết quả đàm phán của Chính phủ.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng nước ngoài bày tỏ ý định mua lại ngân hàng Việt Nam và đã bắt đầu tìm hiểu, thương thảo với đối tác trong nước. Tuy nhiên, vẫn chưa có thương vụ nào thành công. Theo ông, đâu là lý do?

Có khá nhiều nguyên nhân, song theo tôi, nguyên nhân lớn nhất là các bên không thống nhất được việc định giá doanh nghiệp. Định giá doanh nghiệp ở nước ta phải làm tốt hơn, minh bạch hơn, muốn vậy phải có những tổ chức định giá độc lập.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là thủ tục hành chính không nên quá phức tạp, quá lâu vì sẽ làm mất cơ hội. Khi nhà đầu tư đã chốt thương vụ, họ muốn làm nhanh, nếu chậm quá, họ sẽ rút lui để tìm cơ hội khác. Cho nên, việc phê duyệt thủ tục hành chính phải nhanh hơn nữa.

Theo ông, tới đây, khi đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài sẽ lựa chọn con đường nào?

Điều này phụ thuộc vào chiến lược, khả năng vốn và việc đánh giá, nhận định thị trường của các ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, thông thường, khi rót vốn vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài thường đi từng bước một. Bước đầu là lập văn phòng đại diện, tiếp đến lập chi nhánh hoặc liên doanh, sau đó là thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc có thể bỏ tiền mua 100% cổ phần của ngân hàng trong nước. Việc quyết định đường đi, nước bước tùy thuộc chiến lược và khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng nước ngoài.

Hội nhập không chỉ khiến ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn, mà cũng mở ra cơ hội cho ngân hàng Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Thời gian qua, một số ngân hàng Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư sang các nước trong khu vực, song hiệu quả dường như còn khá thấp?

Hiện tại, một số ngân hàng lớn của Việt Nam đã mở rộng đầu tư sang các nước ASEAN, đặc biệt Lào, Campuchia, Myanmar... Đầu tư ra nước ngoài không dễ dàng, nhưng tôi khẳng định là có hiệu quả. Các ngân hàng, trong đó có BIDV đang làm ăn tốt tại Lào, Campuchia... với lợi nhuận hấp dẫn hơn ở Việt Nam: ROE đạt tới hơn 10%, con số này không dễ đạt được ở Việt Nam. Chưa kể, khi đầu tư sang Lào, Campuchia và sắp tới là Myanmar, lợi ích mà Việt Nam đạt được không chỉ thuần túy là kinh tế, mà còn là chính trị.

Ngân hàng Nhà nước đang định hướng sẽ có 1-2 ngân hàng trong nước đạt tầm khu vực trong thời gian sắp tới. Liệu điều này có khả thi không, nếu xét thực lực của hệ thống ngân hàng, thưa ông?

Phải đi nhanh hơn thì mới khả thi. Hiện trình độ quản trị của các ngân hàng Việt Nam có thể không thua ngân hàng các nước trong khu vực, nhưng quy mô còn nhỏ bé, sản phẩm, dịch vụ, chất lượng... còn ít, kém hơn so với các ngân hàng khu vực. Chúng ta cần đi nhanh hơn bằng các hình thức như mua lại, thâu tóm, liên kết... và tập trung nhiều hơn vào công nghệ, con người thì may ra mới có thể sớm có một số ngân hàng tầm khu vực.