Thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Logistic

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2020

Với doanh thu khoảng 40 tỷ USD/năm, chiếm 21-25% GDP, logistics đang trở thành lĩnh vực mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Với tốc độ và quy mô trên, mỗi năm, ngành Logistic cần tới 20.000 nhân lực được đào tạo bài bản, có chất lượng, thế nhưng, thực tế chỉ đáp ứng được khoảng 5%. Nhân lực chất lượng cao đang là nút thắt khiến chi phí logistics/GDP của Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước đang phát triển khác. Thực tế trên đòi hỏi ngành Logistic Việt Nam cần sớm có giải pháp, thúc đẩy hoạt động hợp tác, liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Logictics Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực ngành Logistic

Theo Hiệp hội doanh nghiệp logistics, Việt Nam hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó, khoảng 4.000 doanh nghiệp tham gia vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế. Các doanh nghiệp logistics đều có quy mô vừa và nhỏ với 89% là doanh nghiệp Việt Nam, 10% doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Với doanh thu 40 tỷ UDS/năm, chiếm 21-25% GDP, logistics đang trở thành một trong những lĩnh vực mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Với quy mô và tốc độ phát triển trên, mỗi năm, ngành Logistic cần tới 20.000 nhân lực logistics được đào tạo bài bản, có chất lượng, đây là cơ hội rất lớn cho sinh viên ngành Logistics. Khảo sát cho thấy, một nhân viên ngành Logistic ra trường thường được nhận lương khởi điểm khoảng 6 triệu đồng/tháng, đối với vị trí quản lý có thể có thu nhập lên đến vài nghìn USD/tháng.

Mặc dù, tạo cơ hội việc làm trong ngành Logistics cho thế hệ trẻ, song chính chất lượng nhân lực lại đang trở thành thách thức phát triển của ngành Logistic. Các số liệu nghiên cứu đều chỉ ra rằng, nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Đặc biệt, nguồn nhân lực có trình độ cao ở cấp độ nhà quản lý cũng đang thiếu hụt. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn, kiến thức logistics; 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.

Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế Trường Đại học Kinh tế quốc dân ghi nhận, có tới 80,26% nhân viên trong các doanh nghiệp logistics được đào tạo trong thực tiễn; 23,6% nhân viên tham gia các khóa đào tạo trong nước;  6,9% nhân viên được các chuyên gia nước ngoài đào tạo và chỉ có 3,9% được tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài. Thực tế, nhân lực logistics ở Việt Nam chủ yếu được tuyển dụng từ các đại lý hãng tàu, các công ty giao nhận vận tải biển. Còn nguồn cung cấp lao động cho ngành dịch vụ này mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu.

Về vị trí cán bộ quản lý, những người đang nắm vị trí chủ chốt dù đã được đào tạo hoặc tái đào tạo, nhưng cơ bản vẫn còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh logistics. Có thể nói, phong cách lãnh đạo và quản lý của đội ngũ này đều chưa đáp ứng được nhu cầu. Sự thiếu nguồn nhân lực càng được nhân lên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thiếu nhân lực chất lượng cao là một trong những nút thắt khiến chi phí logistics/GDP của Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước đang phát triển khác.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Logictics thông qua liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp

Thực tiễn cho thấy, bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Logistics đang trở nên cấp thiết.

Theo đánh giá của Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam (VIFFAS), chương trình đào tạo về logistics ở Việt Nam hiện nay còn sơ lược và tổng quát. Từ năm học 2008, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh mới chiêu sinh ngành Quản trị Logistics và Vận tải đa phương thức. Đây là trường đại học đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam mở ngành này. Các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành ngoại thương, hàng hải, giao thông vận tải khác chỉ đưa vào giảng dạy môn học vận tải và bảo hiểm ngoại thương, chủ yếu đào tạo nghiêng về vận tải biển và giao nhận đường biển.

