Xử lý nợ nước ngoài: Hướng đi mới của DATC

Minh Hà

(Tài chính) Việc Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tham gia xử lý nợ nước ngoài của Vinashin đã mở hướng đi mới nhằm hạn chế tình trạng ứng tiền từ Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài trả thay cho các DNNN như hiện nay. Tuy nhiên, do hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, khiến việc mở rộng quy mô xử lý nợ nước ngoài của đơn vị này gặp không ít khó khăn.

DATC đóng vai trò quan trong trong việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Vinashin
DATC đóng vai trò quan trong trong việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Vinashin

Mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã phải “cầu cứu” Bộ Tài chính xem xét ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài của Chính phủ để trả nợ cho ngân hàng nước ngoài với 03 kỳ trả nợ tiền gốc và lãi tới 1,9 triệu euro và 2,9 triệu USD. Đây là số tiền mà HUD đã vay của ngân hàng nước ngoài để đầu tư và Dự án Nhà máy Xi măng Sông Thao khởi công năm 2004 đi vào sản xuất tháng 3/2010.

Trước HUD, Qũy tích lũy trả nợ nước ngoài – Bộ Tài chính liên tục phải ứng tiền trả thay cho các doanh nghiệp xi măng. Tổng mức bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án xi măng tính đến cuối năm 2011 là 1,365 tỷ USD, với 16 dự án. Trong đó, có 4/16 dự án với dư nợ 228,75 triệu USD gặp khó khăn trong việc trả nợ. Do đó, Qũy tích lũy trả nợ nước ngoài của Bộ Tài chính đã phải ứng tiền trả nợ thay cho các dự án xi măng của các doanh nghiệp lần lượt là: Xi măng Đồng Bành 3,49 triệu USD, Tổng Cty Cơ khí Xây dựng (Coma, Bộ Xây dựng) 4,25 triệu euro, Tổng Công ty Cổ phần xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaicon) 4,25 triệu euro, Công ty Xi măng Ninh Bình 74,55 triệu USD. Bộ Tài chính dự báo trong 3 đến 5 năm tới, hàng năm, Quỹ tích lũy trả nợ có thể phải bố trí từ 30-40 triệu USD/năm để trả nợ thay cho các dự án xi măng. Thực trạng này cho thấy, nhiều dự án có nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh rơi vào tình trạng không đủ sức trả nợ.

Dù là cứu cánh duy nhất của các khoản nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh nhưng theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến cuối năm 2010 Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài – Bộ Tài chính chỉ còn số dư rất mỏng. Nghĩa là tính đến cuối năm 2010, quy mô của các khoản nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh cho DNNN đã vượt quá quy mô của Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài.

Hơn nữa, không ít ý kiến cho rằng, nếu tất cả các DNNN đều trông chờ vào Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài để trả các khoản nợ khủng hiện nay, sớm muộn gì Quỹ tích luỹ sẽ cạn nguồn dẫn đến Ngân sách nhà nước sẽ phải ứng vượt giới hạn bội chi cho phép trong năm để hỗ trợ nguồn cho Quỹ. Trong khi đó, theo quy định, yêu cầu đối với những khoản Chính phủ bảo lãnh nếu doanh nghiệp không trả được nợ, Bộ Tài chính sẽ ứng để trả nợ thay không quá 3 kỳ. Nếu sau 3 kỳ các doanh nghiệp không trả được nợ, Bộ Tài chính sẽ thực hiện theo Luật quản lý nợ công, tức là bán thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi trả nợ. Đến lúc đó, giá trị thu về của các tài sản thế chấp sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền Qũy đã ứng ra trả thay. Mặt khác, thời gian thanh lý tài sản thường kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn trả Ngân sách nhà nước theo quy định.

Do vậy, một số chuyên gia kiến nghị, để bội chi nằm trong giới hạn cho phép và doanh nghiệp không bị bán thanh lý tài sản, những khoản nợ này nên được DATC tái cơ cấu thông qua mua bán nợ.

