Thaco: Đầu tư sản xuất linh kiện, phụ tùng để xuất khẩu

Theo Minh Thi/Chinhphu.vn

Trong thời gian tới, Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) sẽ nâng cấp và phát triển toàn diện các nhà máy sản xuất ô tô và các nhà máy công nghiệp hỗ trợ, phát triển sản xuất linh kiện, phụ tùng, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, phục vụ thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.

Tổng quan khối các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng Thaco.
Tổng quan khối các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng Thaco.

Sau 20 năm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô, từ nhận định muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cần phải phát triển công nghiệp ô tô với sản lượng lớn trong thời gian dài thì mới có thể yên tâm đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm và giá thành hợp lý, Thaco đã quyết tâm đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất các linh kiện, phụ tùng, trở thành doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực sản xuất CNHT của Việt Nam. Đồng thời, Thaco từng bước thực hiện chiến lược phát triển ngành CNHT ngay tại khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam.

Những năm qua, Thaco đã tập trung đầu tư xây dựng khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai-Trường Hải thành Trung tâm công nghiệp cơ khí và ô tô quốc gia; thực hiện chiến lược nâng cao tỉ lệ nội địa hóa bằng các giải pháp: Kêu gọi và xúc tiến đầu tư; liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước có công nghệ phù hợp để tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc xuất khẩu sản phẩm ô tô và linh kiện, phụ tùng.

Theo đó, bên cạnh việc đầu tư xây dựng các nhà máy CNHT tại Khu phức hợp Chu Lai-Trường Hải, Thaco đã thực hiện rất nhiều dự án chuyển giao công nghệ từ các đối tác lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản… để nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm và gia tăng tỉ lệ nội địa hóa; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH-CN vào sản xuất; nhằm nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và giảm giá thành sản phẩm.

Trong sản xuất linh kiện, phụ tùng, đồng thời với việc tự nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng công nghệ mới, Thaco cũng sẽ nhận chuyển giao công nghệ hoặc liên doanh sản xuất từ các đối tác. Theo đó, tất cả dây chuyền sản xuất và trang thiết bị máy móc hiện đại công nghệ tiên tiến đều được Thaco đầu tư nhập khẩu từ nước ngoài để bảo đảm tiêu chuẩn toàn cầu.

Quy trình sản xuất được cải tiến liên tục nhằm nâng cao năng suất, Thaco cũng áp dụng đồng thời các phương pháp quản lý hiện đại như Kaizen, Lean, TPM, 5S trong sản xuất… Sản phẩm bảo đảm tuân thủ hoàn toàn theo quy trình kiểm soát của Hệ thống Quản lý chất lượng quốc tế ISO 9001, ISO IATF 16949, ISO 14001, ISO 50001…

Nhận thức được việc đầu tư vào các nhà máy công nghiệp hỗ trợ đã giúp Thaco chủ động trong sản xuất và gia công các linh kiện, phụ tùng ô tô, cung cấp cho các nhà máy lắp ráp tại Khu phức hợp, góp phần nâng cao tỉ lệ nội địa hóa cho các dòng xe chủ lực, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm ô tô, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất-kinh doanh ô tô, đồng thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng bên ngoài về linh kiện, phụ tùng phục vụ công nghiệp ô tô và hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, CNHT cho ngành ô tô phát triển cũng sẽ tạo ra những giá trị cho nền kinh tế đất nước, không những hỗ trợ cho phát triển công nghiệp ô tô mà còn thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp khác: Cơ khí, Nông nghiệp, Ngư nghiệp và các ngành khác, góp phần tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho người lao động và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thực hiện theo đúng sứ mệnh Thaco đặt ra là mang lại giá trị cho khách hàng, cho xã hội và có đóng góp thiết thực vào nền kinh tế đất nước.

Trong thời gian tới, với chiến lược phát triển của mình cùng với định hướng, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, Thaco sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư sản xuất cũng như thúc đẩy xuất khẩu các linh kiện, phụ tùng hướng đến góp phần phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ đã nêu rõ quan điểm ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam là ngành tạo động lực quan trọng, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước cần được khuyến khích bằng những chính sách ổn định, nhất quán, dài hạn.

Trong đó cũng nêu rõ, CNHT chính là ngành động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa đất nước.