Một số trường đại học có chương trình đào tạo về logistics và quản lý chuỗi cung ứng thuộc các khoa quản trị kinh doanh, kinh tế vận tải, nghiệp vụ ngoại thương, thương mại và du lịch... nhưng chỉ cung cấp các kiến thức cơ bản về nghiệp vụ ngoại thương, vận tải. Sách giáo khoa, tài liệu tham khảo về loại hình dịch vụ này cũng chưa nhiều. Ngay cả các chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực này vẫn còn quá ít so với yêu cầu phát triển.

Ngoài ra, có một số hiệp hội và các nhóm doanh nghiệp tổ chức đào tạo ngắn hạn theo phương thức hợp tác với đối tác nước ngoài hay các giảng viên tự do. Trong thời gian qua, Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics trực thuộc VIFFAS đã hợp tác với Hội đồng Cố vấn Giáo dục và Đào tạo của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) để đào tạo chương trình FIATA Diploma về "Quản lý giao nhận vận tải quốc tế" với bằng Diploma được công nhận trên toàn thế giới.

Viện cũng tham gia trực tiếp trong Tiểu ban Giáo dục và Đào tạo của Hiệp hội Giao nhận các nước ASEAN để xây dựng chương trình đào tạo logistics chung cho các thành viên ASEAN. Ngoài ra, Viện còn kết hợp với các đối tác mở các khóa đào tạo nghiệp vụ giao nhận, gom hàng đường biển, cùng với Trường Cao đẳng Hải quan mở lớp đào tạo về đại lý hải quan…

Tại miền Trung, Đại học Đà Nẵng đã liên kết với Đại học Liège - Vương quốc Bỉ đào tạo được hai khóa “Professional Master in Transport and Logistics”. Tuy nhiên, số lượng học viên mỗi khóa đào tạo chưa nhiều. Mặt khác, nội dung chương trình học này có một số khác biệt giữa châu Âu và Việt Nam về giám sát hải quan, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối, cấp độ quản lý an ninh theo ISPS Code.

Về giao nhận hàng không, IATA thông qua Việt Nam Airlines đã tổ chức được một số lớp học nghiệp vụ và tổ chức thi bằng IATA có giá trị quốc tế. Dự án phát triển nguồn nhân lực ngành logistics và hàng không quốc tế được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam với mục tiêu tìm kiếm và đào tạo nhân lực quản lý ngành dịch vụ logistic và hàng không, do Logistic Knowledge Company phối hợp cùng Work Global thực hiện, cũng đang ráo riết tuyển sinh. Tuy nhiên, số lượng các chương trình này còn hạn chế và mang tính nội bộ.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần có định hướng rõ ràng hơn cho sự phát triển của ngành Logistics. Bổ sung thêm các văn bản dưới luật nhằm hiện thực hóa khái niệm dịch vụ logistics trong Bộ Luật Thương mại.

Thứ hai, có sự hợp tác sâu sắc hơn giữa các bộ, ban, ngành có liên quan tới khu vực dịch vụ logistics để phân định rõ khả năng và trách nhiệm mỗi bên trong việc phát triển khu vực dịch vụ logistics. Các nhà hoạch định chính sách đào tạo cũng cần xây dựng một ngành học về logistics/quản trị chuỗi cung ứng được đào tạo chính quy, bài bản và có hệ thống tại các trường đại học của Việt Nam. Đặc biệt, để xây dựng nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực logistics, đòi hỏi phải có sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề. Theo đó, Chính phủ cần rà soát và tiếp tục thực hiện các chính sách, tạo thuận lợi cho hoạt động logistics; xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics...

Thứ ba, tiếp tục phát huy vai trò của các chương trình đào tạo trung và ngắn hạn được thực hiện bởi các viện, trung tâm, hiệp hội và các công ty đào tạo. Động viên các tổ chức này có kế hoạch hợp tác đào tạo với các chuyên gia hoặc tổ chức nước ngoài tại các quốc gia có dịch vụ logistics phát triển. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Logistic cần tiếp cận chuẩn đào tạo quốc tế loại bỏ điểm yếu của nguồn nhân lực logistics Việt Nam là tính kỷ luật và khả năng làm việc tập thể kém. Các cơ sở đào tạo bên cạnh cung cấp kiến thức, kỹ năng, cần phải quan tâm đến rèn luyện tính kỷ luật, chuyên nghiệp cho người lao động, đa dạng hóa loại hình và hình thức đào tạo.

