Phát huy sứ mệnh “bà đỡ” tái sinh doanh nghiệp

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1+2/2017

Năm 2016, khép lại với nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực và giải pháp được triển khai quyết liệt, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Bước sang năm 2017, DATC tiếp tục chinh phục những mục tiêu cao hơn. Để hiểu rõ hơn những nỗ lực trong năm qua và các mục tiêu trong năm tới, Phóng viên TCTC có cuộc trao đổi với ông Lương Hải Sinh – Tổng giám đốc DATC…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Phóng viên: Xin Tổng giám đốc điểm qua một vài kết quả nổi bật của DATC đã đạt được trong năm qua?

Ông Lương Hải Sinh – Tổng giám đốc DATC

Ông Lương Hải Sinh – Tổng giám đốc DATC

Ông Lương Hải Sinh: Năm 2016, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính, sự quyết tâm, hiệp lực của toàn thể cán bộ, người lao động trong DATC đã đạt được kết quả xuất sắc.


Cụ thể, số nợ xấu và tài sản trong năm 2016 DATC đã mua và xử lý đạt gần 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến khoảng 441 tỷ đồng, đạt 126% so với kế hoạch và tăng 161 tỷ đồng so với năm 2015. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao trong quá trình tái cơ cấu các DNNN, DATC đã tập trung phát triển và có sự tăng trưởng vượt bậc trong công tác mua, xử lý nợ với doanh số mua nợ tăng gấp từ 2-4 lần doanh số các năm trước đây… Đặc biệt, trong năm 2016, DATC đã được Bộ Tài chính kiện toàn đầy đủ bộ máy quản lý cấp cao với các bước thực hiện công khai, minh bạch. Đây là tiền đề quan trọng để DATC đạt được những kết quả nêu trên…

Một trong những điểm sáng của DATC trong những năm gần đây là tham gia xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DN. Vậy hoạt động này trong năm 2016 của Công ty như thế nào, thưa Tổng Giám đốc?

Xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu DN là nhiệm vụ đặc thù, trọng tâm và xuyên suốt trong hoạt động của DATC. Hiện nay, DATC là tổ chức lớn nhất, chuyên nghiệp và có uy tín nhất trong công tác này. Năm 2016 là một năm thành công của DATC trong công tác xử lý nợ xấu với giá trị nợ xấu được xử lý cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, bên cạnh việc tiếp tục tham gia tái cơ cấu các tổng công ty, DNNN gặp khó khăn như: Vinalines, Haprosimex, Công ty thực phẩm miền bắc... DATC đã tham gia xử lý nợ xấu hỗ trợ nhiều tập đoàn, tổng công ty trong quá trình cổ phần hóa như: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp, Tổng công ty Cơ khí Xây dựng Coma, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam...

Năm 2016, đánh dấu mốc phát triển vượt bậc của DATC trong hoạt động mua bán nợ với doanh số tăng từ 2-4 lần so với các năm trước đây. DATC đã thực hiện hoạt động mua bán nợ, tái cơ cấu tại nhiều DN như: các DN thành viên của Lilama, Công ty cổ phần Tập đoàn Gang thép Hàn Việt, Công ty cổ phần Thép và vật liệu xây dựng, Công ty cổ phần Giao thông Đồng Tháp, nhóm DN Chiến Công... Đồng thời, xử lý nợ tồn đọng trong nền kinh tế, phục hồi DN trở lại hoạt động, tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động, góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội địa phương.

Mặt khác, DATC cũng đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, tiếp cận các phương thức xử lý nợ, tái cơ cấu DN của các nước trên thế giới thông qua việc: Tham gia hiệp hội mua bán nợ IPAF, IGPI, thí điểm phương án xử lý nợ tái cơ cấu tại Công ty Biển Đông theo mô hình của Nhật Bản...

Bên cạnh vấn đề xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DN thì việc thoái vốn tại các DN cũng là yêu cầu rất quan trọng đặt ra với DATC. Công ty đã thực hiện nhiệm vụ này trong năm qua như thế nào?

