IPO các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước: Gỡ bài toán cổ đông

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Theo các cơ quan chức năng trong tháng 3,4/2013 hàng loạt các Tập đoàn thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đấu giá và bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thông qua các Sở Giao dịch chứng khoán, đó là Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico), Tổng công ty Mía đường I, II, Vietnam Airline,… Cổ phiếu của họ tung ra thị trường liệu có tiêu thụ hết trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm “thừa cổ phiếu, thiếu tiền mặt” như hiện nay.

Sẽ có nhiều quy định mới, tạo điều kiện cho quá trình chuyển DNNN thành công ty cổ phần, đấu giá IPO lần đầu ra công chúng, trong đó có việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Nhiều nhà đầu tư có chung nhận định trong năm qua rất nhiều “ông lớn” lỗi hẹn với IPO, bởi lo sợ cổ phần của họ tái diễn cảnh chợ chiều, bán không ai mua.

Tháng 3 mùa IPO

Theo ông Bùi Đức Hoàn - Tổng giám đốc Vilico cho biết, ngày 5/3 tới, Tông công ty sẽ bán đấu giá công khai 26,69 triệu cổ phần, tương đương 34,9% vốn điều lệ. Theo phương án CPH được Thủ tướng phê duyệt thì vốn điều lệ của Vilico là 765 tỉ đồng. Theo dự kiến, mức giá khởi điểm của Vilico là 10.100 đồng/cổ phần.

Tiếp đó, ngày 6/3 tới, Tổng côngty Mía đường I,II (Vinasugar I), (Vinasugar II) cũng thực hiện IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Theo phương án được phê duyệt, Vinasugar I sẽ phát hành lần đầu 60 triệu cổ phần, Vinasugar II phát hành 68,5 triệu cổ phần.

Ngoài các DN trên, trong tháng 4/2013 sẽ có những đợt IPO lớn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Theo đề án tái cơ cấu vừa được Chính phủ phê duyệt, Vietnam Airlines sẽ IPO với tỉ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ là 65 - 75% (vốn điều lệ của Tổng công ty là 8.942 tỉ đồng). Theo kế hoạch, sau CPH, Vietnam Airlines có quy mô 1 Công ty mẹ, 9 đơn vị phụ thuộc và 26 Công ty con hạch toán độc lập.

Nằm trong kế hoạch, Tổng công ty Viglacera dự kiến sẽ IPO muộn nhất vào tháng 9/2013 và bán ra công chúng khoảng 20% vốn. Hiện tại, phương án CPH Viglacera đang chờ sự thẩm định của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng lên kế hoạch tiến hành IPO vào tháng 6/2013, sau 2 năm lỗi hẹn với nhà đầu tư…

Nỗi lo IPO

Có thể nói, năm 2013 sau nhiều lần lỗi hẹn IPO, nhiều tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đang rục rịch chào bán, đấu giá cổ phiếu theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo nhiều chuyên gia, việc IPO trong bối cảnh thị trường chứng khoán ế ẩm cùng hàng loạt lý do tế nhị khác khiến lãnh đạo DN không mấy mặn mà với việc IPO này.

Trao đổi với DĐDN, Ông Hoàn cho biết, việc Tổng công ty IPO là thực hiện theo đúng lộ trình yêu cầu của Chính Phủ. Tuy nhiên, điều khó nhất với chúng tôi hiện nay là đang tìm kiếm một số nhà đầu tư tiềm năng tham gia đợt đấu giá này. Ông Hoàn nhấn mạnh, để đảm bảo việc phát hành thành công, chúng tôi đã vận động thêm các cán bộ - nhân viên trong Tổng công ty, từ công ty mẹ đến công ty con, công ty liên kết, tham gia mua đấu giá cổ phần, ngoài số cổ phần được mua ưu đãi theo quy định. Điều này, cũng hướng tới mục tiêu tạo ra sự gắn kết và nỗ lực hơn nữa của người lao động trong Tổng công ty khi họ vừa là cán vừa bộ nhân viên vừa là cổ đông của Vilico.