Thứ tư, các doanh nghiệp cần tham gia đóng góp tích cực hơn nữa chương trình đào tạo theo hướng phát triển của Ngành, góp phần tăng hiệu quả hợp tác giữa nhà trường và nhà doanh nghiệp. Ngược lại, phía nhà trường cần chủ động thiết kế khoá học theo nhu cầu doanh nghiệp, kết nối giảng viên từ doanh nghiệp tham gia vào công tác giảng dạy tại nhà trường và điều chỉnh khung thời gian thực tập phù hợp với doanh nghiệp.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết cùng doanh nghiệp không phải là câu chuyện mới, nhưng mối quan hệ giữa 2 bên chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đưa sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp. Muốn có nguồn nhân lực giỏi, các công ty cần tăng cường liên kết với một số trường đại học có uy tín để tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng trình độ, cũng như có quyền thuyết trình và quyền tuyển dụng tại các trường này. Các khóa học ngắn hạn này nên tập trung vào các mảng nghiệp vụ hoặc tác nghiệp chuyên biệt, phục vụ cho một nhiệm vụ cụ thể của công việc, hoặc đào tạo kiến thức tổng thể, hoặc nâng cao cho các cán bộ quản lý cấp trung và cấp cao.

Thứ năm, người lao động nên có định hướng công việc ngay từ khi đang trong quá trình đào tạo. Sinh viên cần năng động hơn nữa trong quá trình tìm kiếm và tiếp cận các công ty dịch vụ logistics nếu muốn làm việc trong khu vực dịch vụ này, sau đó cần tích cực học hỏi trau dồi nghiệp vụ và kỹ năng làm việc. Còn nhóm lao động trực tiếp cần được đào tạo không chỉ kỹ năng làm việc mà còn phải được đào tạo cả tinh thần, thái độ làm việc cũng như thái độ chấp hành kỷ luật lao động.

Thứ sáu, có sự thay đổi về đào tạo để đảm bảo nhân lực có thể làm chủ được công nghệ và sử dụng công nghệ nhuần nhuyễn trong thực hiện công việc. Nhà trường và doanh nghiệp cần liên kết triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng nhằm cải tiến, thay đổi các hoạt động thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của mỗi bên; phối hợp tổ chức các tọa đàm, hội thảo chuyên môn trong các lĩnh vực cùng quan tâm.

Ngoài ra, Hiệp hội các doanh nghiệp Logictics và các trường hàng năm nên tổ chức các cuộc thi cấp chứng chỉ cho những người làm về logictics có trình độ cao, nhằm phân loại năng lực của người lao động, từ đó giúp cho doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn nhân lực cao. Đồng thời, việc thi và cấp chứng chỉ cũng tạo điều kiện cho người lao động xác định được mục tiêu phấn đấu trong nghề nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

Trường Ðại học Tài chính - Marketing (2019), Kỷ yếu Hội thảo “Ðào tạo và phát triển nguồn nhân lực Logistics trong nền kinh tế hội nhập”, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh;

Nguyễn Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (2017), “Ðánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam”, Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam;

“Ngành logictics tại Việt Nam “khát” nhân lực chất lượng cao”, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, 12/10/2017;

Luis C. Blancas et al (2014), “Efficient Logistics A Key to Vietnam’s Competitiveness”, World Bank, Washington D.C

Fiin Group (2019), “Vietnam Logistics Market 2019”;

Businesswire (2019), “Vietnam Freight and Logistics Market - Growth, Trends, and Forecast (2019 - 2024)”, ResearchAndMarkets.com.

http://www.vlr.vn/vn/news/info/nghien-cuu-ung-dung/973/can-mot-chien-luoc-phat-trien-toan-dien-nguon-nhan-luc-logistics-viet-nam.vlr;

http://sggp.org.vn/xahoi/2015/12/407669/;

https://gosmartlog.com/wp-content/uploads/2019/12/Bao-cao-logistics-viet-nam-2019.pdf;

http://www.logistics.gov.vn.