Doanh nhân "vượt bão"

PV. (tổng hợp)

Giá trị cốt lõi tạo dựng thành công

Doanh nhân "vượt bão" - Ảnh 1

Nguyễn Cảnh Hồng,
Tổng Giám đốc Eurowindow

Là 1 trong số 100 doanh nhân Việt Nam đạt danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2013” bằng kỳ tích đưa doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, doanh nhân Nguyễn Cảnh Hồng chia sẻ: Tôi cho rằng, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, mỗi DN đều cần đưa ra một chiến lược phát triển phù hợp với tình hình mới.

Mặc dù có điều chỉnh hoặc thay đổi chiến lược nhưng những yếu tố cơ bản DN cần phải chú trọng, đó là đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ để giữ khách hàng, nâng cao năng suất, chất lượng toàn diện để sẵn sàng cho giai đoạn thị trường phục hồi sau khủng hoảng…

Ngoài ra, một yếu tố đóng vai trò rất lớn trong việc giúp DN vượt qua khủng hoảng là phải xây dựng nền tảng bền vững, dựa trên ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Bởi mỗi DN đều có thế mạnh riêng, vì vậy, tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi, phù hợp với thế mạnh của mình là tiền đề cho sự phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro.

Bên cạnh đó, để tạo dựng chỗ đứng của một doanh nhân thành đạt, “chèo lái” DN vượt qua khó khăn không thể không nhắc tới sự nỗ lực của lãnh đạo và tập thể nhân viên trong Công ty. Để các nhân viên luôn ủng hộ và cống hiến cho Công ty, người lãnh đạo DN cần có cách truyền cho họ “ngọn lửa” nhiệt huyết, truyền cho họ triết lý kinh doanh mà mình luôn theo đuổi.

Điều này đã được chứng minh ở Công ty Eurowindow, chữ “Tâm” luôn là triết lý kinh doanh, là tiêu chí mà tôi đòi hỏi ở mỗi nhân viên. Cái tâm thể hiện ở những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, thái độ trung thực với khách hàng và sự đoàn kết với đồng nghiệp, cùng nhau hoạt động vì lợi ích chung của công ty, tiến tới phát triển bền vững. Đó là triết lý, là bản sắc văn hóa giúp Eurowindow “vượt bão” thành công trong những thời khắc khó khăn nhất.

Giữ chữ tín trong mọi hoạt động

Doanh nhân "vượt bão" - Ảnh 2

Phạm Thị Việt Nga,
Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang

Biến một xí nghiệp bên bờ vực phá sản thành công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam; Đưa Dược Hậu Giang (DHG) lên vị trí thứ 16 trong bảng xếp hạng 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2013 và cá nhân bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang được xếp trong bảng xếp hạng 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á do Tạp chí Forbes bìnhchọn…

Chia sẻ bí quyết để đưa một DNNN bên bờ phá sản trở nên thành công, bà Phạm Thị Việt Nga nói: “Không có gì cao xa, chỉ gói gọn trong 3 chữ T là Tâm, Tài và Tín”… Trong khó khăn, thì “cứ đánh sẽ có cách đánh”. Thực ra, ở Việt Nam, doanh nhân nào cũng nói mình tôn trọng nhất là giữ chữ Tín. Chỉ khác ở chỗ, tôi coi việc xây dựng lòng tin và quan hệ thân tình với khách hàng là lợi thế cạnh tranh của DHG. Vì thế, nó được gìn giữ bằng những hoạt động thường nhật nhất chứ không phải chỉ giữ chữ Tín trong tim.

Cần mẫn và kiên trì xây dựng niềm tin với từng con người, từng đại lý, sau gần 20 năm, đến nay hệ thống phân phối của DHG đã có mặt tại tất cả 63 tỉnh thành với 9 công ty phân phối, 28 chi nhánh và 67 nhà thuốc, quầy thuốc tại các bệnh viện. Bằng hệ thống này, DHG đã phục vụ gần 20.000 khách hàng, trong đó có đến một nửa là khách hàng thân thiết…Chỉ tính riêng, trong 9 tháng đầu năm 2013, DHG đạt 2.199 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế 448 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 25% so với cùng kỳ năm trước.

