Thị trường logistics Việt Nam: Dồn dập thương vụ triệu đô, nhà đầu tư ngoại lấn lướt

Theo Anh Hoa/baodautu.vn

Thị trường logistics tại Việt Nam ngày càng “nóng” với những thương vụ M&A triệu đô, các tên tuổi "ngoại" với tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ đang lấn lướt.

hất lượng dịch vụ logistics giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đang có sự chênh lệch khá lớn. Nguồn: Đ.T
hất lượng dịch vụ logistics giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đang có sự chênh lệch khá lớn. Nguồn: Đ.T

Dồn dập thương vụ triệu đô

Đầu tháng 7/2019, Tập đoàn Symphony International Holdings (Singapore) chi 42,6 triệu USD để mua lại 28,57% cổ phần của Công ty CP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL Corp) từ Singapore Post. Thương vụ này cho thấy, M&A trong lĩnh vực logistics ngày càng nóng và trở nên hấp dẫn với ông lớn nước ngoài.

Trước đó, công ty con của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) là SSJ Consulting đã chi gần 40 triệu USD để mua 10% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Gemadept. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 5/7 đến 2/8/2019. SSJ có 2 cổ đông chính là Sumitomo (51% vốn), Japan Overseas Infrastructure Investment (46%).

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, Gemadept đã thông qua việc hủy bỏ một số ngành nghề kinh doanh liên quan đến việc giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài dưới 49%. Đây là lộ trình để Gemadept đón thêm cổ đông chiến lược mới.

Logistics được xác định là lĩnh vực trụ cột của Gemadept. Năm 2018, Gemadept bán một phần sở hữu tại hai công ty con trong lĩnh vực này cho CJ Logistics (Hàn Quốc) và thu về khoảng 125 triệu USD. Trước đó, từ giữa năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp Tae Kwang của Hàn Quốc đã ngỏ ý muốn mua 51% cổ phần của Gemadept, với số tiền dự kiến lên đến 444 triệu USD.

Cùng thời điểm này, có một thương vụ M&A “im hơi, lặng tiếng” là Best Inc - công ty toàn cầu về nhượng quyền thương hiệu trong lĩnh vực chuyển phát nhanh mà Alibaba cũng nắm cổ phần thiểu số tại đây, bắt đầu đầu tư vào thị trường logistics Việt Nam khi mua lại Công ty VNC Post của VinaCaptial để kinh doanh vận tải.

“Kế” của ông lớn

Từ Symphony International Holdings, SSJ Consulting Việt Nam thuộc Sumitomo Corporation đến Best Inc, CJ Logistics… đều là những tên tuổi đình đám trong đầu tư đa ngành ở châu Á. Và hiển nhiên, những khoản đầu tư họ nhắm đến đều nằm trong top những công ty đang nắm giữ thị phần logistics lớn ở Việt Nam và có hoạt động mạnh ở khu vực Đông Nam Á.

Trong đó, Symphony là “tay ngang” trên thị trường logistics. Hơn 35 năm qua, Symphony liên tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đơn vị cung ứng độc quyền trong khu vực thông qua các cá nhân, doanh nghiệp trong hệ thống.

Động thái đầu tư vào ITL Corp với việc nắm giữ gần 30% vốn, theo nhận định của ông Anil Thadani, Giám đốc Symphony, là sẽ hưởng lợi khi tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở châu Á.

ILT Corp được thành lập năm 1999, là công ty đang dẫn đầu về logistics với mạng lưới rộng khắp Việt Nam và mở rộng sang cả Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan. ITL Corp cung cấp từ dịch vụ hàng không, vận tải quốc tế, logistics tổng hợp, đường sắt… cho đến chuyển phát nhanh, thương mại điện tử, dịch vụ kho bãi với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế hơn 150.000 m2 trên toàn quốc.

Ngoài ra, ITL Corp còn là đại lý khai thác hàng/dịch vụ được hãng hàng không chỉ định (GSA/GSSA) hàng đầu tại Việt Nam và Đông Dương với hơn 22 hãng hàng không, quản lý hơn 200 chuyến bay/tuần, công suất hơn 150.000 tấn hàng hóa/năm. ITL Corp là đối tác lý tưởng cho các hãng hàng không hoạt động trong khu vực.

Về kinh doanh, năm 2018, ITL Corp đạt mức tăng trưởng gần 50% so với năm 2017, cao gấp 3 lần mức tăng trung bình của ngành logistics. Công ty đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đó là chưa kể, điểm cộng của ITL Corp là, tập đoàn này và Gelex Logistics là 2 cổ đông chính của Công ty CP Kho vận Miền Nam (Sotrans). Ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch ITL Corp hiện cũng là Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Sotrans.

