Tiết giảm chi phí - Giải pháp tháo gỡ khó khăn hữu hiệu

Theo Đại biểu Nhân dân

Nhìn lại kết quả thực hiện nhiệm vụ của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong năm 2012 thì việc tiết giảm 5% các khoản chi phí theo tinh thần Nghị quyết 01 của Chính phủ được xem là khá thành công, bởi rất nhiều tập đoàn kinh tế đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu này. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thì năm 2013, việc tiết kiệm, tiết giảm tối đa các loại chi phí để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thương trường vẫn đang được coi là giải pháp tháo gỡ khó khăn hữu hiệu nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đến nay, đã có rất nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã công bố các con số tiết giảm được trong năm 2012 đạt và vượt xa nhiều so với kế hoạch đã ký với Bộ Tài chính hồi đầu năm, ví như Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã tiết giảm được 1.700 tỷ đồng, vượt hơn 700 tỷ đồng so với cam kết (986 tỷ đồng). Để đạt được con số này, các doanh nghiệp của ngành than đã tập trung rất nhiều giải pháp, từ chú trọng nâng cao giá trị hòn than, tăng cường quản lý tài nguyên, giảm tỷ lệ tổn thất trong quá trình khai thác. Ngay cả các trường đào tạo nghề của ngành này cũng không ngừng phát huy các sáng kiến cải tiến phương pháp giảng dạy để tiết giảm chi phí đầu tư mô hình học cụ. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã công bố tổng giá trị tiết kiệm trong năm 2012 là 1.846 tỷ đồng, vượt 46 tỷ đồng so với ký cam kết với Bộ Tài chính. Để làm được điều này, bên cạnh việc nỗ lực truyên truyền các giải pháp tiết kiệm điện đến từng người dân, EVN đã chủ động tiết giảm tổn thất điện năng trên đường truyền tải và toàn ngành cũng như giao khoán cho các đơn vị thành viên. Giám đốc Công ty thủy điện Yaly Tạ Văn Luận cho biết, Yaly là đơn vị hạch toán phụ thuộc thì những chi phí bằng tiền, chi phí sửa chữa lớn phải tiết giảm 5% thì Yaly cũng đã triệt để chấp hành quy định này và năm 2012 Yaly cũng đã vượt cao hơn quy định của EVN…

Đáng ghi nhận là những con số mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam công bố, không chỉ nộp ngân sách nhà nước cao nhất - đạt 187 nghìn tỷ đồng -vượt 52,26 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch, tập đoàn này đã tiết giảm được 5.104 tỷ đồng, bằng 137,4% so với kế hoạch đã cam kết (3.715 tỷ đồng), trong đó, tiết kiệm từ chi phí quản lý đạt hơn 1.400 tỷ đồng, gấp 2,4 lần kế hoạch; tiết kiệm từ đầu tư xây dựng cơ bản đạt 1.241 tỷ đồng, gấp 2,5 lần kế hoạch và tiết kiệm từ cải tiến hóa sản xuất 2.461 tỷ đồng…

Mặc dù các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tiến hành tổng kết năm 2012, nhưng cho đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có con số thống kê về việc thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí của tất cả các đơn vị ký cam kết theo tinh thần Nghị quyết 01 của Chính phủ. Song, nhìn vào những con số được công bố của các tập đoàn, có thể tiên lượng: ngân sách sẽ đạt được nhiều hơn mục tiêu tiết giảm khoảng 13.000 tỷ đồng từ 87 tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã ký cam kết trong năm 2012. Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, tiềm năng tiết kiệm của các doanh nghiệp còn rất lớn. Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2013 của ngành than, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, tiết giảm chi phí vẫn là một trong những giải pháp trọng tâm để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, tăng thu nhập cho người lao động trong điều kiện còn nhiều khó khăn của nền kinh tế.

Nhìn vào kết quả đạt được của các tập đoàn, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện tiết giảm chi phí theo tinh thần Nghị quyết 01 của Chính phủ trong năm qua, cho thấy, nếu làm tốt, mỗi năm sẽ làm lợi cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng. Kết quả ấy cũng cho thấy thời gian qua, công tác tiết kiệm vẫn chưa được chú trọng, điều này cũng đồng nghĩa với việc còn lãng phí trong chi tiêu công. Vì vậy, tiết giảm và tiết giảm hơn nữa không chỉ là lời kêu gọi hay cam kết theo phong trào. Nó cần phải trở thành nhiệm vụ, giải pháp sống còn trong mỗi doanh nghiệp.