Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh: Hành động thay vì hô khẩu hiệu

Theo Hồng Hà/daibieunhandan.vn

Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh là yếu tố quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp (DN) song chưa được chú trọng. Nhiều DN hô khẩu hiệu rất rõ nhưng vì lợi nhuận lại làm trái nguyên tắc của mình. Đây là ý kiến nêu tại Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh” diễn ra sáng 18/9 tại Hà Nội.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm Đạo đức kinh doanh củng cố và gia tăng uy tín cho thương hiệu doanh nghiệp. Nguồn: Internet
Các diễn giả tham gia Tọa đàm Đạo đức kinh doanh củng cố và gia tăng uy tín cho thương hiệu doanh nghiệp. Nguồn: Internet

Không phải câu nói cửa miệng 

Trong tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế, văn hóa DN và đạo đức kinh doanh đang trở thành nhân tố tác động mọi hoạt động của DN. Theo Tổng Biên tập Báo Văn hóa Chu Thị Thu Hằng, thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ việc lùm xùm của DN khiến dư luận bức xúc.

Điều này cho thấy, đạo đức kinh doanh và văn hóa DN hiện nay không phải là câu nói cửa miệng để khoe mẽ mà luôn gắn liền với lợi nhuận, triết lý kinh doanh, là sự sống còn và phát triển của mỗi DN…

Các DN, doanh nhân xây dựng và phát triển thương hiệu cho mình cần phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, tạo uy tín trên thị trường. “Nhiều bài học thực tế cho thấy, trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu, nếu các DN thiếu sự quan tâm cần thiết tới việc xây dựng nền tảng văn hóa đạo đức kinh doanh thì sẽ chịu thiệt thòi.

Có không ít DN vì lợi nhuận đã bất chấp, vì đồng tiền mà đánh cược niềm tin từ phía khách hàng. Sự đổ bể của những DN từng có thương hiệu đình đám trên thị trường trong nước và quốc tế một lần nữa khẳng định sự cần thiết của văn hóa DN và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh hiện nay”, bà Chu Thị Thu Hằng dẫn chứng.

Theo ông Phạm Đức Bình, CEO Công ty Cổ phần Công nghệ BNC Việt Nam, ẩn sâu trong vấn đề văn hóa, đạo đức kinh doanh là triết lý thị trường, triết lý phát triển của các DN và triết lý về cuộc sống.

Từ thực tế kinh doanh nhiều năm của BNC, ông Phạm Đức Bình diễn giải, DN trước tiên phải có thái độ, nhận thức đúng về văn hóa DN ở tầm quốc tế và vị thế của Việt Nam; coi đó là nguồn lực để phát triển, cách thức tạo ra giá trị và phát triển bền vững. Phải thực hiện văn hóa trong kinh doanh bài bản có quản trị, lãnh đạo, kiểm tra, đánh giá, điểu chỉnh.

Đồng tình quan điểm này, PGS., TS. Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh cho rằng, nền tảng quyết định thành công của mỗi DN căn cứ vào môi trường kinh doanh, điều kiện cụ thể của DN, đặc biệt là người đứng đầu. “Doanh nhân lãnh đạo DN phải là tấm gương về văn hóa, phải thực sự bắt tay quản trị văn hóa DN, có tinh thần thượng tôn pháp luật, đạo đức kinh doanh, đạo đức xã hội, tinh thần cạnh tranh lành mạnh”.

Cụ thể hóa thành hành động

Vấn đề văn hóa DN và đạo đức kinh doanh lâu nay đã bàn nhiều tại các diễn đàn. Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Nguyễn Quang Vinh cho rằng, tất cả nhà triết gia, nhà tư tưởng, giáo sư, nhà thực hành đều khẳng định văn hóa DN chính là nhân tố dẫn đường soi sáng DN, tạo ra nhiều giá trị, lợi ích cho DN như năng lực cạnh tranh, năng suất.

Song, DN Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến xây dựng văn hóa kinh doanh. Văn hóa thể hiện từ cách ứng xử trong môi trường lao động của nhân viên, khẩu hiệu mà DN đề ra và quá trình DN thực hiện để đạt tới thành công. “Hô khẩu hiệu rất rõ nhưng nhiều DN đã làm trái với những nguyên tắc mình đưa ra vì lợi nhuận. Họ chưa nhận thức được phải xây dựng đường hướng kinh doanh như thế nào để tạo ra sự khác biệt.

Cần biết, xây dựng văn hóa DN mất nhiều thời gian để hình thành nền tảng, tạo giá trị, và giá trị đó thẩm thấu vào chiến lược cạnh tranh của DN. Chúng ta đã biết đến những DN không chỉ lớn mạnh bằng kinh doanh mà tạo ra giá trị môi trường để tăng trưởng xanh. Đó là sự khác biệt giữa DN này và DN khác”, ông Vinh nói.

Ông Phạm Đức Bình khẳng định, văn hóa DN muốn không dừng lại ở khẩu hiệu phải do người đứng đầu tiên phong, nung nấu ý tưởng, cụ thể hóa hành động.

"Điều này khẳng định qua thực tế, từ câu chuyện kinh doanh của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, hay người đứng đầu Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội… Họ là những người tiếp nhận khôn ngoan trong thời đại cách mạng 4.0, đưa mô hình quản trị văn hóa DN thực hiện ngay từ ngày đầu trên con đường đi đến thành công", ông Phạm Đức Bình chia sẻ.