Tìm lợi ích từ vốn ngoại

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Theo các chuyên gia kinh tế, để thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) khi khối ngoại đang có lợi thế tín dụng giá rẻ từ ngân hàng mẹ, các ngân hàng trong nước phải khai thác triệt để mảng dịch vụ tài chính trong khối DN ngoại.

Tìm lợi ích từ vốn ngoại
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Sau một thời kỳ đạt tăng trưởng kinh tế có đóng góp từ các DN FDI, các nhà kinh tế bắt đầu đặt ra vấn đề là quốc gia tiếp nhận vốn đang được hưởng lợi gì khi khu vực FDI luôn nhận được các ưu đãi hơn hẳn công ty trong nước.

Điều đầu tiên, dễ nhận biết là trong khi các chính sách ưu đãi tiền thuê đất, chính sách thuế,… luôn hướng về khối FDI nhưng các DN khối này lại rất ít sử dụng các dịch vụ nội địa. Ví dụ như trong lĩnh vực dịch vụ tài chính – ngân hàng, đại diện Công ty Furukawa Automotive Parts Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận) cho biết: khi dự định mở rộng đầu tư, thay đổi dây chuyền thiết bị máy móc để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới, công ty xác nhận sẽ sử dụng nguồn vốn được chuyển từ công ty mẹ ở Nhật Bản sang Việt Nam chứ không sử dụng nguồn vốn vay của các ngân hàng Việt Nam.

Tương tự, ông Trần Tiến Phát, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Datalogic Scaning Việt Nam (Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh) cho biết thêm, phần lớn các DN FDI khi có nhu cầu về vốn đều sử dụng nguồn tiền từ chính công ty mẹ chuyển qua hoặc vay từ các định chế tài chính, ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam mà công ty mẹ đã có mối quan hệ từ trước. Bởi nguồn vốn vay ngoại tệ của DN FDI trung bình ở mức 2-3%/năm, thậm chí chỉ có 1,6%/năm, trong khi đó muốn vay vốn ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng trong nước lãi suất ít nhất cũng khoảng 4-5%/năm.

Theo ông Phát để thuận tiện cho việc kinh doanh, mỗi khi có nhu cầu về vốn, Datalogic Scaning sẽ làm việc trực tiếp với các ngân hàng quốc tế tại Việt Nam như PNB Parisbas (Cộng Hòa Pháp) chứ không làm việc với ngân hàng trong nước vì vấn đề thời gian, thủ tục không đáp ứng được sự luân chuyển của dòng tiền. Ngoài vấn đề tiện lợi về thủ tục, lãi suất khi quan hệ tín dụng từ các ngân hàng quốc tế, do công ty vẫn phải sử dụng đến hơn 80% nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài để sản xuất do ngành công nghiệp phụ trợ trong nước chưa đáp ứng được, nên chi phí thanh toán, giao dịch cũng tiết kiệm đáng kể.

Phần lớn các DN FDI hiện đang hoạt động tại Việt Nam khi có nhu cầu đầu tư, mở rộng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất đều phụ thuộc vào hai nguồn tài trợ chính là công ty mẹ và vay từ các ngân hàng nước ngoài. Thế nên những lợi ích mà ngân hàng trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của khối ngoại đến nay không đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Tố Hương, Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh Nam Sài Gòn cho rằng, ngoài lý do nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài không có nhu cầu sử dụng nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng trong nước vì lãi suất không hấp dẫn thì ngược lại những quy định của chúng ta để cấp tín dụng đối với các DN này còn nhiều ràng buộc.

Do vậy, lợi ích chính mà các ngân hàng trong nước có thể khai thác từ các DN FDI đến nay mới chỉ dừng lại ở các dịch vụ chuyển tiền, mở thẻ, trả lương cho công nhân. Việc các ngân hàng nội tham gia cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho các DN FDI mới chỉ khiêm tốn ở mức độ huy động tiền gửi là chính vì các DN FDI thông thường dồi dào ngoại tệ, thiếu tiền đồng.

Việc ngân hàng nước ngoài theo sau các DN FDI để cung ứng dịch vụ tài chính là một thực tế, theo ông Masaki Yamashita, Giám đốc Bank of Tokyo – Mitsubishi UFJ- HCMC, ngân hàng này sẽ hỗ trợ hết mình các DN Nhật mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên ông Masaki Yamashita cũng nhắc nhở các DN Nhật nên tận dụng các dịch vụ tín dụng tại chỗ để được nhanh chóng thuận tiện. Rõ ràng, thực tiễn không phải không có nhu cầu giao dịch tín dụng hoặc kinh doanh dịch vụ ngân hàng, vấn đề là các ngân hàng trong nước cung cấp dịch vụ tài chính có thuận tiện ngang bằng với ngân hàng ngoại?

Mới đây VietinBank phối hợp với Tổ chức tài chính JFC của Nhật Bản và Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản tại Việt Nam gặp gỡ 50 DN Nhật đang làm ăn tại Việt Nam để ngân hàng Việt Nam này giới thiệu các gói dịch vụ tài chính đến DN FDI. Chẳng hạn thư tín dụng dự phòng của VietinBank với những ưu điểm, ưu đãi, lãi suất thấp, quy trình thủ tục nhanh gọn cho DN nhỏ của Nhật đang hoạt động tại Việt Nam.

Song song với đó JFC cũng đưa ra dịch vụ bảo lãnh vay vốn tại VietinBank để mua sắm trang thiết bị hoặt cung cấp vốn dài hạn theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và dự án đầu tư. Theo đó kỳ hạn vay của các sản phẩm cung cấp hợp tác giữa hai định chế tài chính này có kỳ hạn 1-5 năm bằng VND với lãi suất thả nổi, được điều chỉnh định kỳ giúp DN tiếp cận vốn tránh được rủi ro tỷ giá, ngân hàng mở rộng được dịch vụ và đa dạng hóa nguồn vốn.

Theo các chuyên gia kinh tế, để thu hút nguồn lực từ các DN FDI khi khối ngoại đang có lợi thế tín dụng giá rẻ từ ngân hàng mẹ, các ngân hàng trong nước phải khai thác triệt để mảng dịch vụ tài chính trong khối DN ngoại.