Xử lý nợ doanh nghiệp xây dựng: Cần sự vào cuộc của DATC

Trần Hải

(Taichinh) - Nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) khiến nhiều DNXD lâm vào tình trạng sống dở chết dở, nợ lương người lao động, nợ tiền ngân hàng qua nhiều năm trở thành nợ xấu. Do đó, để xử lý triệt để các khoản nợ của các đơn vị này, sự tham gia của công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) là rất cần thiết.

Thông qua công tác mua nợ, chuyển đổi quyền chủ nợ từ các tổ chức tín dụng, DATC sẽ xử lý để làm lành mạnh tài chính của các DNXD đang lâm vào tình trạng thua lỗ
Thông qua công tác mua nợ, chuyển đổi quyền chủ nợ từ các tổ chức tín dụng, DATC sẽ xử lý để làm lành mạnh tài chính của các DNXD đang lâm vào tình trạng thua lỗ

Nợ đọng tràn lan

Nợ đọng XDCB bao gồm nợ các công trình quyết toán, nợ công trình hoàn thành chưa quyết toán và nợ khối lượng hoàn thành các công trình chuyển tiếp.

Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện tại, Chính phủ thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công khiến tình trạng nợ đọng XDCB diễn ra ngày càng phổ biến và có xu hướng tăng lên.

Trên thực tế, vẫn còn tồn tại tình trạng dự án chưa bố trí vốn nhưng vẫn tổ chức lựa chọn nhà thầu và để nhà thầu ứng vốn thi công, gây phát sinh nợ đọng. Ví dụ, tại tỉnh Bến Tre, có 14 dự án xuất hiện nợ đọng với số tiền 127 tỷ đồng; Kiên Giang có 31 dự án với số tiền 31 tỷ đồng; Lào Cai có 58 dự án với số tiền 193,6 tỷ đồng…

Đặc biệt, ở một số tỉnh, thành phố chưa bố trí đủ vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành, bàn giao và dự án đang thi công dang dở nhưng vẫn khởi công các công trình mới, dẫn đến nợ đọng XDCB.

Theo đó, không ít tỉnh vẫn còn số nợ đọng lớn, chẳng hạn như Ninh Bình. Tính đến cuối năm 2011, Ninh Bình còn 599 công trình, dự án đã hoàn thành hoặc thi công dang dở, với số vốn còn thiếu là 9.147 tỷ đồng, nhưng trong 2 năm tiếp theo vẫn quyết định phê duyệt 347 dự án mới với tổng mức đầu tư 6.943 tỷ đồng.

Tại Bạc Liêu, đa số các công trình tại địa phương này đều do Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quyết định đầu tư từ năm 2012 chưa hề được ghi vốn trong kế hoạch, nhưng các chủ đầu tư vẫn tiến hành triển khai.

Thông thường để tiến hành xây dựng công trình khi địa phương chưa cấp vốn, các DNXD được thuê phải bỏ vốn tự có và vay thêm tiền ngân hàng. Sau đó, khi công trình đang thi công dang dở hoặc đã hoàn thành nhưng địa phương không thanh toán như đã cam kết, các đơn vị này hết vốn dẫn đến nhiều hệ lụy: Nợ và lãi ngân hàng không trả được qua nhiều năm trở thành nợ xấu, doanh nghiệp nợ tiền thuế, bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động, lâm vào tình trạng giải thể và phá sản...

Thực trạng trên đã và đang ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đại diện của một Tổng công ty xây dựng công trình giao thông cho biết, vài trăm tỉ đồng tiền vốn của doanh nghiệp vẫn nằm ở các công trình chưa được thanh toán, các công trình bị đình hoãn. Có công trình đi vào sử dụng 3 năm nay nhưng công ty vẫn chưa được nhà nước thanh toán xong.