Đúng vậy, xác định được nhiệm vụ chính là ổn định được DN, sau khi hoàn thành vai trò “bà đỡ”, tái sinh DN dưới hình thức tái cơ cấu, DATC sẽ triển khai công tác thoái vốn. Việc làm này, một mặt nhằm xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào DN, mặt khác giúp DATC quay vòng vốn thực hiện tái cơ cấu các DN khác.

Năm 2016, bên cạnh việc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch thoái vốn, DATC đã tích cực tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng, thuyết phục giới thiệu cơ hội đầu tư. Việc thoái vốn còn được đặt ra cả với những DN vừa tái cơ cấu, DN chưa phải thoái vốn theo quy định. Kết quả mang lại là, năm 2016 đã thực hiện thoái vốn tại 19 DN đảm bảo an toàn và phát triển được vốn đầu tư, góp phần tăng doanh thu cho Công ty cao nhất từ trước đến nay.

Quy chế quản lý tài chính của DATC đã được Bộ Tài chính ban hành và có hiệu lực từ 01/11/2016, xin Ông cho biết kết quả ban đầu triển khai thực hiện Quy chế này tại Công ty ra sao?

Quy chế tài chính mới ban hành là mong mỏi của DATC qua thời gian dài hoạt động. Thông qua cơ chế mới, Nhà nước đã cho phép DATC chủ động trong việc trích lập dự phòng, giúp DATC ổn định được tài chính, tạo nền tảng phát triển và nâng cao tiềm lực của mình một cách bền vững.

Hoạt động tái cơ cấu DN là hoạt động đặc trưng, đặc thù diễn ra qua nhiều bước, nhiều năm. Kết quả của giai đoạn này là điều kiện cần để thực hiện công việc giai đoạn sau. Vì vậy, xác định kết quả cuối cùng của hoạt động tái cơ cấu DN và kết quả từng công đoạn của chuỗi hoạt động tái cơ cấu, giúp DATC phản ánh trung thực kết quả hoạt động của mình, đặc biệt là kết quả hoạt động có sự gắn kết với dòng tiền cụ thể.

Xin ông cho biết một số mục tiêu, kế hoạch và giải pháp thực hiện nhiệm vụ của Công ty trong năm 2017?

Trên cơ sở tiền đề kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, DATC dự kiến xây dựng kế hoạch năm 2017 với một số mục tiêu trọng tâm, cụ thể:

- Tiếp tục là công cụ vững mạnh của Chính phủ trong việc xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN, trong xử lý tài sản mà trọng tâm là các tập đoàn, DNNN.

- Là DN hoạt động chủ đạo trong lĩnh vực mua bán, xử lý nợ, đóng vai trò tạo lập, dẫn dắt thị trường dịch vụ tài chính có liên quan đến hoạt động xử lý nợ. Góp phần quan trong hình thành thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.

- Khơi thông nguồn vốn, thu hút đầu tư nước ngoài đối với hoạt động mua bán và xử lý nợ, tận dụng tối đa vị thế hiện nay của Công ty trong thị trường thông qua các hiệp hội mà DATC tham gia. 

- Cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, đảm bảo hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ, tái cơ cấu DN, góp phần hỗ trợ phát triển cho DN và ngăn ngừa rủi ro cho nền kinh tế.

Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện mục tiêu, DATC đã xây dựng kế hoạch năm 2017 với các chỉ tiêu hoạt động cao, doanh số mua nợ tăng trưởng tối thiểu 10%. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu và thoái vốn tại các DN. Phát huy vai trò của DATC tham gia các hiệp hội mua bán nợ IPAF, IGPI, tiếp tục triển khai thí điểm phương án xử lý nợ tại các công ty theo mô hình của Nhật Bản... 

Để đạt được mục tiêu trên, DATC cũng xác định cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động, tranh thủ sự chỉ đạo và hỗ trợ của chủ sở hữu là Bộ Tài chính và các đơn vị, bộ, ngành có liên quan. Đồng thời, tiếp tục tập trung vào các phương án có quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng nhất định đến ngành, nền kinh tế, tiếp tục khẳng định vai trò của DATC là tổ chức lớn nhất, chuyên nghiệp và có uy tín nhất trong xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu DN.

Xin cảm ơn ông!