Còn với thương vụ giữa SSJ Consulting (thuộc Sumitomo) và Gemadept, hiện Gemadept sở hữu 6 cảng, xử lý 1,7 triệu container và chiếm hơn 10% thị phần ở Việt Nam, trong khi Sumitomo đang quản lý 3 khu công nghiệp ở Hà Nội và một cơ sở logistics ở Việt Nam.

Thông qua thương vụ này, Sumitomo muốn xây dựng hệ thống logistics kết nối các nhà máy với các bến cảng để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Cùng với việc mua lại cổ phần tại Gemadept, Sumitomo sẽ phát triển một ứng dụng trên điện thoại di động cho phép các lái xe container đăng ký trước thời gian bốc dỡ hàng tại các cảng và xử lý các công việc giấy tờ khác.

Đại diện Sumitomo cho rằng, ước tính mỗi năm, có khoảng 14 triệu container hàng hóa được vận chuyển ra/vào Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm, con số này có thể sẽ tăng lên 23 triệu container vào năm 2025 và logistics sẽ tiếp tục là lĩnh vực đầy tiềm năng tại Việt Nam

M&A chia bớt áp lực cạnh tranh

“Các doanh nghiệp trong ngành logistics Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh cao”, ông Pieter Pennings, Giám đốc tư vấn của CEL Consulting nhận định. Thống kê sơ bộ, ở Việt Nam hiện có hơn 1.300 doanh nghiệp logistics. Doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm thiểu số (2 - 3% tổng số doanh nghiệp logistics), nhưng lại nắm giữ 70 - 80% thị phần của ngành.

Các doanh nghiệp logistics Việt Nam đa phần cung cấp dịch vụ nhỏ lẻ, do tiềm lực còn yếu. Ngoài ra, vì thị trường quá phân mảnh, nên không hiếm trường hợp, để có mối làm ăn, nhiều doanh nghiệp phải chịu kinh doanh với mức giá gần như hòa vốn. 

Đó là chưa kể, chất lượng dịch vụ giữa doanh nghiệp logistics Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài rất chênh lệch, nên nhiều tập đoàn lớn vẫn lựa chọn sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài.

Các doanh nghiệp logistics nước ngoài có thể hợp tác với tập đoàn lớn vì họ cung cấp trọn gói dịch vụ logistics, trong khi doanh nghiệp Việt Nam thì thường chỉ cung cấp những dịch vụ rời rạc. Đặc biệt, rất ít doanh nghiệp logistics trong nước sở hữu hệ thống công nghệ thông tin hiệu quả so với những đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài.

Với những yếu tố bất lợi nêu trên, cộng với tiềm năng tăng trưởng từ thị trường, việc M&A là điều tất yếu. Thực tế, xu hướng M&A trong ngành logistics đã diễn ra mạnh từ năm 2015 trên toàn thế giới, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Trong trường hợp của Việt Nam, M&A là một lựa chọn hợp lý đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Do những giới hạn trong tỷ lệ cổ phần sở hữu, mà những năm trước đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn hình thức liên doanh hoặc hợp tác chiến lược.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, đã có nhiều phân ngành cho phép doanh nghiệp nước ngoài sở hữu cổ phần với tỷ lệ cao hơn, vì vậy, họ không ngại bỏ tiền đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng. Ngay cả đối với những phân ngành còn giới hạn tỷ lệ sở hữu, với xu hướng kinh tế mở cửa như hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài vẫn có thể đầu tư với kỳ vọng dễ dàng tăng vốn đầu tư trong tương lai.

Ở góc độ chiến lược, Việt Nam đang phát triển theo xu hướng trở thành trung tâm sản xuất hàng hóa trong khu vực với định hướng tăng cường xuất khẩu. Ngay cả với thị trường trong nước, tốc độ phát triển của tầng lớp trung lưu, đô thị hóa và thương mại điện tử sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và sử dụng dịch vụ logistics nội địa. Ngành logistics được dự báo sẽ chiếm 8 - 10% tổng GDP của Việt Nam vào năm 2025. Các doanh nghiệp thuộc nhóm nước đang đầu tư nhiều vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Pháp… vẫn sẽ tiếp tục đầu tư.

Theo ông Pieter Pennings, nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy có rất nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh theo chiều ngang (mở rộng mạng lưới) lẫn chiều dọc (mở rộng gói dịch vụ, tăng năng lực cung cấp trọn gói dịch vụ logistics). Tuy nhiên, thực tế vận hành và đặc thù của Việt Nam có thể sẽ khác biệt so với kinh nghiệm của nhà đầu tư và đây chính là phần mà đối tác Việt Nam có thể hỗ trợ.