Thực tế, việc DATC tham gia xử lý món nợ nước ngoài (tổng cộng 626 triệu USD) của Vinashin thời gian qua cho thấy, đơn vị này thực sự là một tổ chức xử lý nợ chuyên nghiệp, có thể hoạt động trên quy mô quốc tế.  Theo đó, khoản nợ của Vinashin đã được hoán đổi lấy trái phiếu do DATC phát hành có bảo lãnh Chính phủ, được lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán New York và niêm yết tại sàn chứng khoán Singapore. Số trái phiếu này có thời hạn trả gốc là 12 năm với lãi suất 1%/năm.

Đáng tiếc, việc DATC có thể tham gia mua, xử lý nợ nước ngoài hiện nay lại không dễ. Bên cạnh khó khăn do ngân hàng nước ngoài không bán nợ cho Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản (AMC) của các quốc gia khác do kỹ năng xử lý các khoản nợ nước ngoài còn thiếu chuyên nghiệp, lý do DATC khó tiếp cận các khoản nợ nước ngoài là do cơ chế chưa hoàn chỉnh, hoặc không còn phù hợp. Cụ thể, Quyết định số 199/2003/QĐ-BTC ngày 05/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Điều lệ tạm thời về tổ chức và họat động của DATC cũng chỉ quy định   chung, nhiệm vụ của đơn vị này là mua các khoản nợ và tài sản tồn đọng của các doanh nghiệp (bao gồm cả tài sản và quyền sử dụng đất được sử dụng để bảo đảm cho các khoản nợ) bằng các hình thức: thoả thuận trực tiếp, đấu giá hoặc theo chỉ định của các cấp có thẩm quyền nhưng không có các hướng dẫn xử lý nợ của các doanh nghiệp có vay vốn nước ngoài.

Trong Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DNNN, xử lý nợ được coi là nhiệm vụ cốt lõi để tái cơ cấu doanh nghiệp và DATC được xác định là trụ cột chính đảm đương nhiệm vụ này. Những quy định cụ thể trong thực thi nhiệm vụ của đơn vị này chưa thể hiện được sự “cốt lõi” đó, nhất là phương thức xử lý nợ của những DNNN có nợ nước ngoài vẫn chưa được đề cập.

Theo đánh giá của các chuyên gia, kỹ năng xử lý nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp đã được DATC thực hiện rất tốt và khá thành công trong thời gian qua. Để có thể mở rộng quy mô mua và xử lý nợ nước ngoài, DATC cần được nâng cấp và bổ sung đội ngũ chuyên gia cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế để đơn vị này được tham gia với tư cách là tổ chức bảo lãnh đứng ra trả nợ thay cho doanh nghiệp, qua đó xử lý nợ tái cơ cấu, giúp doanh nghiệp phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh có lãi, trả nợ. Từng bước phát triển DATC thành một tổ chức xử lý nợ chuyên nghiệp tham gia mua nợ nước ngoài để tái cơ cấu doanh nghiệp trong nước.

Như vậy, với khoản nợ nước ngoài thuộc hàng “khủng” của các DNNN nếu chỉ trông chờ vào Qũy tích lũy trả nợ nước ngoài – Bộ Tài chính thì khả năng Ngân sách nhà nước phải ứng vượt trên giới hạn bội chi cho phép trong năm để hỗ trợ nguồn cho Quỹ là khó tránh khỏi. Trong khi đó, việc DATC tham gia xử lý nợ nước ngoài đã mở hướng đi mới nhưng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Do đó, vấn đề tạo cơ chế để DATC tham gia mua nợ nước ngoài là cần thiết và là điều kiện đảm bảo Qũy tích lũy trả nợ nước ngoài luôn có nguồn chi trả và hoàn trả Ngân sách nhà nước đúng hạn theo quy định.