“Những thành công của Công ty và của cá nhân không chỉ do riêng tôi mà trong đó là cả mồ hôi, nước mắt, trí tuệ của hàng trăm cán bộ công nhân viên của Dược Hậu Giang và sự ủng hộ của khách hàng trên khắp đất nước” - bà Nga chia sẻ.

Thành công nhờ tái cơ cấu

Doanh nhân "vượt bão" - Ảnh 3

Đỗ Minh Phú,
Chủ tịch HĐQT TPBank

Cách đây gần 2 năm, không ai ngờ rằng Tien Phong Bank lúc đó (nay đổi thành TPBank) với mức nợ xấu lên tới trên 6%; Bộ máy hoạt động kém hiệu quả, khó khăn về thanh khoản, nguy cơ mất vốn điều lệ, tổng giám đốc cũ vướng vào vòng lao lý… lại có thể “vượt bão” thành công, và có kết quả kinh doanh khiến nhiều ngân hàng mơ ước.

Bí quyết thành công trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế của TPBank chính là quá trình tái cơ cấu thành công. Dù đặt mốc hoàn thành tái cơ cấu vào năm 2015 nhưng với nỗ lực không ngừng, ngân hàng đã cán đích trước thời hạn 2 năm.

Bắt tay vào tái cơ cấu đầu năm 2012, TPBank đã “gọi vốn” thành công từ cổ đông mới là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI và các cổ đông cá nhân khác. Vốn điều lệ của TPBank từ mức 3.000 tỷ đồng trong năm 2012 đã nhanh chóng tăng lên gần gấp đôi, đạt mức 5.550 tỷ đồng. Năm 2012, mặc dù phải tái cơ cấu nhưng ngân hàng đã đạt 116 tỷ đồng lợi nhuận. Đặc biệt, từ khi bắt tay tái cơ cấu đến nay, vốn huy động dân cư và tín dụng của TPBank tăng gấp đôi, nợ xấu giảm từ 6,4% xuống 2,7%. Số lượng khách hàng của TPBank tăng hơn 3 lần…

Từ một ngân hàng yếu kém, bị hạn chế tăng trưởng tín dụng, sau khi tái cơ cấu, TPBank đã được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng lên tới 27% ngay trong năm 2012. Tỷ lệ dư nợ của TPBank trong những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán rất thấp, chỉ khoảng 4% tổng dư nợ. Hiện TPBank đã lọt vào top 10 thành viên đấu thầu trái phiếu Chính phủ.

Sau quá trình tự tái cơ cấu thành công, TPBank đang bước vào giai đoạn phát triển và cất cánh. Với mục tiêu đạt trên 316 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2013 nhưng đến thời điểm đầu tháng 12, TPBank đã đạt trên 350 tỷ đồng lợi nhuận, lũy kế từ khi tái cơ cấu đến nay, ngân hàng đã tạo ra gần 500 tỷ đồng lợi nhuận. TPBank đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ trở thành một trong 20 ngân hàng hàng đầu Việt Nam.

Đoàn kết để vượt bão

Doanh nhân "vượt bão" - Ảnh 4

Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển,
Chủ tịch, Tổng giám đốc
Tổng công ty Đông Bắc

Với tinh thần “làm than cũng như đánh giặc”, cùng quyết tâm, sáng tạo của người lính Đông Bắc, Tổng công ty Đông Bắc được sự chèo lái của người “thuyền trưởng” Phạm Ngọc Tuyển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giao.

Năm 2013, các chỉ tiêu thực hiện của Tổng công ty đều hoàn thành toàn diện và vượt kế hoạch đề ra, trở thành một trong những DN tốp đầu của Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam về sản lượng, doanh thu và nộp ngân sách nhà nước.

Yếu tố làm nên thành công của đơn vị trong năm kinh tế khó khăn vừa qua chính là tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó khăn, thách thức, phát huy mọi khả năng của đơn vị cùng với việc triển khai thực hiện tốt công tác lập kế hoạch, giao kế hoạch sản xuất - kinh doanh phù hợp, sát với điều kiện và khả năng thực hiện của từng đơn vị, điều hành linh hoạt các phương án để bảo đảm sản xuất kinh doanh hiệu quả, kể cả khi thị trường biến động. Đồng thời, thực hiện tốt công tác khoán chi phí, hạ giá thành sản phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn trong sản xuất.

Đó cũng chính là sự tiếp nối các giá trị, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn cách mạng mới.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 1+2 – 2013