VAMC không dễ bán nợ xấu

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Nỗ lực đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ xấu của VAMC - Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện mới chỉ dừng lại ở bước "ôm" nợ vào. Còn việc bán nợ, xử lý tài sản bảo đảm, có thể sẽ gặp phải không ít khó khăn về cơ chế chính sách, thanh khoản thị trường, tâm lý kháng cự của chủ tài sản...

Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 2/2014 đã chiếm tới 3,86% tổng dư nợ. Nguồn: internet
Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 2/2014 đã chiếm tới 3,86% tổng dư nợ. Nguồn: internet

Năm 2014, bên cạnh việc triển khai rốt ráo mua nợ xấu từ các TCTD, VAMC cũng đặt mục tiêu sẽ tiến hành bán nợ. Tuy vậy, những khoản nợ xấu mua về cần phải được sàng lọc, đánh giá lại xem có cần thiết phải bán đi, hay vẫn còn giải pháp khác khả dĩ hơn để cơ cấu lại, thu hồi được nợ.

Vừa mua, vừa gỡ nợ xấu…

Theo VAMC, đến tháng 5/2014, công ty đã mua được 45.200 tỷ đồng nợ gốc của 2.039 khoản nợ xấu từ 35 TCTD, tương ứng giá trị trái phiếu đặc biệt là 37.745 tỷ đồng. Một số khoản nợ mua về đã được VAMC xem xét, đánh giá và điều chỉnh giảm lãi suất về mức 10,7%/năm để hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp (DN) có khả năng phục hồi…

Lãnh đạo VAMC cũng cho hay hiện đang triển khai thêm nhiều giải pháp nhằm xử lý nợ như giảm giá, điều chỉnh kỳ hạn, hỗ trợ bảo lãnh vay vốn cho DN… Nếu khoản nợ có tài sản bảo đảm là bất động sản dở dang, có thể chấp nhận cho DN bổ sung thêm các tài sản hình thành trong tương lai, để làm sao tiếp cận được vốn vay. Cách làm này sẽ phần nào gỡ khó cho DN trước các điều kiện cấp tín dụng khắt khe.Với hoạt động mua nợ trong 9 tháng qua, VAMC đã "dọn" được một phần đáng kể nợ xấu ra khỏi sổ sách của các TCTD. Dĩ nhiên, những khoản nợ xấu được chọn mua phải đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn như có tài sản bảo đảm, tài sản hợp pháp, không tranh chấp, con nợ - DN còn hoạt động, có khả năng phục hồi…

Nhiều ngân hàng có nợ xấu lớn, vượt ngưỡng an toàn (trên 3% dư nợ) hoặc áp lực giảm nhanh nợ xấu trên sổ sách, đã buộc phải bán nợ sang cho VAMC. Giải pháp tình thế này, dĩ nhiên chỉ giúp tạm "gói ghém" nợ xấu lại và có khả năng "bung" ra nếu không tích cực xử lý.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 2/2014 đã chiếm tới 3,86% tổng dư nợ, tương ứng khoảng 122.000 tỷ đồng. Tỷ lệ này có thể tăng vọt lên tới 9,71%, khoảng 308.000 tỷ đồng nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu theo Quyết định 780.

Diễn biến nợ xấu cụ thể tại các ngân hàng trong quý I/2014 cũng đang có dấu hiệu tăng trở lại, bất chấp những nỗ lực xử lý tích cực và quy định mới có phần "dễ thở" hơn. Dẫn chứng là tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng đã tăng, như ACB tăng lên 3,27%, DongAbank và PG bank cũng chạm ngưỡng 4%, Sacombank đã tăng lên 1,86%...

Ở một số nhà băng lớn, nợ xấu được kiểm soát ở tỷ lệ an toàn, song xét về chất lượng lại đáng ngại khi nợ xấu nhóm 5, có khả năng mất vốn, lại bất ngờ tăng mạnh. Ví như, nợ mất vốn của Vietcombank tăng 10%, tương ứng 3.058 tỷ đồng; nợ mất vốn của BIDV tăng 32% lên hơn 5.561 tỷ đồng...

Dù không tiết lộ cụ thể, nhưng cuối năm 2013, Vietcombank đã rà soát, quyết định bán hàng loạt khoản nợ của nhiều DN sản xuất khó khăn, thua lỗ như Công ty TNHH MTV Tôn Vinashin, Công ty CP Thép Đình Vũ, Công ty CP XNK Bình Định, Công ty TNHH Thương mại Hà Thanh, Công ty CP sản xuất Thiên Sơn… Động thái này của Vietcombank cho thấy, ngân hàng đang chịu áp lực phải "dọn" nợ xấu nhanh chóng và giải pháp cơ cấu, tự xử lý nợ cho DN không thể kéo dài thêm.

Nhưng siết chặt đấu giá tài sản

Việc bán thanh lý tài sản là khâu cuối của quá trình kiện đòi nợ khách hàng, mà ngân hàng đã phải rất vất vả theo đuổi vụ kiện để được phép thu giữ, xử lý tài sản, thu hồi nợ vay. Mỗi vụ kiện đòi nợ có thể kéo dài hàng năm trời, hoặc lâu hơn nữa tùy thuộc vào ý chí, thương thảo giữa ngân hàng – con nợ, các tranh chấp pháp lý phát sinh…

Tuy nhiên, quy định mới về bán đấu giá tài sản mà Bộ Tư pháp đang soạn thảo có thể gây khó, kéo dài quá trình xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng. Chẳng hạn, dự thảo quy định: tài sản bán đấu giá có giá trị 10 tỷ đồng trở lên, công ty quản lý tài sản phải thuê đơn vị chuyên nghiệp tổ chức bán đấu giá, có đấu giá viên có bằng cấp điều hành cuộc đấu giá. Sau 2 lần đấu giá thất bại mới được thực hiện các biện pháp bán tài sản khác…Nhưng thực tế, giá trị tài sản luôn có sự biến động tăng/giảm theo giá thị trường và tùy theo từng tài sản, ngân hàng có phương án xử lý khác nhau, miễn sao nhanh chóng thu hồi được nợ.

Hơn nữa, phần lớn dư nợ vay được đảm bảo bằng bất động sản, tài sản hình thành trong tương lai, có tranh chấp với nhiều chủ nợ… Do đó, việc siết chặt quy định về bán đấu giá tài sản có thể khiến quá trình xử lý nợ xấu, tài sản xấu bị kéo dài, gây thiệt hại thêm cho các chủ nợ, con nợ.

Trở lại vấn đề mua bán nợ của VAMC, công ty này hiện đã "ôm" khoảng 45.200 tỷ đồng của hơn 2.039 khoản nợ xấu và có hướng sẽ bán nợ cho các đối tác, nhà đầu tư.

Đi kèm với khối lượng nợ xấu lớn, VAMC sẽ phải rà soát, phân tích, đánh giá khối tài sản bảo đảm, chủ yếu là bất động sản. Có điều, các ngân hàng đã không "kham" nổi khối nợ này thì liệu VAMC có xử lý được không?

Trường hợp phải xử lý, bán đấu giá khối lượng tài sản lớn, VAMC sẽ mất khá nhiều thời gian, chi phí để đàm phán, thống nhất được với ngân hàng, DN, chủ tài sản… để có thể "chốt" được phương án bán tài sản, thu nợ như kỳ vọng.