Theo lời giám đốc một DNXD khác tại Thanh Hóa tâm sự, để có tiền thi công các công trình nhà nước, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ như của ông đều phải vay vốn ngân hàng. Trong khi lãi suất ngân hàng vẫn phải trả, doanh nghiệp phải dùng tiền từ dự án này đập vào dự án kia, công trình trước trả công trình sau. Nợ chéo tạo ra vòng luẩn quẩn khiến nhiều doanh nghiệp, ngân hàng lâm vào cảnh không lối thoát.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nợ xấu XDCB vào khoảng 200.000 tỷ đồng, trong đó nợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp là 100.000 tỷ đồng (tính đến tháng 6/2013).

Do đó, nếu vấn đề nợ đọng XDCB được giải quyết, doanh nghiệp có tiền trả nợ ngân hàng, dòng vốn sẽ lưu thông. Để giải quyết nợ xấu, việc cứu các doanh nghiệp này là việc làm cấp thiết cần được ưu tiên, để hệ lụy không ảnh hưởng tới cả dây truyền.

Trước tình trạng nợ đọng trong xây dựng kéo dài, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị hỏa tốc số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng XDCB.

Thủ tướng yêu cầu từng địa phương phải kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong việc để phát sinh nợ đọng XDCB trong thời gian qua. Đồng thời, phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng XDCB. Chỉ thị nêu rõ không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thi công dự án khi chưa được bố trí vốn, làm phát sinh nợ đọng XDCB.

Cần sự vào cuộc của DATC

Mặc dù đã có không ít công văn, chỉ thị đốc thúc xử lý nợ đọng XDCB được Chính phủ ban hành, nhưng rút cuộc số nợ này vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Bởi vậy, thay vì ngồi chờ các địa phương tất toán tiền công trình mà bản thân doanh nghiệp cũng không biết đến bao giờ thì các đơn vị này nên tìm cách khác cứu mình trước.

Theo đó, để xử lý các khoản nợ xấu tại ngân hàng của các đơn vị này, sự tham gia của DATC là rất cần thiết.

Để các DNXD hoạt động trở lại, yêu cầu cấp thiết là phải xử lý tận gốc các khoản nợ với sự tham gia của DATC, đồng thời thay đổi mạnh mẽ vấn đề quản trị. DATC là đơn vị đảm đương nhiệm vụ xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp, có thể đứng ra lựa chọn một số DNXD có khả năng phục hồi, trực tiếp đàm phán với các ngân hàng để mua lại nợ xấu cho các đơn vị này.

Thông qua công tác mua nợ, chuyển đổi quyền chủ nợ từ các tổ chức tín dụng, DATC sẽ xử lý để làm lành mạnh tài chính của các DNXD đang lâm vào tình trạng thua lỗ, khôi phục sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động và tạo ra lợi nhuận sau khi được tái cơ cấu. Các DNXD khi được hoạt động trở lại sẽ góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, trả được phần lớn nợ đọng thuế và bảo hiểm xã hội…

Bên cạnh đó, DATC có thể tham gia với tư cách là cầu nối hỗ trợ, tư vấn giúp các DNXD tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược. Các nhà đầu tư chiến lược sẽ tham gia đầu tư vốn, hỗ trợ về kỹ thuật và quản lý để giúp doanh nghiệp khách nợ cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trở lại, có lợi nhuận từ đó tạo nguồn trả nợ.

Trong hoạt động này, rất cần sự tham gia tích cực từ các ngân hàng, ngân hàng có thể giúp đỡ bằng cách chuyển nợ của doanh nghiệp thành vốn góp cổ phần, đồng thời tham gia tái cơ cấu lại doanh nghiệp với sự hướng dẫn của DATC.

Có thể nói, trong khi ngân sách nhà nước và địa phương chậm và khó có thể trả nợ doanh nghiệp, việc DATC tham gia xử lý nợ xấu cho các đơn vị này cũng là gián tiếp góp phần xử lý “cục máu đông” nợ đọng XDCB, giúp đảm bảo an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế.

Bởi nợ đọng trong XDCB là khoản nợ xấu nhất, nếu không giải quyết được sẽ để lại rất nhiều hệ lụy tiêu cực. Tuy nhiên, để có thể giải quyết triệt để nợ đọng trong XDCB, sự vào cuộc của DATC cũng chỉ giúp một phần nào, Nhà nước cần đến nhiều giải pháp kết hợp khác nữa.