Vinaconex đã xong cuộc "đại phẫu"?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Từ đầu năm 2012 tới nay, Tổng Công ty cổ phần (CTCP) Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) liên tục thoái vốn tại các công ty con, các doanh nghiệp (DN) thành viên.

 Vinaconex đã xong cuộc "đại phẫu"?
Vinaconex đang quay trở lại với lính vực chính là xây dựng. Nguồn: internet

Cuộc “đại phẫu” của Vinaconex

Nhìn lại những thông tin Vinaconex công bố trong 2 năm qua, ấn tượng mạnh nhất là mật độ công bố thông tin dày đặc liên quan đến hoạt động thoái vốn.

Cụ thể, ngày 17/4/2012, Vinaconex ra thông báo bán đấu giá cổ phần của Tổng công ty tại CTCP Vinaconex Dung Quất. Ngày 24/4/2012, Tổng công ty thông báo bán đấu giá cổ phần tại CTCP Xi măng Vinaconex Lương Sơn - Hòa Bình.

Ngày 10/7/2012, Tổng công ty thông báo bán đấu giá cổ phần sở hữu tại CTCP Vinaconex-VCN. Ngày 2/8/2012, Vinaconex lại thông báo bán đấu giá cổ phần sở hữu tại Vinaconex Hoàng Thành lần 1 (vì sau đó còn 2 lần điều chỉnh giá nữa Vinaconex mới bán thành công). Ngày 25/10/2012, Vinaconex thông báo phương án chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Vinaconex Xuân Mai.

Bắt đầu tư đây, thêm một loạt DN khác trong hệ thống Vinaconex được Tổng công ty công bố ý định và thực hiện thoái vốn cổ phần như: Vinaconex 6 (VC6), Dự án Bắc An Khánh, Vicostone (VCS). Gần đây nhất, Vinaconex đã ký xong hợp đồng bán "cục nợ" Xi măng Cẩm Phả, bao gồm nợ (Vinaconex đứng ra vay hộ và bảo lãnh) và 70% vốn cổ phần của công ty này cho Viettel.

Ngoài các DN trên, một số khoản sở hữu của Vinaconex tại các DN khác cũng đã được thoái như: Vinaconex Thanh Hóa, Bảo hiểm Bưu điện, Bảo hiểm Bảo Minh, Đại Dương Thăng Long. Một số DN khác đã được Vinaconex lên kế hoạch thoái vốn nhưng chưa thực hiện xong như: Vinaconex 3, CTCP Xây dựng số 4, Vinaconex Đà Nẵng, Vinaconex Quyết Thắng... 3 DN trong số này là các DN được Ban lãnh đạo Vinaconex đánh giá là gặp khó khăn về thanh khoản tính đến 30/6/2013.

Một diện mạo mới đang hình thành

Đầu năm 2011, Vinaconex công bố ý định tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, thông qua bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 3:2, với mục tiêu quan trọng nhất là giảm tỷ trọng nợ trên vốn chủ sở hữu về mức không quá 2 lần.

Thế nhưng, kế hoạch tăng vốn điều lệ của Vinaconex đã phải gia hạn vài lần và cuối cùng nhờ có sự “ra tay” của cổ đông lớn là SCIC và Viettel, vốn điều lệ của Tổng công ty mới được nâng lên trên 4.400 tỷ đồng. Số vốn huy động thêm này cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu vốn hiện hữu.

Thoái vốn khỏi Vinaconex Hoàng Thành, không đơn thuần là chuyện bán cổ phần, mà còn là việc giảm sự tham gia của Vinaconex vào lĩnh vực bất động sản.

Với 25% vốn điều lệ tại Vinaconex Hoàng Thành, đơn vị sở hữu Dự án Park City với quy mô diện tích tới 77 héc-ta, nếu tiếp tục sở hữu Vinaconex Hoàng Thành, Vinaconex sẽ phải tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực bất động sản - lĩnh vực đang gặp khó khăn và cần rất nhiều vốn, thứ mà bản thân Vinaconex cũng đang thiếu.

Trong kế hoạch giảm đầu tư vào lĩnh vưc bất động sản, Vinaconex cũng công bố ý định thoái vốn tại Dự án Bắc An Khánh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thoái vốn vẫn chưa có kết quả.

Thoái vốn, giảm tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản không chỉ giúp Vinaconex rút dần dần khỏi lĩnh vực đang đầy khó khăn này, mà còn giúp Tổng công ty thu tiền về, giải quyết bài toán thanh khoản. Đây cũng là động lực quan trọng trong việc thoái vốn khỏi Xi măng Cẩm Phả hay hàng loạt DN thành viên khác.

Bên cạnh việc thoái vốn ồ ạt, Vinaconex cũng tích cực công tác thu hồi công nợ, coi hoạt động thu hồi nợ là một trọng tâm hoạt động từ năm 2012. Với những nỗ lực trên, Vinaconex đã giảm mạnh nợ tại Tổng công ty. Sức ép nợ nần sẽ giảm mạnh, nhất là khi thương vụ bán Xi măng Cẩm Phả được hoàn tất.

Giảm đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, giảm mạnh sức ép công nợ, Vinaconex đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu tái cấu trúc tài sản, nguồn vốn và hoạt động của mình. Quay trở lại tập trung vào lĩnh vực chính là xây dựng, khả năng lợi nhuận đột biến của Vinaconex trong tương lai có thể sẽ không nhiều, nhưng hoạt động an toàn, bền vững hơn là điều Tổng công ty có thể sẽ đạt được.