Vietnam Airlines trụ vững trước áp lực cạnh tranh

Theo VIR

“Cạnh tranh khốc liệt chưa từng thấy” là đánh giá của Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines (VNA) Phạm Viết Thanh về diễn biến thị trường hàng không nội địa tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh 2012, kế hoạch năm 2013 và công tác cổ phần hóa Hãng hàng không quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì diễn ra vào giữa tuần này.

Quốc tế “đỡ” nội địa

“Cạnh tranh khốc liệt chưa từng thấy” là đánh giá của Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines (VNA) Phạm Viết Thanh về diễn biến thị trường hàng không nội địa tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh 2012, kế hoạch năm 2013 và công tác cổ phần hóa Hãng hàng không quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chủ trì diễn ra vào giữa tuần này. Tuy vậy, nhưng theo báo cáo của VNA, năm 2012, với khoản lợi nhuận vượt xấp xỉ 2,5 lần năm ngoái và là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới có lãi, VNA đang tự gia tăng hấp lực đáng kể trước đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến diễn ra trong năm tới.

Theo lãnh đạo VNA, tình hình thị trường hàng không nội địa năm nay còn “tối” hơn cả dự báo. Cụ thể, sau nhiều năm tăng trưởng, lần đầu tiên, tổng lượng vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa cả nước giảm trên 5% so với năm liền kề trước đó. Trong khi đó, việc VietJetAir liên tục tăng tải và duy trì mức giá thấp đã tạo ra cuộc chạy đua giành khách khốc liệt trên các đường bay “vàng”. Vì thế, tính đến giữa tháng 12/2012, VNA chỉ còn kiểm soát được 69,7% thị phần nội địa, giảm 4,47% so năm 2011.

“Từ đầu năm 2012 đến nay, đã ba lần VNA phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh”, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc VNA cho biết.

Trước những khó khăn cộng dồn, VNA đã thực hiện hàng loạt các biện pháp như tiết kiệm và cắt giảm chi phí (tổng chi phí tiết kiệm năm 2012 ước đạt 570,3 tỷ đồng), đồng thời, hãng đã điều hành sản phẩm linh hoạt, giảm bớt tải cung ứng trên những đường bay có nhu cầu giảm, cũng như tận dụng mọi cơ hội tăng tải để tăng doanh thu. Cụ thể, Tổng công ty đã điều chỉnh linh hoạt khoảng 3.060 chuyến bay hai chiều, cắt giảm so với kế hoạch gần 3.600 giờ bay. Ước tính, việc điều chỉnh linh hoạt sản phẩm giúp VNA tiết kiệm thêm khoảng 400 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo VNA, một trong những điểm sáng của họ trong năm 2012 chính là việc các đường bay quốc tế có tốc độ tăng trưởng tốt, bất chấp việc phải cạnh tranh với các hãng hàng không tên tuổi trên thế giới. VNA đã vận chuyển được 5,37 triệu lượt khách quốc tế, tăng 11,9% so với năm ngoái; chiếm 40,6% toàn thị phần.

“Hệ số sử dụng ghế quốc tế năm 2012 của hãng đạt tới 75,6%, đã gánh đỡ khó khăn cho thị trường nội địa”, ông Thanh chia sẻ.

Trên thực tế, nếu không linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cộng với tiết kiệm tối đa chi phí, VNA chắc chắn sẽ không thể đạt tổng doanh thu 50.891 tỷ đồng (tăng 6,3%), lợi nhuận đạt 69,8 tỷ đồng (tăng 239%) so với năm 2011. Hiện VNA vẫn đảm bảo tốt cân đối thu chi và ổn định thu nhập của người lao động; các chỉ tiêu tài chính ổn định với dòng tiền thuần cuối kỳ đạt 1.600 tỷ đồng.

Tạo đà cho tái cơ cấu

Cần phải nói thêm rằng, trong số các chỉ tiêu kinh doanh năm 2013 của VNA phải điều chỉnh giảm, đáng lưu ý là, thị phần vận tải khách nội địa được Hãng dự báo sẽ chỉ còn 61,6%, giảm 8,2 điểm phần trăm so với năm 2011.

Tuy nhiên, bất chấp những dự báo thị trường năm 2013 tiếp tục diễn biến xấu, trong đó thị trường nội địa có nguy cơ thừa tải, phát sinh cạnh tranh không lành mạnh, VNA vẫn đặt mục tiêu vận chuyển khoảng 27,5 triệu hành khách, tăng 10,9%; tổng doanh thu ước đạt 54.793 tỷ đồng, tăng 8,4%; lợi nhuận đạt 83,5 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2012.

Theo các chuyên gia, kết quả kinh doanh nói trên sẽ giúp VNA có “bước chạy đà” thuận lợi cho 2 mục tiêu lớn năm 2013 là thực hiện thành công đợt IPO và tái cơ cấu toàn diện hãng.

Vào giữa tháng 12/2012, VNA đã trình Bộ GTVT phê duyệt kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu “lựa chọn tư vấn tài chính quốc tế cổ phần hóa VNA” và nếu được chấp thuận, liên danh nhà thầu sẽ phải giúp hãng đạt mục tiêu thu về tối thiểu 200 triệu USD từ đợt IPO này.

Liên quan tới việc tái cơ cấu VNA, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu đơn vị triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp ngay khi Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu. Cùng với đó, VNA phải tiến hành tái cơ cấu đầu tư, công nợ, khẩn trương thoái vốn ở các dự án đầu tư đa ngành.

“Các cơ quan của Bộ GTVT cần khẩn trương rà soát vốn điều lệ, công nợ của các tổng công ty, hãng khàng không; chậm nhất trong tháng 1/2013 xây dựng kế hoạch bố trí tăng vốn điều lệ cho Vietnam Airlines và đơn vị khác”, ông Thăng yêu cầu.