Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng trong bối cảnh Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Anh Thư

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đổi mới cách tiếp cận đến các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng cho phù hợp với cuộc cách mạng 4.0. Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp thì sự hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn khởi đầu là hết sức cần thiết.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh

Cơ hội và thách thức từ Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với doanh nghiệp

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là cuộc cách mạng được hình thành trên nền tảng thành tựu vượt bậc của cuộc cách mạng thứ ba, xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa – rô bốt, và vạn vật kết nối Internet. CMCN 4.0 đang diễn ra trên thế giới đã tạo nên những thay đổi rất lớn trong phát triển kinh tế toàn cầu.

CMCN 4.0 đã được phát triển theo các hình thái khác nhau như: nhà máy thông minh, mọi thứ kết nối internet, công nghiệp thông minh hoặc sản xuất tiên tiến. Viễn cảnh các nhà máy thông minh trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định.

Những tiến bộ về công nghệ số tạo thuận lợi cho sản xuất các sản phẩm chất lượng cao theo nhu cầu riêng một cách dễ dàng và rẻ hơn, cuộc cách mạng thông tin tạo tiền đề cho những đổi mới đột phá về mô hình kinh doanh. Trong công nghệ này, việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để số hóa thông tin và tích hợp hệ thống ở tất cả các giai đoạn của quá trình tạo ra sản phẩm và sử dụng (bao gồm cả hậu cần và cung cấp), cả bên trong và bên ngoài công ty. CMCN 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị cũ và mô hình kinh doanh cũ.

Với sự hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, CMCN 4.0 sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu đã có nhận định rằng CMCN 4.0 sẽ đem lại cơ hội cho Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách về năng suất với các nước. Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với DN Việt Nam, khi nền sản xuất công nghiệp dựa vào gia công và tăng cường lao động đang chiếm phần lớn trong trong các DN sản xuất.

Trong nhiều ứng dụng của CMCN 4.0, việc tìm hiểu và nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào thúc đẩy nâng cao năng suất của các DN Việt Nam rất cần thiết để giúp các DN Việt Nam đón đầu công nghệ mới, đưa cuộc cách mạng công nghiệp thành cơ hội đổi mới cho DN khi việc ứng dụng các công nghệ thông tin và tự động hóa các quá trình kinh doanh còn yếu ở hầu hết các DN hiện nay…

Bối cảnh CMCN 4.0 đã đòi hỏi các DN đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm toàn bộ các giai đoạn từ khâu thiết kế sản phẩm, cung ứng nguyên, phụ liệu, sản xuất, xuất khẩu và marketting; đến đổi mới phương thức, mô hình quản trị sản xuất, kinh doanh; đổi mới cách tiếp cận đến các giải pháp nâng cao NSCL cho phù hợp với cuộc CMCN 4.0. Bên cạnh sự nỗ lực của DN thì sự hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn khởi đầu là hết sức cần thiết.

Tạo lập nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng

Trong những năm qua, Chương trình quốc gia “Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020” đã hỗ trợ DN áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL và đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho DN trong việc hợp lý hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm vật tư, nguyên vật liệu, năng lượng… giảm thiểu lãng phí, nâng cao NSLĐ, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Trong những năm qua, Chương trình quốc gia “Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020” đã hỗ trợ DN áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL và đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho DN.

Chương trình đã hỗ trợ hoạt động nâng cao NSCL trong DN nói riêng và phạm vi nền kinh tế nói chung bao gồm hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL cụ thể áp dụng trong DN, cụ thể:

Một là, hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam đã được bổ sung về số lượng tiêu chuẩn Việt Nam và mức độ hài hòa với Tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa chủ lực của nền kinh tế, yêu cầu quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn vệ sinh sức khỏe con người và môi trường (11.500 TCVN; tỷ lệ hài hòa khoảng 54%).

Hai là, hệ thống quy chuẩn quốc gia (khoảng 780 Quy chuẩn Việt Nam) trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý Nhà nước nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích DN và người tiêu dùng trước nguy cơ tiềm ẩn.

Ba là, Chương trình đã góp phần đào tạo trang bị những kiến thức và kỹ năng thực hành cho đội ngũ chuyên gia về NSCL qua đó góp phần dần hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn, các tổ chức tư vấn về NSCL có am hiểu sâu về các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng có khả năng hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ DN trong việc cải tiến hoạt động quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa;

Bốn là, hình thành hệ thống tài liệu, giáo trình về các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng, và tài liệu tư vấn hỗ trợ dùng cho đào tạo huấn luyện, phổ biến tuyên truyền quảng bá kiến thức về NSCL tại việt Nam...

Với các kết quả đạt được trong thời gian qua, dự kiến trong thời gian tới, Chương trình quốc gia “Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2030 tiếp tục tạo lập nền tảng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các công cụ hỗ trợ DN nâng cao NSCL trong bối cảnh Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể:

Thứ nhất, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở các chương trình tiêu chuẩn hóa đồng bộ cho các sản phẩm, hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Thứ hai, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, tạo nền tảng kết nối trong sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh, gồm các tiêu chuẩn cơ bản, tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị thông minh, nhà máy thông minh, dịch vụ thông minh, phần mềm công nghiệp và dữ liệu lớn và công nghiệp internet…

Thứ ba, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL và các mô hình điểm thực hành cải tiến NSCL; cơ sở dữ liệu chuẩn đối sánh và thực hành tốt nhất về năng suất.