Ngoài ra, thông qua tổ chức tư vấn là VietinBankSC, chúng tôi đang hy vọng sẽ tìm kiếm thêm được các đối tác tham gia mua cổ phần, để đợt IPO tới sẽ thành công cao nhất.

Lo lắng của ông Hoàn không phải là không có cơ sở, còn nhớ Tập đoàn Than- khoáng sản VN (Vinacomin) năm 2012 khi có kế hoạch chào bán toàn bộ 5 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không, với mức giá 10.000 đồng/CP. Tuy nhiên, thời điểm này nhà đầu tư “cạn vốn” và quan trọng hơn cả là mất niềm tin, nên kế hoạch chào bán cổ phần của Vinacomin bất thành. Ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng giám đốc Vinacomin cho biết: “Số cổ phần chào bán nhưng không có người mua. Chúng tôi báo cáo xin Bộ Tài chính cho chuyển sang hình thức giao dịch thỏa thuận. Tuy nhiên, hiện chưa có đối tác nào ngỏ ý mua”. Cho tới nay, Vinacomin mới chỉ bán được 5,94 triệu cổ phần ( chiếm tỉ lệ 19,8% vốn điều lệ).

Rồi năm 2012, Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) 5 lần đăng kí bán toàn bộ 1,54 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,67%) tại Cty chứng khoán Hòa Bình (HBS). Tuy nhiên, Handico mới chỉ bán được 289.900 cổ phiếu. Hiện, do giá cổ phiếu giảm, thấp hơn mệnh giá nên Tổng công ty đã tạm dừng bán cổ phần.

Thời gian qua thị trường chứng khoán giảm sâu đã kéo thị giá cổ phiếu của hàng loạt DN xuống dưới mệnh gia. Giá rất rẻ nhưng cổ phiếu vẫn ế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tế nhị khi hầu hết DN khi IPO đều không muốn công bố các nhà đầu tư chiến lược.

Sẽ có cơ chế mới hỗ trợ khi DN IPO

Một điểm mới trong việc tạo đà cho DN tham gia đấu giá và IPO, đó chính là nghị định mới về cổ phần hóa DNNN dự kiến được ban hành trong năm 2013. Theo ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, thực tiễn triển khai Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành Cty cổ phần đã bộc lộ một số bất cập, liên quan đến hai vấn đề lớn gồm: xử lý đất đai trong quá trình xác định giá trị DN và cơ chế thu hút cổ đông chiến lược. Để khắc phục những vướng mắc này, Dự thảo Nghị định mới sẽ bám sát về vấn đề thu hút cổ đông chiến lược, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia các DN có hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tiềm năng phát triển tốt, nhưng không nằm trong danh mục Nhà nước cần nắm cổ phần chi phối.

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết theo dự thảo nghị định, các DN có thể đàm phán với nhà đầu tư chiến lược, bán một phần vốn cho họ theo giá thỏa thuận, sau đó mới tiến hành bán cổ phần IPO ra công chúng. Điều này làm giảm bớt thủ tục, thời gian cũng như tăng tính chủ động cho DN.

Tuy nhiên, đối với những DN thực hiện IPO trước thời điểm nghị định mới có hiệu lực, việc lựa chọn đối tác chiến lược vẫn theo quy định cũ. Nghĩa là thỏa thuận trực tiếp hoặc đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược có đủ tiêu chuẩn và đã thực hiện đăng ký mua trước khi thực hiện đấu giá công khai là giá thỏa thuận giữa các bên hoặc là giá đấu thành công nhưng không thấp hơn giá khởi điểm.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định đưa ra các quy định trong việc xác định lợi thế vị trí đất trong giá trị DN; quy định Nhà nước sẽ nắm từ 75% đến dưới 100%, từ 65% đến dưới 75% và trên 50% cổ phần tại các DN, tùy theo quy mô, ngành nghề; chuyển một số DN thuộc diện Nhà nước nắm trên 50% cổ phần thành loại nắm trên 25% hoặc trên 35% cổ phần nhằm đảm bảo phải có sự biểu quyết tán thành của Nhà nước mới thông qua được một số hoặc tất cả các quyết định quan trọng thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ, HĐTV... Có thể nói, đây là những tiền đề thuận lợi cho DN khi tiến hành IPO ra công chúng.